Tết xưa
25/01/2012 1448

- Với nhiều người, Tết xưa dường như vẫn còn phảng phất trong tâm thức mỗi khi mưa xuân bao phủ hiên nhà. Cùng hoài niệm về cái Tết của người Hà Nội đang được lưu giữ trong ký ức của nhiều thế hệ tiếp nối nhau...



Theo cha đi lễ Tết

“Những năm tôi còn thơ ấu, Tết bắt đầu bằng việc mang đồ thờ, đỉnh đồng, đèn đồng ra đánh sáng choang, và thầy tôi mang câu đối ra treo. Ngày thường, nhà vẫn treo câu đối gỗ, nhưng những đối trướng mừng thọ bà nội, bằng gấm, bằng nỉ đỏ thêu kim tuyến hình những ông tiên, ông thọ, thủy ba, vân cuốn thủy rồi chim muông, hoa lá, thì Tết mới lại mang ra treo. Treo kín những bức tường, đỏ rực cả không gian. Vui nhất là ngày treo câu đối. Thế là Tết đã đến rồi...


Chen chân mua hàng thời bao cấp

Sau đó là bác tôi từ Hà Nội về mang theo vô số thứ, giò lụa, giò gà, bánh chưng, rượu mùi, rồi bát hoa thủy tiên lạ mắt... nhưng tôi sướng nhất là có bánh pháo cuộn tròn to như cái nón. Chỉ chờ người lớn không để ý, rón rén mở ra ngó một cái là đã sướng mê mẩn, rồi chạy vội đến nhà cu Chệu, bạn tôi để khoe”.

Cụ Phan Lạc Đa, năm nay đã 88 tuổi, ở 65 Châu Long, Hà Nội nhớ những ngày Tết xưa ở quê với những ký ức còn tươi rói như thế.

“Là con trai lớn trong nhà nên khi 9 - 10 tuổi, tôi luôn ôm tráp theo thầy tôi đi lễ Tết. Tráp là cái hộp gỗ sơn then hình chữ nhật, cao và rộng chừng 30 phân, rộng 40 phân, mở ra có vẽ trúc mai ở mặt trong của nắp hộp. Tôi cũng mặc áo the dài, quần trắng và đầu phải quấn khăn nhiễu tím, giầy Chí Long thật trịnh trọng. Cái tráp ấy đựng bánh mứt, cau trầu và hương. Đầu tiên, là đến nhà bác Tú, lễ cụ Giải nguyên rồi sang bên ngoại, hai chỗ này tôi đã được giao mang lễ đến từ chiều 30 Tết.

Sau hai chỗ ấy, hai cha con đến lễ Tết cụ Thiếu bảo Đại học sĩ, vị Thượng thư hồi hưu mà thầy tôi gọi là cậu ruột. Dù là con cháu trong nhà nhưng đến đó lúc nào tôi cũng thấy rất trịnh trọng. Trông thấy cha con tôi đến là cụ vui lắm, vui vẻ mời ngồi uống trà, tôi thì vội theo cha chắp tay "Lạy ông lớn ạ" rồi ra thắp hương, lễ trước bàn thờ, sau đó mới ngồi xuống tràng kỷ, hầu trà cụ.


Bà Nhiệm kể: Mua hàng Tết là vất vả lắm và phải chịu khó mới được.


Cụ Thượng mặc áo gấm đỏ, trên gương mặt đôn hậu có những chấm đồi mồi. Sau những lời chúc tụng, cụ thường mừng tuổi cho tôi một đồng 2 xu dày. Hai xu bằng bốn chinh, có thể mua được cái bánh chưng, nhưng đồng 2 xu dày này còn quý ở chỗ đánh đáo thích lắm. Tôi để đồng tiền trong túi áo mà thỉnh thoảng lại nắn xem nó có ở yên đó không...

Mỗi dịp Tết như thế, phải đi lễ Tết rất nhiều, trước hết là những gia đình quan hệ thân tộc nội ngoại, thông gia, hàng xóm gần gũi, rồi những gia đình mà nhà mình có mồ mả ở ruộng nhà họ. Những gia đình đó thì không chỉ thẻ hương, quả cau mà có bánh, mứt nữa.

Đi lễ Tết rất mỏi chân, nhưng thật là vui vì có nhiều tiền mừng tuổi. Nhà cô nghèo thì cho một chinh, nhưng đến nhà ông Cả Hữu, một thương gia từ Nam Định về ăn Tết thì năm nào tôi cũng được mừng tuổi 1 hào... 1 hào đó là cả gia tài của tuổi thơ. Dọc đường làng, người đi lại tấp nập, ai cũng mặc đẹp, nhất là những người đi làm ăn, buôn bán các nơi, các vị quan chức về quê ăn Tết. Các cụ gặp nhau đều vái chào và chúc tụng, cười nói râm ran, trên đường đầy xác pháo như những bông hoa”.

Xếp hàng mua hàng Tết
Bà Phan Thị Nhiệm, 61 tuổi ở ngõ 29 Thụy Khuê, Hà Nội không khỏi bật cười nhớ lại việc chuẩn bị đón Tết trong những năm tháng bao cấp. Hồi đó, người Hà Nội đều có tem phiếu, phiếu mua thực phẩm, phiếu mua chất đốt, phiếu mua vải và sổ gạo. Ngày Tết, mỗi gia đình được mua một số hàng hóa bao gồm vài cân thịt, dăm cân gạo nếp, một ít đỗ xanh, miến, bóng bì, hai bao thuốc lá, hai gói chè Ba Đình, chai rượu cam, vài cân bột mỳ, một chai nước mắm, ít lá dong, rồi củi đun bánh chưng, một bánh pháo tép... Tất cả đều phải có phiếu và đương nhiên đều phải xếp hàng.





Bà Nhiệm kể: Mua hàng Tết là vất vả lắm và phải chịu khó mới được. Nhiều khi phải xếp hàng từ 12 giờ đêm, để sáng sớm họ mở cửa hàng là mình đứng gần đầu ngay. Ai lười, chậm chân một chút thì có khi đến lượt là hết hàng, phải chờ buổi sau hoặc có còn thì cũng là những thứ đầu thừa đuôi thẹo.

Hồi đó mua thịt ai cũng thích mua được thịt thủ, vì được mua nhiều gấp đôi thịt mông, thịt dọi (ba chỉ), nên muốn mua được thịt thủ thì phải đi xếp hàng sớm. Người nọ gọi người kia, như đi xem phim bãi. Ra đó, vừa kê ghế ngồi giữ chỗ vừa nói chuyện râm ran cho đỡ buồn ngủ. Chưa kể, một dãy quầy hàng, không biết họ sẽ bán ở quầy nào, thế là phải liên kết với nhau, hai người xếp hàng hai dãy, cầm thêm cái nón mê hay hòn gạch giữ chỗ hộ người kia. Nếu không phối hợp thế thì có khi công cốc.

Thông thường, để mua đủ số hàng Tết đó, phải mất nhiều buổi trong cả tuần, mà như bây giờ số thực phẩm đó không đủ một bữa liên hoan. Mua xong hàng Tết thì con gái trong nhà lo việc đi làm bánh quy gai, quy xốp. Khi đó Hà Nội có vô số nhà mở lò làm quy gai, quy xốp, đến nỗi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên ra Hà Nội ngạc nhiên hỏi: "Ông Quy xốp" là ai mà nổi tiếng thế?!". Vài cô bạn thân lại rủ nhau cùng đi làm bánh. Họ đưa cho mình cái chậu nhôm và cái dụng cụ khuấy, thế là đường, trứng, bột mỳ của mình cho vào đấy, đánh đều lên, càng đánh kỹ càng tốt.

Sau đó họ mới dùng khuôn để làm bánh quy gai, là những thỏi dài chừng 10cm có những cái gai lốm đốm, hay bánh quy tròn, quy vuông có răng cưa chạy quanh và đưa vào lò. Làm xong mẻ bánh cũng hết nửa ngày.





Xong hết những việc đó thì những phụ nữ khéo tay tranh thủ làm thêm chút mứt gừng, mứt quất để thể hiện tài nữ công gia chánh của con gái Hà thành. Phải nói, hồi đó cái gì cũng hiếm, một trong những thứ quý hiếm nhất là đường.

Bà Nhiệm bật cười kể: Nhà một cô bạn tôi trong xóm, quanh năm không dám uống một thìa nước đường, tất cả số đường mua được, chỉ tiêu 2 lạng/người/tháng, ông bố cô ấy đem tích vào một cái bình thủy tinh, bày trang trọng giữa nhà, khiến ai đến chơi cũng choáng ngợp. Lọ đường kính như thể hiện đẳng cấp phong lưu của gia chủ.

Đường đã thế, mỳ chính còn quý bội phần. Vì thế, cái gì hiếm thì người ta ví "như mỳ chính cánh" . Hồi đó, phở mậu dịch thường nhạt nhẽo, ít thịt nhiều bánh, nên có một số người thường chứng tỏ sự giàu sang của mình bằng cách, trước khi ăn, họ lấy trong túi ra cái lọ penixilin đựng mỳ chính, rồi trịnh trọng lấy cái tăm chấm một cái và hòa vào bát phở, trong sự ngưỡng mộ của những người xung quanh.

Có điều là hồi đó khó khăn, thiếu thốn, cái gì cũng phải xếp hàng nhưng không ai thấy sốt ruột như bây giờ, ai cũng thong thả, vui vẻ với cái công việc xếp hàng và chờ đợi như thế...

Chợ Tết Sài thành 70 năm trước
"Hễ gần đến Tết thì chợ Bến Thành lại một phen rộn rịp, tưng bừng. Từ 23 tháng Chạp, người ta đã làm thành những dãy quán lá để bán hàng Tết mấy hôm chợ đêm. Người ta phải giành chỗ trước từ đầu tháng Chạp. Nhận chỗ ngày nào phải đóng thuế chợ ngày ấy. Đến hai mươi ba thì các gian hàng đều làm xong hết, hàng Tết đã bày la liệt. Chiều đến, người ta đi mua bán đã rộn ràng.

Nhưng vui nhất chỉ có ba hôm chợ đêm: 27, 28, 29. Ba hôm đó trong chợ, ngoài chợ, hàng bán suốt sáng. Mấy người bán hàng thay đổi nhau thức để bán, mỗi hàng 5 - 7 người: Người cân, người gói, người đếm tiền, không lúc nào được rảnh tay. Mấy gian hàng báo chí đã thấy treo đầy những sách báo mùa xuân. Mấy cụ đồ nghiêm trang trong bộ quần áo mới tề chỉnh đang cố nắn nót những nét chữ mềm mại và mạnh mẽ trên những tờ giấy đỏ chói, nào là tài lộc, phú quý, thọ khang...

Chỗ này mấy gian hàng cây cảnh, xếp từng dãy chậu; Nào là hồng, cúc, vạn thọ, mào gà, cam quất, lại còn cành mai trắng cùng những bó hoa Đà Lạt xinh tươi rực rỡ muôn hồng nghìn tía như thi sắc đẹp với khách đi chơi chợ Tết.

Đằng kia san sát những gian hàng nào rượu, pháo, bánh mứt, kẹo, hạt dưa, nào cam, quít, bưởi, dưa hấu, thanh trà... nhiều không xiết kể. Lại xen thêm cả mấy bó hoa giấy xanh đỏ trắng vàng... Dưa hấu, bưởi đỏ là món đặc biệt của Tết Sài Gòn, thiếu hai món đó là thiếu mất hương vị ngày Tết".

"Giờ mình cũng lưu luyến"!
Ông Lương Văn Quýnh (60 tuổi, người dân tộc Thái ở bản Xốp Chạng, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An):Tết của người Thái xưa khác so với bây giờ rất nhiều. Người đàn ông Thái có mái tóc trắng, luôn nở nụ cười nhớ lại: Mỗi lúc đến Tết, con cái dù đi đâu cũng về quây quần ở nhà. Tối 30 Tết, cả nhà ngồi gói bánh chưng và thức nấu bên bếp củi rực lửa. Lúc ấy cái giá lạnh của miền sương núi tan mất, chỉ còn lại là tiếng cười khúc khích, tiếng chuyện trò rôm rả. Đây cũng là thời điểm mà tôi chọn con gà to, đẹp làm thịt để cúng tổ tiên (gà trống, gà mái đều được nhưng không được gà màu trắng vì theo người Thái thì như thế là kiêng). Mồng 1 Tết, nhà nào có lợn thì làm thịt lợn rồi tiếp tục cúng một lần cuối cùng. Đến khi ăn Tết thì hàng xóm chia nhau "ăn ké". Buổi sáng thì nhà tôi mời hàng xóm sang ăn Tết, trưa, tối lại ngược lại. Cứ thế mấy ngày Tết cả xóm, cả bản ăn uống giao lưu. Đặc biệt, Tết của người Thái xưa không thể thiếu bình rượu cần, cùng uống rượu rồi nhảy sạp, ném còn, quạnh lòng (tiếng chày đâm vào lòng gỗ tạo nên tiếng kêu) và tiếng cồng chiêng dội vang bản làng... Giờ không còn nữa mô (đâu). Tết giờ bỏ hết rồi. Giờ mình cũng lưu luyến, cũng thích cái Tết xưa lắm. Nghe tiếng cồng chiêng là thấy Tết thôi. Giờ không còn nghe nữa đâu". Trọng Đức (ghi)

Nhớ lắm, Tết xưa!
Ông Cao Xuân Thái (63 tuổi, tổ 15, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng):Tôi vẫn nhớ như in những cái Tết từng trải qua trong thời bom rơi đạn nổ, nhất là cái Tết năm 1963. Đêm 30 Tết gia đình tôi đang nấu bánh chưng. Khi nồi bánh chưng chín, chưa kịp đưa lên bàn thờ thì bất chợt có người gõ cửa. Trong tâm thức của cậu con trai 14 tuổi, tôi vẫn nhớ những khuôn mặt đàn ông đã bước vào nhà tôi lúc đó. Khi những vị khách đã vào nhà và cửa đã đóng, then đã cài, bố mẹ tôi vớt bánh chưng ra cho các vị khách ăn. Tôi thắc mắc thì bố tôi lúc đó chỉ lắc đầu ra hiệu im lặng. Sau này tôi mới biết những vị khách đặc biệt kia là những chiến sĩ cộng sản. Ăn xong bánh bố mẹ tôi còn đùm mấy đòn bánh chưng để dành cho những vị khách mang đi. Bỗng tiếng chó sủa dồn. Các vị khách nhanh chóng ẩn khuất trong bóng đêm 30 Tết bằng cửa sau. Một toán lính dân vệ địa phương ập vào cửa trước tra khảo đủ điều. Sáng mồng 1 Tết còn "mời" bố mẹ tôi lên trụ sở xã làm việc... Tết ngày xưa thiếu thốn là thế nhưng sao vẫn rất đầm ấm và hạnh phúc. Cái hương bánh chưng mà cả nhà cùng quây quần đêm 30 Tết ngày ấy cứ theo mãi tôi đến tận bây giờ. Dù mọi thứ của Tết nay đều có thể mua ở chợ, nhưng sao tôi vẫn thèm đến lạ cái hương bánh chưng Tết ngày xưa. Ngọc Duyên (ghi)

Mâm cỗ 6 bát 8 đĩa
Cụ Nguyễn Thị Định (85 tuổi, 147A Phố Huế, Hà Nội):Tết vui lắm! Từ khoảng ngoài 20 tháng Chạp là đã háo hức chuẩn bị sắm sửa thực phẩm chuẩn bị cho mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết rồi. Một mâm cỗ nhất thiết phải có ít nhất là 6 bát 8 đĩa. 6 bát có thể kể ra là bóng, cá thủ, nấm, mực, măng, long tu; 8 đĩa gồm gà luộc, gà quay, xôi vò, xào đỉa bể, nấm thập cẩm, chả quế, giò lụa, hạnh nhân. Trong đó món hạnh nhân gồm 10 vị như su hào, cà rốt, nấm, thịt, củ đậu, đậu hà lan, tôm nõn thái nhỏ... xào chín, thêm giấm và chút bột sánh, rắc hạnh nhân lên trên. Sau khi tập trung làm mâm cỗ cúng gia tiên trong không khí quây quần, đầm ấm, cả nhà lần lượt đứng lễ trước ban thờ. Không khí thật thiêng liêng, ấm cúng.

Không còn háo hức như Tết xưa.
Ông Nguyễn Công Tiến(người chứng kiến hơn 60 cái Tết tại số nhà 51 Hàng Chiếu, Hà Nội):Có lẽ vì bây giờ mọi thứ đều quá dư thừa, từ thực phẩm, hay quần áo mới, nên cái háo hức đón chờ ngày Tết không còn được như xưa, nhất là đối với trẻ em. Người lớn thì cũng vì quanh năm quá bận rộn nên chỉ mong Tết đến để được xả hơi, được nghỉ đi chơi... Dù có nhiều thay đổi nhưng Tết nay vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, nhất là không khí nhộn nhịp của chợ hoa, cây cảnh. Tết đến nhà nào cũng phải có được cành đào, cây quất, chậu hoa hay lọ hoa tươi thể hiện văn hóa quan tâm đến đời sống tinh thần. Ngoài ra, việc sum họp gia đình, cúng lễ tổ tiên là những việc có ý nghĩa quan trọng nhất trong ngày Tết cũng không bị phôi pha.

Nhớ mùi của Tết
Bà Vũ Thị Phụng (72 tuổi, 13 Nguyễn Khắc Cần, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội): Mẹ tôi thường mua lá, đãi đỗ, ướp thịt rất nhiều và tự gói bánh rồi luộc bằng thùng phi. Củi mua của những người ở quê gánh lên bán. Nồi bánh được đặt ở giữa sân rồi cả gia đình tụ tập sau bữa cơm chiều để bắt đầu luộc đến tận sáng hôm sau. Đến bây giờ không còn luộc bánh chưng nữa, nhưng mỗi khi ăn miếng bánh chưng ngày Tết tôi vẫn như thấy mùi khói bếp, tiếng nồi bánh sùng sục sôi và mùi hơi bánh bốc lên thoang thoảng. Lúc đó tôi mới hơn 10 tuổi, thường tự tay gói những chiếc bánh nhỏ xíu để nửa đêm khi mọi người đói thì những chiếc bánh nhỏ đó chín trước và có thể vớt ra ăn. Háo hức nhất là khi bánh đã chín, được vớt ra, đem xếp bằng và đặt một tấm gỗ lên trên rồi nén lại bằng cối, gạch và tất cả những vật nặng mà lũ trẻ chúng tôi lấy được". L.N (ghi)
HP (st)