ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC

1. Luận về sự - lý


* Lý thế gian hay xuất thế gian chẳng ra khỏi hai chữ “tâm tánh”. Sự thế gian và xuất thế gian chẳng ra khỏi hai chữ “nhân quả”. Chúng sanh trầm luân cửu giới, Như Lai chứng Nhất Thừa, nhưng tâm tánh chẳng tăng hay giảm mảy may nào! Sở dĩ thăng - trầm khác xa nhau, khổ vui cách biệt vời vợi là do tu đức nơi nhân địa chẳng giống hệt nhau nên thọ dụng quả địa khác biệt.

Xiển dương Phật pháp thật chẳng phải là chuyện dễ! Chỉ luận về lý tánh thì trung căn, hạ căn chẳng hưởng lợi ích; chuyên nói nhân quả thì người căn cơ bậc thượng thường hay chán nghe. Nhưng nhân quả và tâm tánh nếu tách rời ra, cả hai đều tổn; hợp lại, cả hai cùng tốt đẹp. Vì thế, ngài Mộng Đông nói: “Người khéo luận tâm tánh ắt chẳng bỏ lìa nhân quả. Người tin sâu nhân quả ắt rốt cuộc hiểu rõ ràng tâm tánh”. Lý này lẽ tất nhiên là như thế.

Nhưng chúng sanh thời Mạt Pháp căn cơ hèn kém, các pháp Thiền - Giáo chỉ cậy vào tự lực, khế ngộ còn khó, huống hồ liễu thoát! Chỉ có pháp môn Tịnh Độ cậy vào Phật lực, chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, dù là ngũ nghịch thập ác cũng có thể vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, cao dự hải hội. Đối với pháp tối thượng thừa chẳng thể nghĩ bàn này, hãy nên giảng về cả Lý lẫn Sự, thành thật khuyên [ai nấy] hãy nên thí [pháp này] đều khắp.



* Nên biết rằng pháp môn Tịnh Độ có đủ cả tất cả sự tướng của bốn pháp giới, đều là pháp giới sự sự vô ngại. Đọc đến rồi tu, chớ nên chấp Lý bỏ Sự. Nếu chấp vào một bên, cả Lý lẫn Sự cùng mất. Như người biết ý căn nhạy bén nhất bèn bỏ cả ngũ căn thì ý căn cũng chẳng thể do đâu tồn tại được. Chỉ nên dùng Sự để hiển Lý, dùng Lý dung hội Sự mới chẳng sai lầm. Vì vậy, mới nói yếu chỉ của Tịnh Độ là “toàn Sự tức Lý”. Lý - Sự viên dung bèn khế hợp bổn thể. Tôi biết sư đã ăn no cơm vua từ lâu (4), nhưng vẫn cứ miệt mài hiến lời hèn mọn, chẳng qua để giãi bày tấc lòng thành của đứa con túng quẫn mong được trở về nhà, cũng như mong rửa sạch cái tội báng pháp trước đây đó thôi! (5)



* Người thông minh đời nay tuy học Phật pháp, nhưng chưa thân cận khắp các thiện tri thức, đa phần chuyên trọng lý tánh, bài bác, vứt bỏ nhân quả và những chuyện tu hành về mặt Sự. Đã bác Sự Tu, nhân quả thì lý tánh cũng mất. Bởi thế, thường có hạng tài cao, ngôn từ kinh động cả quỷ thần, nhưng xét đến hành vi lại chẳng khác gì bọn vô tri vô thức đầu đường xó chợ. Gốc bệnh đều là do bác Sự Tu và nhân quả gây ra cả, khiến cho bậc thượng trí uổng công nảy lòng thương xót, kẻ hạ ngu bắt chước làm càn theo. Ấy là dùng thân mình báng pháp, tội lỗi vô lượng.



* Biết chẳng khó, làm được mới khó. Đời có hạng người rỗng tuếch, nghe được lý “tâm, Phật, chúng sanh cả ba không sai biệt”, hoặc do duyệt kinh sách bên Giáo, tham thiền, ngộ được lý này, liền cho rằng mình giống như Phật, cần gì phải tu phải chứng, bèn phóng túng tâm ý, đối với hết thảy cảnh duyên lầm lạc bảo: “Sáu trần chính là Giác, tham - sân - si chính là Giới - Định - Huệ, cần gì phải chế tâm nhiếp thân, không dây mà tự trói mình?” Thứ kiến giải này hèn kém nhất; nghĩa là chấp Lý phế Sự, bác không nhân quả có khác gì dùng bánh vẽ để khỏi đói, cất nhà trên không, tự mình lầm, khiến người lầm, há chẳng phải là tội lỗi cực điểm hay sao? Dùng thiện nhân chuốc lấy quả ác, tam thế chư Phật gọi kẻ ấy là kẻ đáng thương xót vậy!



* Người đời nay phần nhiều ưa bàn xuông, chẳng chuộng thực sự tu tập. Khuyên tu Tịnh nghiệp, hiển nhiên là nên tu cả Sự lẫn Lý, nhưng phải đặt nặng việc tu về mặt Sự làm phương cách tu trì. Vì sao vậy? Do đối với người hiểu rõ Lý thì toàn Sự tức Lý, suốt ngày Sự Trì chính là suốt ngày Lý Trì. Nếu chưa thể hiểu thật rõ về Sự và Lý, vừa nghe nói đến Lý Trì liền biết nghĩa ấy thâm diệu, rất hợp với cái tính lười nhác, biếng trễ, sợ phải trì niệm nhọc nhằn của mình, bèn chấp Lý phế Sự. Sự đã phế thì Lý cũng chỉ thành bàn xuông mà thôi!



* Sự Trì là tin có đức A Di Đà Phật ở Tây phương, chưa thấu hiểu “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, nhưng cứ quyết chí nguyện cầu vãng sanh như con nhớ mẹ, chẳng lúc nào tạm quên. Đấy là chưa đạt lý tánh nhưng cứ y theo Sự mà tu trì.

Lý Trì là tin đức A Di Đà Phật ở Tây phương tâm ta sẵn có, do tâm ta tạo. “Tâm sẵn có” nghĩa là tâm vốn có đủ lý này. “Tâm tạo” là nương theo cái lý sẵn có ấy để khởi tu thì lý ấy mới có thể hiển hiện được; vì thế gọi là “tạo”. “Tâm sẵn có” chính là lý thể, “tâm tạo” là sự tu. “Tâm sẵn có” chính là “tâm này là Phật”. “Tâm tạo” chính là “tâm này làm Phật”.

“Tâm này làm Phật” chính là xứng tánh khởi tu. “Tâm này là Phật” chính là toàn tu tại tánh. Tu đức hữu công tánh đức mới hiển, dù ngộ Lý nhưng vẫn chẳng phế Sự thì mới là “chân tu”. Nếu không sẽ đọa vào tri kiến cuồng vọng chấp Lý phế Sự. Bởi thế, phần dưới mới viết: “Liền dùng hồng danh tự tâm sẵn có, hồng danh do tâm tạo thành để làm cảnh buộc tâm chẳng để tạm quên”.

Thứ giải pháp này ngàn đời chưa từng có, thật là khế lý khế cơ, lý sự viên dung, chẳng phải bậc Pháp Thân Đại Sĩ dễ gì đạt tới được! Sự Trì dù chưa ngộ Lý, há nào phải ra ngoài Lý đâu, bất quá là hành nhân chưa thể viên ngộ tự tâm! Đã ngộ thì Sự chính là Lý, nào có phải cái lý được ngộ nằm ngoài Sự đâu! Lý chẳng lìa Sự, Sự chẳng lìa Lý, Lý - Sự không hai; như thân và tâm con người đồng thời vận dụng cả hai, trọn chẳng hề có chuyện thân và tâm tranh nhau hơn kém! Người thấu đạt dù có muốn chẳng dung hợp cũng chẳng thể được. Tri kiến cuồng vọng, chấp Lý phế Sự thì chẳng thể dung hợp.



* Tâm này trọn khắp, thường hằng như hư không. Chúng ta do mê nhiễm nên khởi các chấp trước, ví như hư không do bị các vật ngăn chướng nên chẳng thể trọn khắp, chẳng thường hằng. Nhưng chẳng trọn khắp, chẳng thường hằng chỉ là vọng kiến chấp trước, chứ nào phải hư không thật sự bị các vật ngăn chướng nên chẳng trọn khắp, chẳng thường hằng ư? Vì thế, cái tâm phàm phu cùng với cái tâm bất sanh bất diệt mà đức Như Lai đã chứng trọn chẳng khác gì.

Điều khác biệt là do phàm phu mê nhiễm nên mới đến nỗi như thế, chứ chẳng phải là tâm thể vốn có cải biến! Di Đà Tịnh Độ hoàn toàn nằm trong một niệm tâm tánh của chúng ta, tâm ta vốn sẵn có Phật A Di Đà. Tâm ta sẵn có nên đương nhiên phải thường niệm. Đã thường niệm ắt sẽ cảm ứng đạo giao, tu đức có công tánh đức mới hiển, Sự - Lý viên dung, chúng sanh và Phật chẳng khác! Vì thế nói: “Dùng tâm sẵn có Phật của mình để niệm đức Phật sẵn có trong tâm ta, lẽ nào đức Phật sẵn có trong tâm ta chẳng ứng với cái tâm sẵn có Phật ư?”



* Những điều Tông môn dạy chuyên chỉ về lý tánh, chẳng luận về Sự Tu. Vì sao vậy? Muốn cho con người trước hết biết đến cái lý “nhân quả, tu chứng, phàm thánh, chúng sanh - Phật chẳng phân biệt”, để rồi y theo cái lý ấy mà bắt đầu tu nhân chứng quả, siêu phàm nhập thánh, đấy chính là sự “chúng sanh thành tựu Phật đạo” vậy!



* Luận rạch ròi thì Phật pháp chẳng ngoài Chân Đế và Tục Đế. Trong Chân Đế, một pháp chẳng lập, như thường nói: “Thật Tế lý địa chẳng dính mảy trần”. Trong Tục Đế, không pháp nào chẳng đủ, như thường nói: “Trong cửa Phật sự, chẳng bỏ một pháp”. Trong Giáo, xiển dương cả Tục lẫn Chân, nhưng đa phần nói về Tục Đế. Bên Tông thì chính ngay nơi Tục nói về Chân, nhưng quét sạch tướng Tục.

Phải biết rằng: Chân và Tục đồng thể, hoàn toàn chẳng phải là hai vật. Ví như tấm gương báu tròn lớn, rỗng sáng chiếu soi cùng tột, trọn chẳng có một vật. Tuy trọn chẳng có một vật, nhưng nếu người Hồ đến, gương hiện bóng người Hồ, người Hán đến, hiện bóng người Hán, sâm la vạn tượng cùng đến đều cùng hiện. Dù bao tướng cùng hiện, vẫn trọn chẳng có một vật. Tuy trọn chẳng có một vật, chẳng trở ngại các tướng cùng hiện. Nơi “các tướng cùng hiện” đó, nhà Thiền chuyên nói “trọn chẳng có một vật”. Nơi “trọn chẳng có một vật” ấy, Giáo dạy rõ “các tướng cùng hiện”. Như vậy, nơi Sự Tu nhà Thiền hiển rõ lý tánh, chẳng bỏ Sự Tu. Nơi lý tánh, Giáo giảng Sự Tu quy về lý tánh. Đấy gọi là “xứng tánh khởi tu, toàn tu tại tánh, bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến, Sự - Lý cùng đạt, Tông - Giáo bất nhị” vậy!



* Cái gọi là Niệm Phật Tam Muội nói tưởng dễ dàng, nhưng chứng đạt thật khó. Hãy nên nhiếp tâm niệm thiết tha, lâu ngày sẽ tự đạt. Dù chẳng thể tự đạt, nhưng do công đức tin chân thành, nguyện thiết tha, nhiếp tâm tịnh niệm ắt sẽ ngầm được Phật tiếp dẫn, đới nghiệp vãng sanh. Sự Nhất Tâm theo cách phán định của đại sư Ngẫu Ích người tu hành đời nay còn chưa thực hiện nổi, huống chi Lý Nhất Tâm? Phải đoạn được Kiến Tư Hoặc mới gọi là Sự Nhất Tâm. Phá vô minh, chứng pháp tánh gọi là Lý Nhất Tâm.

Nếu là bậc “trong ngầm hạnh Bồ Tát, ngoài hiện làm phàm phu” thì đối với hai loại Nhất Tâm này chẳng khó khăn gì. Nếu thật sự là phàm phu đầy dẫy triền phược thì Sự Nhất Tâm còn chưa dễ được, huống hồ là Lý Nhất Tâm ư? Hãy xem kỹ lá thư trao đổi rất dài giữa Quang tôi và vị cư sĩ nọ ở Vĩnh Gia ắt sẽ biết rõ. Đến chừng nào ngộ Vô Sanh rồi, gìn giữ chắc chắn, tiêu sạch các tập khí dư thừa, sẽ tự hiểu rõ điều ấy, cần gì phải hỏi trước? Như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Nếu không dù người uống có nói đích xác mười phần, người chưa uống rốt cuộc vẫn chẳng biết được mùi vị ra sao!

Có lẽ cư sĩ thấy ngộ được Vô Sanh Nhẫn là chuyện dễ dàng, e tự mình ngộ rồi nhưng chưa biết cách gìn giữ chắc chắn [cái ngộ ấy] ắt sẽ bị các tập khí thừa sót khiến cho sở ngộ lại bị mất đi nên mới hỏi như vậy chăng? Chân Vô Sanh Nhẫn thật chẳng phải là chuyện nhỏ đâu, đấy chính là “phá vô minh - chứng pháp tánh”; tối thiểu phải là bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo, bậc Sơ Địa trong Biệt Giáo [mới chứng được], nói sao dễ dàng thế?

Mong ông hãy hành theo những điều Quang đã nói trong Văn Sao, ắt sẽ hiểu duyên do của pháp môn Tịnh Độ, ắt tín - nguyện - hạnh sẽ chẳng bị những dị thuyết của hết thảy thiện tri thức đoạt mất. Sau đấy, nếu còn sức thì chẳng ngại nghiên cứu thêm các kinh luận Đại Thừa để mở mang trí thức, hòng làm căn cứ hoằng truyền Tịnh Độ. Như vậy, dù là phàm phu vẫn có thể tùy cơ lợi sanh, hành Bồ Tát đạo, đừng lầm mong cao xa, chỉ e Sự - Lý chẳng rành, khó tránh khỏi bị ma dựa. Lá thư dài gởi vị cư sĩ nọ ở Vĩnh Gia chuyên trị chứng bịnh này. Bịnh cư sĩ ấy với bịnh của ông tên gọi khác nhau, nhưng tánh chất giống hệt, nên Quang chẳng muốn nói nhiều.

Chỉ mong ông nhờ lá thư ấy mà lãnh hội. Phải biết người sau khi đã ngộ dù tu trì giống hệt như người chưa ngộ, nhưng tâm niệm khác biệt. Người chưa ngộ Vô Sanh, cảnh chưa xảy đến đã mong sẵn, cảnh hiện tiền bèn nắm níu, cảnh đã qua rồi vẫn nghĩ nhớ. Người ngộ Vô Sanh thì cảnh tuy sanh diệt, tâm chẳng sanh diệt, hệt như gương sáng, đến không dính, đi không tăm tích. Tâm ứng theo cảnh như gương hiện bóng, trọn chẳng có mảy may ý niệm nào chấp trước, quyến luyến. Dù đối cảnh vô tâm, vẫn sóng trào biển hạnh, mây bủa cửa từ. Đối với luân lý, cương thường thế gian và việc thượng hoằng hạ hóa đều mỗi mỗi nhận hiểu đúng, thật sự thực hành, dù táng thân mất mạng chẳng chịu vượt phạm.

Đừng tưởng là đối cảnh vô tâm rồi phế hết các sự tu trì tự lợi lợi tha, thượng hoằng hạ hóa. Nếu hiểu như vậy sẽ vướng sâu vào Không Ma, đọa vào Ngoan Không. Do đấy, bác không nhân quả, buông lung làm càn trở thành đem phàm lạm thánh, hoại loạn Phật pháp, lầm lạc chúng sanh, tạo thành chủng tử A Tỳ địa ngục. Điều này quan hệ hết sức sâu xa, bất đắc dĩ Quang tôi phải vì ông trình bày sơ lược lợi hại.



* Nếu ước trên Thật Tế lý thể để luận thì phàm - thánh, chúng sanh - Phật, nhân - quả, tu - chứng đều chẳng thể được. Nếu luận trên phương diện pháp môn tu trì thì trên từ Như Lai đã thành Phật đạo, dưới đến chúng sanh trong A Tỳ đều chẳng ra ngoài nhân quả. Hiểu rõ lý tánh nhưng chẳng phế Sự Tu bèn là Chánh Tri, chấp lý tánh phế Sự Tu bèn thành tà kiến. Sai chỉ hào ly, lập thành địa ngục và Phật quả khác biệt.



2. Luận về tâm tánh


* Tâm vừa Tịch, vừa Chiếu, bất sanh bất diệt, rộng lớn, thấu triệt, linh thông, viên dung hoạt bát, là gốc của hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Từ hạng phàm phu đầy dẫy triền phược, hôn mê, điên đảo lầm lạc cho đến tam thế chư Phật, tâm ấy vẫn hệt như nhau, trọn không có gì khác. Vì thế nói: “Tâm, Phật, chúng sanh cả ba không sai biệt”.

Chỉ vì chư Phật chứng đắc rốt ráo nên công đức, lực dụng phô bày triệt để; phàm phu toàn thể mê trái, lại còn áp dụng sức công đức lực dụng ấy vào sáu trần cảnh, khởi tham - sân - si, tạo giết - trộm - dâm, do Hoặc tạo nghiệp, do nghiệp cảm khổ. Ba thứ Hoặc - nghiệp - khổ phát khởi lẫn nhau, nhân nhân quả quả liên tiếp chẳng dứt, trải trần sa kiếp chịu mãi luân hồi, dù muốn xuất ly cũng chẳng có cách nào! Ví như trong nhà tối mò phải của báu, chẳng những không thọ dụng được, lại còn bị của báu ấy làm tổn thương. Tâm mê chạy theo cảnh, quay lưng với Giác, xuôi theo trần lao cũng giống như thế.

Như Lai thương xót, dạy cho họ bỏ vọng về với chân, khôi phục tâm tánh mình. Thoạt đầu dạy “hết vọng là chân”, kế đó dạy “toàn thể vọng chính là chân”, như gió lặng sóng yên, nắng ấm băng tan; sóng, băng trở thành nước. Sóng, băng cùng với nước nào phải là hai vật; nhưng lúc sóng chưa yên, băng chưa tan, so với lúc sóng đã lặng, băng đã tan, dù thể tánh trọn chẳng phải hai, tướng và dụng khác xa vời vợi. Bởi thế mới nói: “Tu đức hữu công, tánh đức mới hiển”. Nếu chỉ cậy vào tánh đức, chẳng chú trọng tu đức thì đến tận đời vị lai cứ mãi mãi là chúng sanh, luống uổng Phật tánh sẵn có, không chỗ dựa nương! Vì thế, Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Lúc Quán Tự Tại Bồ Tát thực hành sâu xa Bát Nhã Ba La Mật, soi thấy năm uẩn đều không, vượt hết thảy khổ ách”.

Toàn thể Ngũ Uẩn là Chân Như diệu tâm, nhưng do một bề mê muội, trái nghịch bèn thành tướng huyễn vọng. Vọng tướng đã thành, bèn lầm mất Nhất Tâm. Đã mê muội nơi Nhất Tâm, các khổ đều nhóm lại. Như gió thổi, toàn thể nước trở thành sóng; trời lạnh, nước mềm thành cứng. Dùng Bát Nhã thậm thâm để chiếu soi liền hiểu rõ: mê chân thành vọng, toàn vọng chính là chân; như gió lặng, trời ấm, nước lại trở về bản thể.

Vì thế biết rằng: Hết thảy các pháp đều do vọng tình biến hiện, nếu lìa vọng tình thì bản thể của các pháp ấy hoàn toàn là Không. Bởi vậy, tứ đại đều mất bản tánh, lục căn dùng lẫn cho nhau. Thế nên, Bồ Tát chẳng khởi Diệt Định, hiện các oai nghi, dùng nhãn căn làm Phật sự của nhĩ căn, dùng nhĩ căn làm Phật sự của nhãn căn, vào trong đất như vào nước, đi trong nước như đi trên đất, nước lửa chẳng thể đốt cháy hay nhận chìm được, tùy ý đi, ngồi trên hư không, cảnh không tự tánh, đều theo tâm chuyển.

Bởi vậy, kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu có kẻ nào nhận chân, quy nguyên thì mười phương hư không thảy đều tan mất”. Đấy chính là hiệu quả thật sự của việc “soi thấy năm uẩn đều không” vậy. “Quy” nghĩa là quay về, trở về, tức là phản chiếu hồi quang, khôi phục tâm tánh vốn có. Nhưng muốn phản chiếu hồi quang khôi phục tâm tánh, nếu trước hết tâm chẳng quy hướng Tam Bảo sẽ chẳng thể y giáo phụng hành. Tâm đã quy hướng Tam Bảo sẽ tự có thể khôi phục nguồn tâm, triệt chứng Phật tánh. Đã khôi phục được nguồn tâm vốn sẵn có, triệt chứng Phật tánh, mới biết tự tâm quý báu nhất, trong mê chẳng giảm, lúc ngộ chẳng tăng. Chỉ vì thuận theo pháp tánh nên thọ dụng được, trái lại sẽ bị tổn thương. Thế nhưng, tổn hại hay lợi ích cách biệt nhau một trời, một vực!



* Chúng sanh là Phật chưa ngộ, Phật là chúng sanh đã ngộ. Tâm tánh bổn thể của chúng sanh và Phật bình đẳng, giống hệt như nhau, không hai, không khác; nhưng khổ - vui, thọ dụng khác biệt nhau như trời với đất là do xứng tánh thuận tu hay trái tánh nghịch tu mà thành ra như thế. Lý này rất sâu, chẳng dễ tuyên nói. Để khỏi phí lời [giãi bày], xin mượn ví dụ để minh thị:

Chư Phật tu đức đến cùng cực, chứng ngộ triệt để tánh đức, giống như tấm gương báu tròn lớn. Thể chất của gương là đồng (6). Biết gương có tánh chất tỏa sáng nên hằng ngày lau, mài, ra sức chẳng ngơi. Bụi hết, gương tỏa sáng, dựng trên đài cao, vật nào soi đến liền hiện bóng. Lớn như trời đất, nhỏ như hạt bụi, mảy lông, sâm la vạn tượng đều hiện rành rành. Ngay trong lúc muôn vàn hình tượng cùng hiện ấy, gương vẫn rỗng rang, trống trải, trọn chẳng có một vật nào.

Tâm chư Phật cũng giống như vậy: đoạn sạch phiền não, Hoặc nghiệp, hiển hiện trọn vẹn trí huệ, đức tướng, an trụ trong Tịch Quang đến cùng tận đời vị lai thường hưởng pháp lạc, độ chín giới xuất ly sanh tử, cùng chứng Niết Bàn. Chúng sanh hoàn toàn mê nơi tánh đức, trọn chẳng tu đức mảy may, ví như gương báu bụi phủ, chẳng có mảy may quang minh nào, ngay cả chất đồng cũng bị teng đóng nên quang minh chẳng hiện được. Tâm chúng sanh cũng giống như thế.

Nếu như biết tấm gương bị bỏ phế chẳng hiện chất đồng này vốn có quang minh soi trời chiếu đất, do đấy chẳng chịu bỏ phế, ngày ngày lau chùi, mài bóng, lúc đầu hơi lộ chất đồng, dần dà tỏa ánh quang minh, vẫn cực lực mài cho sạch, một ngày kia, teng lẫn bụi hết sạch, tự nhiên hình tượng nào soi vào liền hiện bóng, soi trời chiếu đất. Quang minh ấy gương vốn tự có, chẳng phải từ bên ngoài vào, chẳng phải do mài mà có; nhưng nếu chẳng mài cũng không cách nào có được!

Chúng sanh bỏ trần xuôi theo tánh giác, bỏ vọng theo chân cũng giống như thế. Phiền hoặc đoạn dần dần, trí huệ sẽ tăng dần dần. Đến khi công hạnh viên mãn, đoạn được cái không thể đoạn, chứng được cái không thể chứng, viên mãn Bồ Đề, trở về cái chẳng thể đạt được, thần thông, trí huệ, công đức, tướng hảo trọn chẳng khác gì với mười phương ba đời chư Phật. Dù là như vậy, cũng chỉ là khôi phục cái mình sẵn có, phải đâu là mới có. Nếu chỉ chấp nhận tánh đức, chẳng khởi tu đức, ắt đến tận đời vị lai thường phải chịu cái khổ luân hồi sanh tử, vĩnh viễn chẳng có ngày khôi phục cái gốc, trở về cội nguồn được!



* Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng tâm hạnh thọ dụng của Phật và chúng sanh tuyệt đối chẳng tương đồng. Vì sao vậy? Vì Phật bỏ trần theo giác, chúng sanh lại bỏ giác theo trần; Phật tánh dẫu đồng, mê - ngộ rất khác! Vì thế, sướng - vui, thăng - trầm khác nhau một trời, một vực! Nếu quan sát kỹ nghĩa lý ba nhân Phật tánh, ắt không mối nghi nào là chẳng phá được, không ai là chẳng muốn tu tập! Ba nhân là chánh nhân, liễu nhân và duyên nhân.

Chánh nhân Phật tánh chính là diệu tánh vốn sẵn có trong tâm ta, là Pháp Thân chân thường chư Phật đã chứng. Diệu tánh này tại phàm chẳng giảm, nơi thánh chẳng tăng, trong sanh tử chẳng nhiễm, ở Niết Bàn chẳng tịnh. Chúng sanh triệt để mê trái tánh này, chư Phật viên chứng rốt ráo. Mê - chứng dù khác, tánh thường bình đẳng.

Thứ hai là liễu nhân Phật tánh, tức là chánh trí để phát sanh chánh nhân Phật tánh. Do tri thức hoặc là do kinh giáo, nghe biết diệu nghĩa chánh nhân Phật tánh bèn liễu ngộ, biết do một niệm vô minh chướng lấp nguồn tâm, chẳng biết bản thể của cảnh giới sáu trần vốn là không, nhận lầm thật có, đến nỗi khởi tham - sân - si, tạo giết - trộm - dâm, do Hoặc tạo nghiệp, do nghiệp chịu khổ, khiến cho Chánh Nhân Phật Tánh trở thành cái gốc để khởi Hoặc tạo nghiệp chịu khổ. Từ đấy liễu ngộ, bèn muốn bỏ vọng về với chân, hòng mong khôi phục bổn tánh.

Ba là duyên nhân Phật tánh, tức là trợ duyên. Đã liễu ngộ, phải tu tập các thứ thiện pháp ngõ hầu tiêu trừ Hoặc nghiệp, tăng trưởng phước huệ, cốt sao tự chứng được rốt ráo cái lý sẵn có mà ta đã ngộ đó mới thôi!

Xin dùng thí dụ để chỉ rõ: Chánh Nhân Phật Tánh như vàng trong quặng, như lửa trong gỗ, như ánh sáng nơi gương, như mầm trong hạt, dù là sẵn có, nhưng nếu chẳng biết đến, chẳng được các duyên: nung luyện, khoét, dùi, mài giũa, gieo trồng, mưa đẫm... thì vàng, lửa, ánh sáng, mầm mộng vĩnh viễn chẳng khi nào phát sanh được! Như vậy dù có chánh nhân nhưng nếu không duyên, trọn chẳng thể thọ dụng được.

Bởi thế, Phật dạy hết thảy chúng sanh đều là Phật, muốn độ thoát họ; nhưng chúng sanh trọn chẳng liễu ngộ, chẳng chịu tu tập thiện pháp, đến nỗi bao kiếp dài lâu luân hồi sanh tử, không thể thoát được. Do đó, Như Lai rộng bày các phương tiện, tùy cơ chỉ bày, dẫn dắt, mong chúng sanh bỏ vọng theo chân, bỏ trần theo giác.



* Cổ nhân nói: “Sanh tử cũng lớn, há chẳng đau đớn ư?” Trộm bàn: Đã chẳng biết nguyên do, dù có đau lòng cũng chẳng ích gì! Nên biết rằng: Hết thảy chúng sanh theo nghiệp lưu chuyển, thọ sanh trong sáu đường, sanh chẳng biết từ đâu đến, chết chẳng biết đi về đâu! Do nhân duyên tội hay phước sẽ thăng hay giáng, xoay vần luân hồi, chẳng lúc nào xong. Như Lai thương xót, dạy nhân duyên “do Hoặc khởi nghiệp, do nghiệp cảm khổ” và bản thể “thường, lạc, ngã, tịnh, tịch chiếu viên dung” khiến chúng sanh hiểu rõ: Do vô minh nên mới có thân này. Vì thế, thân này hoàn toàn thuộc về huyễn vọng, chẳng những không có tứ đại, ngay cả ngũ uẩn cũng đều không. Đã biết ngũ uẩn là không thì Chân Như pháp tánh, Thật Tướng diệu lý sẽ triệt để phô bày trọn vẹn.



* Do tùy duyên nên có tứ thánh, lục phàm, khổ - sướng, thăng - trầm khác xa nhau; nhưng duyên có tịnh - nhiễm, nên phải tùy thuộc vào một [trong hai duyên ấy]. Tùy thuộc nhiễm duyên sẽ khởi Hoặc, tạo nghiệp, luân hồi sáu đường. Tùy thuộc tịnh duyên sẽ đoạn Hoặc chứng Chân, thường trụ Niết Bàn. Do Hoặc nghiệp có nặng và nhẹ nên có đường lành người - trời, đường thiện ác chen lẫn là A-tu-la, và ba ác đạo: súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ.

Do Hoặc khởi Hoặc, do nghiệp tạo nghiệp hoặc thiện hoặc ác, trọn chẳng có tướng nhất định, cho nên chỗ phải sanh về sẽ lần lượt thay đổi như bánh xe xoay tít chẳng có đầu mối, chợt lên, chợt xuống. Đã có đủ phiền hoặc, sẽ đều bị nghiệp buộc ràng, theo nghiệp thọ sanh, chẳng thể tự làm chủ được!

Do đoạn chứng (đoạn Hoặc chứng chân) có sâu hay cạn nên người đoạn Kiến Tư Hoặc sẽ chứng quả Thanh Văn, người trừ tập khí sẽ chứng quả Duyên Giác, bậc phá vô minh sẽ chứng quả Bồ Tát. Nếu trừ sạch vô minh, phước huệ viên mãn, công tu đức đến cùng cực, tánh đức phô bày trọn vẹn sẽ chứng Phật Quả. Chứng Phật Quả bất quá chỉ là chứng rốt ráo triệt để những công đức, lực dụng sẵn có trong tâm tánh ngay khi còn thuộc địa vị phàm phu, nay thọ dụng toàn thể những công đức, lực dụng ấy mà thôi, chứ chẳng thêm mảy may gì vào cái tâm tánh ban đầu ấy cả!

Như Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, tuy sở chứng cao thấp bất đồng, nhưng đều chưa thể thọ dụng trọn vẹn những công đức sẵn có nơi tánh. Thế nhưng hết thảy phàm phu lại hướng sức lực chẳng thể nghĩ bàn của tâm tánh ấy vào sáu trần cảnh, khởi tham - sân - si, tạo giết - trộm - dâm, đến nỗi đọa vào ba ác đạo, trầm luân bao kiếp, so ra ai nấy đều như thế, chẳng đáng buồn ư?



* Trước không khởi đầu, sau không kết thúc, dù chứa đựng cả thái hư vẫn chẳng thể lọt ra ngoài, dù nằm lọt trong vi trần cũng chẳng thể lọt vào trong, thanh tịnh sáng sạch, trạm tịch thường hằng, chẳng sanh, chẳng diệt, lìa tướng, lìa danh, là có nhưng chẳng phải có, là không nhưng chẳng phải không. Đấy là Chân Tánh.

Xét ra cái thân địa - thủy - hỏa - phong chỉ là gân, xương, máu, thịt chứa nhóm, mới sanh liền diệt, vừa tươi tốt đã tàn úa. Các xương, đốt chống đỡ như kết gỗ làm nhà, một tấm da phủ ra ngoài như tô bùn trát vách. Bên trong toàn là phân tiểu, máu mủ, mặt ngoài cáu ghét, mồ hôi, lông, tóc; giòi tửa lúc nhúc, chấy rận như sao trời, giả gọi là Người, nào tồn tại cái Ngã! Lại dùng những thứ mình sẵn có là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý để bươn bả trong rừng gai góc sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Do đó, khởi vô minh tham - sân - si, diệt mất chánh trí Giới - Định - Huệ.

Ngũ Uẩn vốn không, nào ai chịu một phen quán chiếu. Sáu trần vô tánh, người người cho là thật, đến nỗi vạn khổ cùng tụ tập, cứ lầm mãi tánh linh với vọng tâm và huyễn thân. Đúng như kinh Viên Giác nói: “Hết thảy chúng sanh bao thứ điên đảo, nhận lầm tứ đại là thân tướng của mình, nhận lầm duyên ảnh của sáu trần là tâm tướng của mình”.



3. Luận về ngộ chứng


* Từ xưa, cao tăng hoặc cổ Phật tái sanh, hoặc Bồ Tát thị hiện đều thường hiện thân làm phàm phu, trọn chẳng hề nói ta là Phật, ta là Bồ Tát. Vì thế, kinh Lăng Nghiêm nói: “Sau khi ta diệt độ, ta truyền các Bồ Tát và các A La Hán, ứng thân sanh trong thời mạt pháp, hiện các thứ thân để độ những kẻ đang luân chuyển, nhưng trọn chẳng tự bảo mình thật sự là Bồ Tát hay A La Hán, tiết lộ nhân duyên bí mật của Phật, chỉ thường nhún nhường nói mình là kẻ mạt học”. Chỉ trừ lúc lâm chung, bèn ngầm để lại lời phó chúc.

Trí Giả Đại Sư thật sự là hóa thân của Phật Thích Ca, đến lúc lâm chung, có người hỏi ngài đã chứng đến địa vị nào. Ngài đáp: “Nếu tôi chẳng lãnh chúng ắt sẽ tịnh được sáu căn, vì tổn mình lợi người nên chỉ đạt được Ngũ Phẩm. Do vậy, vẫn còn thuộc địa vị phàm phu!” Ngũ Phẩm tức là địa vị Quán Hạnh trong Viên Giáo, sở ngộ bằng với chư Phật, đã chế phục hoàn toàn ngũ trụ phiền não, nhưng vẫn chưa đoạn được Kiến Hoặc. Ngài Trí Giả lúc lâm chung còn chẳng hé lộ sở chứng thật sự là vì để khích lệ kẻ hậu học gắng chí tinh tu, chẳng đến nỗi được chút ít đã cho là đủ, hoặc còn là phàm phu mà đã lạm xưng là thánh!

Nay bè lũ ma khoe xằng mình đắc đạo, hoại loạn Phật pháp, lầm lạc chúng sanh, là kẻ đại vọng ngữ. Cái tội đại vọng ngữ đó nặng hơn tội ngũ nghịch, thập ác trăm ngàn vạn ức lần. Thầy trò chúng nó sẽ đọa mãi trong địa ngục A Tỳ trải qua Phật sát vi trần số kiếp (7), luôn chịu sự khổ cùng cực, không cách nào thoát khỏi. Sao đành vì hư danh, lợi lạc phù phiếm một thời để phải chịu hình phạt thảm khốc dài cả kiếp? Danh lợi làm con người lầm lạc đến nỗi như thế đấy!



* Niệm Phật, xem kinh, ngộ lý Nhị Không, chứng pháp Thật Tướng là ước trên phương diện tự tỉnh ngộ tu trì để dạy về nhân hiện tại, quả mai sau. Chớ nên càn rỡ tự đắc, bảo là ngay trong đời này mình sẽ đạt được như thế. Chứng Thật Tướng ngay trong đời này chẳng phải là không có người làm được, chỉ e hiền khiết (8) không có căn lành ấy! Nếu chẳng trình bày rõ nguyên do, e rằng ông sẽ lầm mong chứng thánh, chí cao nhưng hạnh chẳng xứng, lâu ngày ắt sẽ mất trí đâm cuồng, chưa đắc bảo đã đắc, chưa chứng bảo đã chứng, cầu thăng hóa đọa, biến khéo thành vụng. Xét đến kết quả, khó tránh chìm đắm mãi mãi trong nẻo ác; chẳng những mai một tánh linh của chính mình, lại còn cô phụ Phật ân nữa!

Đối với hai thứ Không Lý, nếu chỉ luận về ngộ thì hàng phàm phu lợi căn cũng ngộ được. Như những người thuộc vào địa vị Danh Tự của Viên Giáo, tuy chẳng chế phục được mảy may ngũ trụ phiền não nào, nhưng sở ngộ của họ và sở ngộ của chư Phật không hai, không khác (Ngũ trụ: Kiến Hoặc là một trụ, Tư Hoặc gồm ba trụ. Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc gộp thành một trụ). Nếu nói theo nhà Thiền, những kẻ ấy gọi là bậc đại triệt đại ngộ, bên Giáo gọi là “đại khai viên giải”.

[“Đại triệt đại ngộ”] chẳng phải là chỉ hiểu loáng thoáng mơ hồ đâu nhé! Như Bàng cư sĩ (Bàng Long Uẩn) nghe Mã Tổ bảo: “Đợi khi nào ông một hơi uống cạn nước Tây Giang, ta sẽ nói cho ông hay” liền đốn vong huyền giải. Ngài Đại Huệ Cảo nghe ngài Viên Ngộ bảo: “Gió nồm từ Nam thổi, điện gác mát mẻ sao!” cũng ngộ như thế. Tổ Trí Giả tụng kinh Pháp Hoa đến câu “gọi là chân tinh tấn, là chân pháp để cúng dường Như Lai” của phẩm Dược Vương Bổn Sự liền hoát nhiên đại ngộ, lặng lẽ nhập định, tận mắt thấy một hội Linh Sơn nghiễm nhiên chưa tan. Ngộ như thế mới gọi là “đại triệt đại ngộ, đại khai viên giải!”

Nếu bàn về chuyện chứng được pháp Thật Tướng thì hàng phàm phu sát đất chẳng thể làm được. Nam Nhạc Tư đại thiền sư là “đắc pháp sư” (8) của ngài Trí Giả, có đại trí huệ, có đại thần thông, lúc lâm chung, có người hỏi đến sở chứng, ngài bảo: “Tôi lúc đầu mong đạt được Đồng Luân, nhưng do lãnh chúng quá sớm nên chỉ đạt được Thiết Luân mà thôi!” (Đồng Luân tức là Thập Trụ, phá một phần vô minh, vừa mới dự vào Thật Báo Tịnh Độ, chứng được một phần Tịch Quang Tịnh Độ. Bậc Sơ Trụ có thể hiện thân làm Phật giáo hóa chúng sanh trong một trăm tam thiên đại thiên thế giới. Nhị Trụ giáo hóa được một ngàn, Tam Trụ giáo hóa bốn ngàn. Mỗi địa vị cứ gấp mười lần hơn. Thiết Luân tức là địa vị thứ mười trong Thập Tín. Sơ Tín đoạn Kiến Hoặc, Thất Tín đoạn Tư Hoặc, Bát, Cửu, Thập Tín phá được Trần Sa, chế phục vô minh. Ngài Nam Nhạc Huệ Tư thị hiện chỉ chứng được ngôi thứ 10 trong Thập Tín, tức là vẫn chưa chứng được pháp Thật Tướng. Phá một phẩm vô minh liền chứng Sơ Trụ, mới được gọi là chứng pháp Thật Tướng).

Trí Giả đại sư là hóa thân của Phật Thích Ca. Lâm chung có người hỏi ngài chứng được địa vị nào, ngài đáp: “Nếu ta chẳng lãnh chúng, ắt sẽ tịnh được sáu căn (tức là nếu ngài không thâu nạp, giáo hóa đồ chúng, ngài sẽ chứng được Thập Tín, sáu căn thanh tịnh như trong phẩm Pháp Sư Công Đức kinh Pháp Hoa đã nói). Do tổn mình lợi người, nên chỉ chứng được Ngũ Phẩm” (Ngũ Phẩm tức là địa vị Quán Hạnh, chế phục trọn vẹn Ngũ Trụ Hoặc, nhưng vẫn chưa đoạn được Kiến Hoặc). Ngẫu Ích đại sư lâm chung có bài kệ như sau:

Danh tự vị trung chân Phật nhãn,

Vị tri tất cánh phó hà nhân
(Phật nhãn hãy còn nơi danh tự,

Giao ai rốt cuộc biết đâu là!)

(Người thuộc về địa vị danh tự đã viên ngộ Tạng Tánh giống như chư Phật, nhưng chưa thể chế phục được Kiến Hoặc, huống hồ là đoạn nổi! Thân phận những bậc đại triệt đại ngộ trong đời mạt đa phần giống như vậy. Tạng Tánh chính là Như Lai Tạng Diệu Chân Như tánh, là tên gọi khác của pháp Thật Tướng).

Ngẫu Ích đại sư thị hiện chỉ chứng địa vị Danh Tự, ngài Trí Giả thị hiện chỉ chứng được Ngũ Phẩm, ngài Nam Nhạc thị hiện chỉ chứng được Thập Tín. Tuy bổn địa của ba vị đại sư đều chẳng thể suy lường được, nhưng các ngài thị hiện chỉ chứng ba địa vị Danh Tự, Quán Hạnh, Tương Tự, đủ thấy Thật Tướng chẳng dễ chứng. Vì kẻ hậu tấn khó thể vượt hơn các ngài được, chỉ e chúng nó chưa chứng đã bảo là chứng nên các ngài lấy thân mình thuyết pháp ngõ hầu người đời sau tự biết hổ thẹn, chẳng dám làm xằng đó thôi! Cái ân thị hiện địa vị sở chứng vào lúc sau cùng của ba vị đại sư thật là nghiền xương, nát thân khó báo đáp nổi! Ông hãy tự suy gẫm coi mình thật sự có vượt trỗi ba vị đại sư ấy chăng?

Còn như cho rằng: “Niệm Phật, xem kinh, vun bồi căn lành, sau khi vãng sanh Tây Phương, thường hầu Phật Di Đà, cao dự hải hội, tùy theo công hạnh cạn hay sâu ắt chứng được Thật Tướng sớm hay trễ” thì đấy là lời quyết định vô ngại, là điều hết thảy những người vãng sanh cùng chứng cùng đắc vậy!



* Ngộ là phân minh rành rành như mở cửa thấy núi, vẹt mây thấy trăng. Lại như người mắt sáng đích thân thấy đường về nhà, cũng như kẻ nghèo đã lâu chợt mở toang kho báu. Chứng là như theo đường về nhà, dừng chân ngồi yên, cũng như giữ lấy kho báu ấy, tùy ý hưởng dùng. Phàm phu đại tâm cũng có thể liễu ngộ giống như chư Phật, nhưng về mặt Chứng thì Sơ Địa còn chẳng thể biết nổi chỗ giở chân, đặt chân của bậc Nhị Địa. Hiểu được ý nghĩa Chứng và Ngộ rồi, tự nhiên sẽ chẳng khởi lòng tăng thượng mạn, chẳng nảy ý lui sụt, mà cái tâm cầu sanh Tịnh Độ dù vạn con trâu cũng chẳng kéo lui lại được!



* Trí Giả đại sư được người đời xưng tụng là hóa thân của Phật Thích Ca. Chẳng ai biết được sở chứng của Ngài, nhưng Phật hiện thân tạo pháp tắc cho chúng sanh. Vì thế, đại sư thị hiện vẫn thuộc địa vị phàm phu, bảo: “Nếu ta chẳng lãnh chúng, ắt sẽ tịnh được sáu căn”. Ngài dùng chính thân mình để răn người, hiện thân thuyết pháp. Thoạt đầu, đại sư mong đoạn Hoặc chứng Chân, đạt thẳng lên Thập Địa hay Đẳng Giác. Do phải hoằng pháp lợi sanh, bỏ lỡ công phu thiền định của chính mình nên chỉ chứng được địa vị Ngũ Phẩm Quán Hạnh trong Viên Giáo mà thôi! Vì thế ngài nói: “Do tổn mình lợi người nên chỉ đạt được Ngũ Phẩm”.

Ngũ Phẩm là năm thứ: tùy hỷ, đọc tụng, giảng nói, kiêm hành Lục Độ và chánh hành Lục Độ. Địa vị Ngũ Phẩm trong Viên Giáo viên ngộ Tạng Tánh (Tạng tánh là Thật Tướng diệu lý, khi còn triền phược (“tại triền”) gọi là Như Lai Tạng Tánh. Lúc thoát được triền phược gọi là Tịnh Pháp Thân. Nói chung là vì vô minh chưa đoạn nên gọi là Triền) giống hệt sở ngộ của Phật, trọn chẳng khác gì. Đã chế phục trọn vẹn Kiến, Tư, Trần Sa, Vô Minh, Phiền Não nhưng chưa đoạn được Kiến Hoặc. Nếu đoạn được Kiến Hoặc liền chứng Sơ Tín. Đến địa vị Thất Tín mới đoạn sạch Tư Hoặc, thật sự chứng được “lục căn tùy ý chẳng nhiễm sáu trần”. Vì thế gọi là địa vị “lục căn thanh tịnh”.

Đã thế, trong mỗi một căn lại có đủ công đức của sáu căn, làm Phật sự của sáu căn. Do vậy, còn gọi là “lục căn hỗ dụng” (sáu căn dùng lẫn nhau) như trong phẩm Pháp Sư Công Đức của kinh Pháp Hoa đã nói. Ngài Nam Nhạc thị hiện chứng địa vị này. Người thuộc vào địa vị này chẳng những có đại trí huệ, lại còn có đại thần thông, thần thông của Tiểu Thừa A La Hán chẳng thể sánh bằng. Vì thế ngài Nam Nhạc lúc sanh tiền cũng như sau khi tịch luôn có những sự chẳng thể nghĩ bàn khiến kẻ thấy hoặc nghe phát khởi tín tâm.

Nam Nhạc, Trí Giả đều là bậc Pháp Thân Đại Sĩ, địa vị thực chứng của các Ngài nào ai dò được mức cao thâm. Chẳng qua các ngài muốn cổ vũ hậu thế chuyên tinh học đạo nên mới chịu khuất lấp như thế, nào phải đâu các ngài thật sự chỉ chứng địa vị Thập Tín Tương Tự hay Ngũ Phẩm Quán Hạnh! Lũ phàm phu sát đất chúng ta há kham học đòi các ngài được ư? Hãy nên ưa thô trì trọng giới (10), nhất tâm niệm Phật, kiêm tu các điều lành thế gian để làm trợ hạnh, noi theo pháp hạnh các vị Vĩnh Minh, Liên Trì thì không ai là chẳng được lợi cả!



* Các tông tu trì Phật pháp phải đến mức “hạnh khởi, giải tuyệt” mới được lợi ích thật sự, chỉ riêng Tịnh Tông chẳng tu quán như thế. Nhà Thiền đem một câu thoại đầu hoàn toàn vô nghĩa đặt vào trong tâm, coi như bổn mạng nguyên thần, chẳng kể năm tháng, suốt ngày tham cứu cho đến khi nào cả thân tâm lẫn thế giới đều chẳng biết đến nữa, mới hòng đại triệt đại ngộ; chẳng phải là hạnh khởi giải tuyệt hay sao? Lục Tổ nói: “Chỉ xem kinh Kim Cang liền có thể minh tâm kiến tánh”, đấy chẳng phải là hạnh khởi giải tuyệt ư?

Theo ngu ý, chữ Khởi nên hiểu là Cực, tức là tận lực đến cùng cực, mới hòng đạt đến cả Năng lẫn Sở cùng mất, nhất tâm phô bày triệt để. Nếu hạnh chưa đến mức cùng cực, dù có quán niệm vẫn còn có Năng, có Sở, vẫn hoàn toàn là tác dụng của phàm tình, hoàn toàn là tri kiến phân biệt, hoàn toàn là tri giải, sao đạt lợi ích chân thật được? Phải tận sức đến cùng cực thì Năng, Sở, tình kiến mới tiêu diệt, chân tâm vốn có mới phát hiện. Bởi thế, thuở xưa có người đầu như cây chết sau chứng đạo phong, rạng rỡ cổ kim. [Muốn tu hành được] lợi ích [phải] hoàn toàn [chú trọng] nơi một chữ Cực vậy!



* Người khéo đạt lợi ích thì không gì là chẳng hữu ích, người cam chịu tổn mình sẽ chẳng bị tổn hại gì cả. Người đời nay hay dùng thế trí biện thông để làm vốn nghiên cứu Phật học; vừa biết được chút nghĩa lý đã bảo mình chứng đắc. Từ đấy, tự nghĩ mình cao quý, miệt thị cổ kim. Đừng nói là người hiện đại chẳng đáng để vào mắt, ngay cả những bậc cao tăng từ một ngàn mấy trăm năm trước (đa phần là cổ Phật tái lai, hoặc Pháp Thân Bồ Tát thị hiện) đều bị họ coi tuốt là hạng tầm thường, chẳng đáng noi theo! Chưa đắc bảo đã đắc, chưa chứng khoe đã chứng. Nghe lời họ nói cao chót vót chín tầng trời, xét tâm họ thấp trệt dưới chín tầng đất! Tập nhiễm như thế hãy nên quyết liệt trừ khử. Nếu không, khác nào Đề Hồ đựng trong chén độc, giết người chết tươi!

Nếu có thể niệm niệm quay lại xem xét tự tâm thì chẳng những sẽ được lợi ích nơi các pháp Như Lai đã giảng, ngay cả phiến đá, hòn sỏi tầm thường, chiếc đèn lồng, cây cột ngoài đường, tất cả những hình sắc, thanh âm trong đại địa, không thứ gì chẳng phải là diệu lý Thật Tướng Đệ Nhất Nghĩa Đế! Bởi thế mới nói: “Xưa nay chưa có ai, sao từng mộng thấy được?” Xin hãy tin chắc, gắng sức thực hành.



* Những điều lệnh thân (11) được thấy thật là hy hữu, lạ lùng, có thể nói là có thiện căn từ xưa, nhưng phải ra sức gắng công tu trì thì giấc mộng ấy mới chẳng bị uổng phí. Nếu như vì tri kiến phàm phu, lầm tưởng mình đã được Tam Bảo gia bị, đã dự vào dòng thánh, rồi sanh đại ngã mạn, chưa đắc bảo đã đắc, chưa chứng bảo đã chứng, sẽ thành ra do nhân lành chuốc lấy quả ác. Người đời mạt tâm trí hèn kém thường mắc phải căn bệnh ấy. Câu kinh Lăng Nghiêm: “Chẳng nghĩ là thánh tâm thì gọi là cảnh giới lành, nếu cho là thánh giải sẽ vướng quần tà” chính là nói về tình trạng này. Xin hãy lấy việc tận lực tu trì pháp môn Tịnh Độ để tự khích lệ mình, ngõ hầu tương lai quyết định được hưởng đại lợi ích!



* Niệm Phật chú trọng vãng sanh, niệm đến cùng cực cũng có thể minh tâm kiến tánh, phải đâu niệm Phật hoàn toàn chẳng ích lợi gì cho đời hiện tại! Xưa kia, ngài Minh Giáo Tung Thiền Sư, nhật khóa niệm mười vạn lần thánh hiệu Quán Thế Âm, sau này mọi kinh sách thế gian ngài không đọc nhưng đều biết. Cứ xem Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục ắt sẽ biết niệm Phật mầu nhiệm, Quang tôi đã nhắc đến nhiều lần trong cuốn Văn Sao hủ lậu của mình. Cư sĩ bảo “niệm Phật vô ích đối với đời này” thì chẳng những chưa thâm hiểu các kinh luận Tịnh Độ, mà ngay cả với cuốn Văn Sao của Quang cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa, chưa đọc hiểu thật kỹ vậy!



* Tuy Tịch Quang Tịnh Độ là “đương xứ tức thị” (có thể tạm hiểu là “ngay nơi đây chính là cõi Thường Tịch Quang”, hoặc “hiện hữu ngay tại nơi đây”, hoặc “có thể ngộ nhập ngay nơi đây chẳng cần tìm nơi khác”), nhưng nếu chẳng là bậc trí đoạn rốt ráo, viên chứng Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na sẽ chẳng thể triệt để chứng ngộ, đích thân thọ dụng được! Bốn mươi mốt địa vị: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác trong Viên Giáo vẫn còn là “phần chứng” (chứng nhập được ít phần). Nếu ông đã viên chứng được Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na, nói “đương xứ tức thị Tịch Quang” cũng chẳng ngại gì. Nếu không thì chỉ là kể tên món ăn, đếm của báu, chẳng khỏi bị đói rét đến chết mà thôi!



4. Luận về Tông, Giáo


* Những giảng sư đời mạt thường thích giảng Thiền, đến nỗi thính chúng đa phần chấp vào những câu công án. Trộm nghĩ: Những câu cơ phong chuyển ngữ (thoại đầu, công án) trong nhà Thiền tuyệt đối chẳng có ý nghĩa gì, chỉ nhằm đáp ứng căn cơ người đến hỏi hòng chỉ nẻo hướng thượng. [Những câu chuyển ngữ] ấy chỉ nên để tham cứu, sao lại giảng nói? Giảng kinh như vậy chỉ những bậc đại sĩ siêu phàm mới hưởng lợi ích, còn những hạng trung - hạ khác đều mắc bệnh hết. Đối với Tông, chẳng biết tận lực tham cứu những câu cơ phong chuyển ngữ, chỉ lo phỏng đoán ý nghĩa. Với Giáo, do thật lý, thật sự nào phải là cảnh giới của mình, bèn lầm tưởng [Phật, Tổ] nói thí dụ để giảng pháp. Đem Tông phá Giáo, dùng Giáo phá Tông, cái tệ nạn lưu hành này không còn gì tệ hơn được nữa!



* Từ ngài Tào Khê (Lục Tổ Huệ Năng) về sau, đạo Thiền lưu truyền rộng rãi; mối văn tự “chẳng lập văn tự” phổ biến khắp hoàn vũ. Đường giải thuyết ngày càng mở rộng, cửa chứng ngộ ngày càng bế tắc! Vì thế, các tổ Nam Nhạc, Thanh Nguyên đều dùng cơ phong chuyển ngữ để độ người, khiến cho Phật, Tổ trở thành ngôn ngữ suông, không cách nào đáp được lời các ngài hỏi. Nếu chẳng phải thật sự là căn cơ tương xứng sẽ chẳng thể hiểu được lời ấy. Dùng cách ấy để xét nghiệm khiến vàng - thau rạch ròi, ngọc - đá rành rành, không còn cách nào giả trá, ngăn trở đạo pháp. Đấy chính là duyên do của cơ phong chuyển ngữ.

Từ đấy về sau, pháp này ngày càng thịnh hành, được các tri thức đề cao, chỉ e lạc vào lối mòn của người khác, trở thành khuôn sáo cũ kỹ, khiến người học nghi ngờ, lầm lạc, hoại loạn Tông phong, nên cơ phong chuyển ngữ ngày càng cao tột, vô phương chuyển biến, để người khác (người căn cơ không phù hợp) chẳng biết đâu mà mò. Bởi thế mới có những câu nói trách Phật, quở Tổ, bài xích kinh giáo, bác bỏ Tịnh Độ! Những lời lẽ ấy nhằm cưỡng đoạt tình kiến, bít chặt sự biện giải của người nghe. Người căn thuần sẽ nhờ ngay đó biết đường trở về, triệt ngộ hướng thượng; người căn cơ chưa thuần sẽ chân thành, tận lực tham cứu, quyết đạt đến đại triệt, đại ngộ mới thôi. Ấy là vì tri thức còn nhiều, căn tánh con người vẫn còn thông lợi, hiểu rành rẽ giáo lý, tâm sanh tử khẩn thiết, dù chưa thể liễu ngộ ngay cũng chẳng nảy lòng hèn kém, cho đó là pháp bảo vậy!



* Hiện tại, lắm kẻ mới đọc vài cuốn sách Nho, chẳng hiểu đạo lý thế gian, chưa hiểu cùng tột giáo thừa, chẳng hiểu Phật pháp, vừa mới phát tâm bèn gia nhập Tông môn. Hàng tri thức chỉ vì duy trì môn đình, cũng học đòi cổ nhân xiển dương, chẳng quản đạo pháp lợi hại thế nào. Người theo học chẳng phát khởi mối nghi tình chân thật, đối với bất cứ điều nào cũng tưởng là chân pháp cả!

Đối với những câu khai thị của người hiện tại hoặc những câu chép trong sách của cổ nhân, có kẻ bèn tự ý suy diễn nêu ra nghĩa lý, dù trọn chẳng ra khỏi việc giải thích ý nghĩa theo mặt văn tự, nhưng cứ tự hào là triệt ngộ hướng thượng, việc tham học đã hoàn tất rồi, liền dự ngay vào địa vị tri thức để dạy dỗ đàn hậu học, lập riêng một môn đình. Cứ sợ người khác chê mình chẳng phải là bậc thông gia bèn ra sức giảng Thiền, muốn được xưng tụng là “tông thuyết kiêm thông”.

Giảng về Tông thì khi giảng những lời chỉ quy hướng thượng của cổ đức rốt cuộc chỉ giảng nghĩa câu văn theo mặt văn tự. Khi giảng Giáo, cái đạo tu nhân chứng quả của Như Lai bị họ biến thành những thuyết “mượn ví dụ để biểu thị pháp”. Dùng Giáo phá Tông, đem Tông phá Giáo, kẻ đui dẫn lũ mù, kéo nhau vào lửa, đến nỗi bọn hậu bối chẳng được nghe gương sáng của tiền bối, láo nháo bắt chước thầy khinh Phật, lờn Tổ, bài nhân, bác quả mà thôi!



* Giáo độ khắp ba căn, thâu trọn lợi độn, ví như chiếu chỉ sáng suốt của vua thánh, vạn quốc tôn sùng, trí - ngu, hiền - tệ đều cùng hiểu rõ, đều phải tuân hành. Nếu kẻ nào chẳng tuân sẽ bị xử cực hình. Nếu kẻ nào chẳng tuân lời Phật dạy ắt sẽ đọa trong ác đạo. Tông chỉ độ được thượng căn, chẳng nhiếp trung căn, hạ căn; giống như tướng quân nhận mật lệnh, người [thân cận] trong doanh mới biết, kẻ ngoài doanh dù có trí huệ cũng chẳng hiểu được. Vì thế mới có thể dùng toàn quân diệt giặc, thiên hạ thái bình. Quân lệnh bị tiết lộ, ba quân sẽ tan vỡ; Tổ ấn bị tiết lộ, năm tông (12) chết tiêu. Kẻ chưa ngộ chỉ được phép tham cứu thoại đầu, chẳng được xem đọc sách Thiền, thật ra chỉ là vì sợ kẻ ấy hiểu lầm ý Tổ, chấp mê là ngộ, lấy giả rối chân. Đấy gọi là [Tổ ấn] bị tiết lộ, tai hại cực lớn.



* Về nguồn không hai, phương tiện nhiều cửa. Phương tiện của nhà Thiền vượt ngoài khuôn khổ, tựa hồ quét sạch hết thảy ngôn ngữ. Kẻ không lãnh hội được ý ấy, chẳng hiểu ý chỉ rời lìa ngôn ngữ, chuyên nhai bã hèm, nên đối với Tông chỉ lo suy diễn [ý Tổ] chẳng chịu tận lực tham cứu, đối với Giáo bèn lầm lạc học đòi viên dung, phá hoại sự tướng! Chỉ có bậc đại đạt là được lợi ích cả nơi Tông lẫn nơi Giáo; nếu không, đề-hồ, cam lộ bị chứa trong bình độc bèn thành tỳ sương, trầm độc!



* Dù trung căn, hạ căn vẫn có thể được lợi ích nơi Giáo, nhưng nếu chẳng phải là bậc thượng thượng căn sẽ chẳng thể thông suốt Giáo để vận dụng. Dẫu kẻ trung, hạ căn khó thể chuyên chí nơi Tông, nhưng bậc thượng căn lại có thể đại triệt đại ngộ để hòng chứng nhập.

Trong Giáo, phải thông đạt hết thế pháp, Phật pháp, Sự, Lý, tánh, tướng, lại còn phải đại khai viên giải (nhà Thiền gọi là đại triệt đại ngộ) thì mới có thể làm đạo sư cho cả trời lẫn người.

Trong Tông, tham vỡ được một câu thoại đầu, thấy được bổn lai, bèn có thể xiển dương tông phong “trực chỉ”. Nếu nhằm lúc Phật giáo đại hưng khởi và là bậc thông đạt rộng rãi Phật pháp thì hãy nên tham cứu theo nhà Thiền, giống như Tăng Diêu vẽ rồng, hễ điểm nhãn, rồng liền bay lên ngay lập tức. Còn nhằm khi Phật pháp suy vi, kẻ túc căn kém cỏi hãy nên tu trì theo Giáo. Ví như thợ vụng chế đồ mà bỏ hết dây mực thì rốt cuộc chẳng làm gì được cả!



* Nay muốn báo ơn Phật, lợi lạc hữu tình thì nhà Thiền dù chuyên xiển dương tông phong, vẫn phải dùng Giáo để ấn chứng; bên Giáo thì tận lực tu trì quán hạnh, chẳng lạm bàn thiền ngữ. Ấy là vì tâm thông diệu đế, hễ gặp duyên liền thành Tông. “Cây bách, que phân khô, quạ kêu, sẻ hót, nước chảy, hoa trôi, ho khạc, phẩy tay, cười khẩy, giận chửi”, pháp nào pháp nấy đều là Tông cả. Lẽ nào diệu pháp viên đốn do chính kim khẩu đức Như Lai nói ra chẳng đáng kể là Tông ư? Cần gì phải mượn cái thanh chống cửa nhà người để chống đỡ cửa nẻo nhà mình! Trong nhà vốn sẵn gỗ Tiên, gỗ Nam, cớ sao vứt bỏ chẳng dùng? Hãy nên biết rằng: pháp không cao, hèn, chỉ là nhất đạo thường nhiên, do căn cơ có sống hay chín nên nơi mỗi pháp được lợi ích khác biệt!