ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC

5. Luận về Trì Chú



* Một pháp Trì Chú chỉ nên dùng làm Trợ Hạnh, chẳng nên lấy Trì Chú làm Chánh Hạnh, coi Niệm Phật là pháp tu phụ! Dù pháp môn Trì Chú cũng chẳng thể nghĩ bàn, nhưng phàm phu được vãng sanh hoàn toàn nhờ vào lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, cũng như do đại thệ nguyện của A Di Đà Phật cảm ứng đạo giao mà được Ngài tiếp dẫn. Nếu chẳng hiểu lẽ này, dù pháp nào cũng đều chẳng thể nghĩ bàn, tu bất cứ pháp nào mà chẳng được, nhưng vẫn trở thành “không Thiền, không Tịnh Độ, giường sắt và cột đồng, vạn kiếp với muôn đời, không có ai nương dựa!”

Nếu tự biết mình là phàm phu đầy dẫy triền phược, toàn thân là nghiệp lực, nếu chẳng cậy vào nguyện lực hoằng thệ của Như Lai, quyết khó thể chắc chắn thoát khỏi luân hồi ngay trong đời này, ắt sẽ biết lực dụng của những giáo pháp đức Phật đã dạy ra trong cả một đời đều chẳng bằng được nổi một pháp Tịnh Độ này.

Nếu trì chú, tụng kinh để gieo trồng phước huệ, tiêu tội nghiệp thì được; nhưng nếu vọng động mong cầu thần thông thì đúng là bỏ gốc theo ngọn, chẳng khéo dụng tâm. Nếu như tâm này cố kết, lại chẳng hiểu rõ lý, giới lực chẳng vững, Bồ Đề tâm chẳng sanh, tâm nhân - ngã càng thạnh, ắt chẳng mấy chốc sẽ bị ma dựa phát cuồng! Phàm muốn được thần thông, phải đắc đạo trước đã! Hễ đắc đạo liền tự có thần thông. Nếu chẳng dốc sức vào đạo, chỉ mong cầu thần thông, đừng nói là chưa đắc thần thông, dù có đắc cũng trở thành chướng đạo! Vì thế, chư Phật, chư Tổ thảy đều nghiêm cấm, chẳng muốn người đời tu tập thần thông! Do trong đời thường có những người có kiến giải như thế nên tôi mới nhiều lần giãi bày như vậy!



* Chỉ nên trì chú để trợ tu Tịnh nghiệp, đừng bộp chộp tác pháp, khinh nhờn Phật, thánh. Nếu đường đột tác pháp nhưng thân tâm chẳng cung kính, chẳng chí thành, rất có thể ma sự sẽ khởi. Chỉ có một việc là nên tác pháp, nhưng đấy lại chẳng phải là phận sự của các ông. Đó là: nếu ai phát tâm xuất gia, nhưng [thầy thế độ] chưa chứng đạo, chẳng thể quán xét căn cơ, bèn cầu xin Phật từ ngầm dạy cho biết người ấy xuất gia được hay không, hòng tránh khỏi tệ nạn hạng đầu trộm đuôi cướp lộn sòng Tăng chúng.

Nhưng ngày nay Tăng chúng thâu nạp đồ đệ, cứ sợ chẳng thâu được nhiều, dù biết rõ kẻ đó là phường hạ lưu, vẫn cứ vội vã thâu nạp, chỉ sợ nó bỏ đi mất, mấy ai chịu quyết trạch như thế nữa! Tham danh lợi, ưa quyến thuộc đến nỗi Phật pháp ngập chìm sát đất, không cách nào hưng khởi được nữa!



* Người niệm Phật chẳng phải là không được trì chú, nhưng phải phân định rõ đâu là Chánh, đâu là Trợ thì Trợ cũng quy về Chánh. Nếu cứ lằng nhằng chẳng thể phân biệt, đến ngày nào đó nhìn lại, Chánh cũng chẳng phải là Chánh nữa! Chú Chuẩn Đề, chú Đại Bi, chẳng có chú nào hơn kém cả! Nếu tâm chí thành, pháp nào cũng linh. Tâm chẳng chí thành, pháp nào cũng chẳng linh!



* Học chú Vãng Sanh bằng [chánh âm] tiếng Phạn (13) cũng là rất tốt, nhưng chẳng được sanh tâm phân biệt, cho chú văn lược dịch là sai. Hễ khởi tâm niệm ấy sẽ sanh tâm ngờ vực đối với hết thảy các chú chép trong Đại Tạng, cho là những chú ấy chẳng hợp Phật ý. Phải biết rằng những vị dịch kinh đều chẳng phải tầm thường, sao lại vì những bản dịch của họ không giống nhau bèn sanh lòng miệt thị? Hơn một ngàn năm, những người trì chú này được lợi ích chẳng kể nổi số; chẳng lẽ mọi người trì chú trong hơn một ngàn năm ấy đều chẳng biết tiếng Phạn hay sao? Học thì đương nhiên phải học, tuyệt đối đừng khởi ý niệm ưu liệt, hơn kém thì lợi ích sẽ chẳng thể nghĩ bàn.

Hơn nữa, một pháp trì chú rất giống như pháp khán thoại đầu. Pháp khán thoại đầu dùng một câu vô nghĩa để dứt trừ phân biệt phàm tình hòng chứng Chân Trí sẵn có. Pháp trì chú chẳng cần hiểu nghĩa lý câu chú, cứ chí thành khẩn thiết mà trì, dốc lòng thành đến cùng cực, tự sẽ được nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận phước cao, lợi ích chẳng thể nghĩ bàn được!



6. Luận về xuất gia


* Phật pháp chính là pháp chung cho cả chín pháp giới, không một ai là chẳng nên tu theo, cũng như không một ai chẳng thể tu nổi! Người trì trai, niệm Phật thì nhiều, nhưng tính đến những người có thể làm cho đạo pháp hưng long, phong tục thuần thiện chỉ sợ chẳng được mấy, [những người làm được như vậy] càng nhiều càng tốt. Xuất gia làm Tăng chính là để gìn giữ cũng như lập bày phương cách lưu truyền đạo pháp của Như Lai.

Có những người lập chí hướng thượng, phát Bồ Đề tâm, triệt ngộ tự tánh, tam học (Văn - Tư - Tu) sâu rộng, nhưng lại đặc biệt tán dương Tịnh Độ ngõ hầu mau chóng thoát khỏi vòng khổ ải ngay trong một đời này, chỉ e số người này cũng chẳng được mấy ai, càng được nhiều người như vậy càng tốt. Còn như những kẻ có chút tín tâm, chẳng có đại chí hướng, muốn mượn danh nghĩa tăng sĩ, ăn không ngồi rồi, ăn bám nhà Phật, mang danh con Phật, nhưng thật ra chỉ là gã cạo đầu, dẫu chẳng tạo ác nghiệp, cũng đã là hạt giống hư, là phế nhân đối với đất nước. Nếu lại còn phá giới, tạo nghiệp, điếm nhục Phật pháp, dù lúc sống trốn được quốc pháp, chết đi chắc chắn đọa vào địa ngục. Đối với pháp, đối với mình đều chẳng lợi ích. Một gã như thế còn chẳng nên có, huống chi là nhiều!

Cổ nhân bảo: “Xuất gia là việc của bậc đại trượng phu, chẳng phải hạng loàng xoàng làm được”, đấy chính là lời chân thật, chẳng phải là lời hạ thấp hạng loàng xoàng để đề cao Tăng-già đâu! Ấy là vì đối với việc gánh vác gia nghiệp của Phật, tiếp nối huệ mạng của Phật, nếu chẳng phải là người phá vô minh khôi phục bổn tánh, hoằng dương pháp đạo lợi lạc chúng sanh thì sẽ chẳng thể làm được. Nay những kẻ làm Tăng phần nhiều là hạng thô bỉ, bại hoại, vô lại, mong được sống an nhàn, thảnh thơi; kẻ chịu trì trai niệm Phật còn chẳng có mấy, huống hồ là người có thể gánh vác gia nghiệp, tiếp nối huệ mạng ư? Hiện tại Phật pháp sa sút đến tận đất đen là vì Thanh Thế Tổ (Thuận Trị) chẳng xét thời cơ, chẳng tuân Phật chế, thay đổi cách khảo thí tăng sĩ của triều đại trước (nhà Minh), bỏ luôn độ điệp (14), cho phép ai nấy tùy ý xuất gia, gây thành mối tệ vậy!



* Cho tùy ý xuất gia, đối với bậc thượng sĩ thật là có lợi ích lớn, nhưng đối với kẻ hạ căn lại là sự tổn hại rất lớn. Nếu như toàn thể thế gian đều là bậc thượng sĩ, cố nhiên pháp tắc này rất hữu ích đối với đạo pháp; thế nhưng bậc thượng sĩ hệt như vảy lân, kẻ hạ căn nhiều như lông bò. Chỉ tạm hữu ích ngay trong lúc ấy (từ đầu nhà Thanh cho đến thời Càn Long, thiện tri thức nhiều như rừng, nên bảo là “hữu ích”), họa lan sâu hậu thế; cho đến hiện tại, mối tệ ô tạp, lạm dụng đã đến mức cùng cực. Dù có thiện tri thức muốn chỉnh đốn một phen cũng chẳng thể làm gì được, chẳng đáng buồn ư?

Từ rày về sau, người xuất gia điều thứ nhất là phải thật sự phát khởi đại Bồ Đề tâm tự lợi lợi tha, thứ hai là phải có thiên tư hơn người mới cho xuống tóc, không vậy không được. Còn người nữ có tín tâm hãy bảo họ tu hành tại gia, vạn vạn phần chẳng nên để họ xuất gia, chỉ sợ gặp phải kẻ phóng túng khiến Phật môn bị ô uế, bại hoại chẳng nhỏ. Nếu người nam tu hành thật sự, xuất gia càng dễ, bởi họ tham phỏng tri thức, y chỉ tùng lâm [nào cũng được]. Người nữ dù là bậc chân tu xuất gia cũng khó, bởi lẽ làm gì cũng dễ bị miệng đời gièm xiểm, việc gì cũng khó thể tùy ý được. Chọn lựa để thế độ người, chẳng độ ni chúng như thế chính là nghĩa lý trọng yếu bậc nhất để hộ trì Phật pháp, chỉnh lý pháp môn trong đời mạt vậy!



* Người đời nay hay coi xuất gia như một phương cách sống trốn tránh, lười nhác, an nhàn. Tệ nhất là kẻ không còn sanh lộ nào khác, lấy xuất gia làm kế sống trộm qua ngày. Bởi thế người xuất gia hiện tại đa phần là hạng vô lại, đạo pháp bị quét sạch sành sanh đều là vì hạng xuất gia bại hoại như thế gây nên nỗi cả!



* Tăng nhân đời nay khó thể khiến người khác tin tưởng nổi. Nay đã truy điệu tăng nhân, lẽ nào lại phỉ báng tăng nhân. Nếu nêu lên những điều tốt lành của họ để răn nhắc những kẻ bất thiện thì chẳng mắc lỗi gì. Nhưng nếu mình đã thuộc vào hàng học trò thì việc răn nhắc cũng nên châm chước; việc răn nhắc ấy chỉ hàng đức cao trọng vọng mới thực hiện được, chẳng phải là việc nên làm của loài chim non miệng vàng vậy!



* Hàng xuất gia nếu chẳng phải chân tu, tập khí đầu đường xó chợ còn tệ hơn kẻ tục. Nếu muốn xa lìa tập khí ấy thì trước hết phải hiểu rõ hết thảy các pháp thế gian đều là khổ, là không, là vô thường, là vô ngã, là bất tịnh, thì ba độc tham - sân - si không cách nào khởi lên được. Nếu vẫn chưa chế ngự chúng được, hãy dùng trung - thứ - nhẫn nhục để đối trị ắt chúng sẽ tự dứt. Nếu vẫn chưa dứt thì phải tưởng mình như đã chết, tự nhiên vô biên phiền não sẽ hóa thành thanh lương.



* Chỉ hạng Thích Tử chúng ta mới lấy việc thành đạo lợi sanh làm cách báo ân tối thượng, chẳng những báo đền cha mẹ nhiều đời, mà còn báo đáp hết thảy cha mẹ trong tứ sanh lục đạo từ vô lượng kiếp. Chẳng những chỉ hiếu kính khi cha mẹ còn sống mà còn phải độ thoát linh thức của cha mẹ khiến họ được vĩnh viễn thoát khỏi khổ luân, thường trụ Chánh Giác. Bởi thế mới nói: đạo hiếu của nhà Phật ẩn mật khó sáng tỏ ra vậy.

Tuy nhiên, đạo hiếu của Nho gia lấy việc phụng dưỡng cha mẹ làm đầu. Như đạo Thích từ biệt cha mẹ đi xuất gia, có phải là chẳng đoái hoài đến việc phụng dưỡng cha mẹ chăng? Phật chế định: Xuất gia phải thưa cùng cha mẹ. Nếu có anh em, con cháu để gởi gắm cha mẹ mới được bẩm thỉnh với cha mẹ. Cha mẹ có đồng ý mới được xuất gia. Nếu không, chẳng chấp thuận cho kẻ ấy được xuống tóc.

Sau khi xuất gia xong, nếu như anh em gặp biến cố, cha mẹ không chỗ nương nhờ, người xuất gia cũng được phép chia sớt y bát để phụng dưỡng song thân. Vì thế, mới có gương thơm hiếu dưỡng với mẹ của ngài Trường Lô (Ngài Trường Lô Trách thiền sư đời Tống, người xứ Tương Dương. Lúc nhỏ mồ côi cha, mẹ họ Trần, được bảo bọc nơi nhà cậu. Đến lúc lớn, sư thông suốt sách vở thế gian. Năm 29 tuổi xuất gia, hiểu sâu xa yếu chỉ nhà Thiền, sau trụ trì chùa Trường Lô, đón mẹ về ở phòng phía Đông phương trượng, khuyên mẹ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ suốt bảy năm trời. Bà mẹ niệm Phật qua đời. Xem sự tích này trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục), chuyện lạ chôn cha của ngài Đạo Phi (Đạo Phi thuộc hoàng tộc nhà Đường, người Trường An, mới vừa đầy năm, cha bỏ mình vì việc nước. Bảy tuổi xuất gia, đời loạn lạc, gạo thóc đắt đỏ, sư bèn cõng mẹ vào Hoa Sơn, tự nhịn ăn, khất thực nuôi mẹ. Năm sau, sư đến chiến trường Hoắc Sơn, thu nhặt xương trắng, chí thành tụng niệm kinh chú, cầu tìm được xương cha. Mấy ngày sau, xương cha trồi lên giữa đống xương, hiện ngay trước mặt ngài Đạo Phi. Ngài bèn bọc lấy xương tàn, ôm về chôn cất. Xem trong Tống Cao Tăng Truyện).

Bởi thế kinh dạy: “Công đức cúng dường cha mẹ bằng với công đức cúng dường Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát”. Cha mẹ còn sống, phải khéo léo khuyên dụ trì trai, niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Cha mẹ mất rồi, dùng công đức đọc tụng, tu trì của chính mình, luôn chí thành hồi hướng cho cha mẹ ngõ hầu cha mẹ vĩnh viễn thoát khỏi ngũ trược, mãi mãi giã biệt sáu đường, chứng Vô Sanh Nhẫn, đạt đến địa vị Bất Thoái, độ thoát chúng sanh đến tận cùng đời vị lai, khiến mình lẫn người đều thành đạo Chánh Giác. Có vậy mới chẳng giống với sự đại hiếu thông thường của thế gian.



* Xuất gia làm Tăng phải vì chuyên chí Phật thừa, lập bày cách duy trì đạo pháp, chứ chẳng phải là chỉ có thành Tăng thì mới có thể tu trì Phật pháp.



7. Luận về báng Phật


* Hễ ai đời trước quả thật có gieo căn lành, chẳng cần biết là vì học hỏi hay vì cầu đạo, thì đều có thể tạo thành mầm mống đại sự xuất thế. Tham, sân, si, hoặc nghiệp phiền não, các thứ ác báo như tật bệnh liên miên đều là nhân duyên xuất ly sanh tử nhập Phật pháp, miễn sao người ấy tự có thể phản tỉnh hay không.

Nếu chẳng thể tự phản tỉnh, đừng kể chi hạng người tầm thường thấp thỏi bị thế giáo buộc ràng, ngay cả những người như Hối Am, Dương Minh, Tĩnh Tiết, Phóng Ông v.v... dù học vấn, trình độ, mức tu dưỡng đều kỳ đặc, trác tuyệt, rốt cục vẫn chẳng thể triệt ngộ tự tâm, liễu thoát sanh tử. Cái học vấn, tu dưỡng, sự hiểu biết của họ có thể làm cơ sở cho vô thượng diệu đạo, nhưng vì chẳng thể tự phản tỉnh nên rốt cuộc lại thành chướng đạo. Đủ thấy nhập đạo thật khó, khó còn hơn lên trời nữa!



* Phật thấy chúng sanh đều là Phật. Chúng sanh thấy Phật đều là chúng sanh. Do Phật thấy chúng sanh đều là Phật nên tùy thuận cơ nghi mà thuyết pháp, mong họ tiêu trừ được vọng nghiệp, tự chứng được cái mình vốn sẵn có. Dù hết thảy chúng sanh đều chứng được Niết Bàn rốt ráo, Phật trọn chẳng thấy mình là người cứu độ, chúng sanh là người được độ bởi họ vốn dĩ là Phật.

Do chúng sanh thấy Phật là chúng sanh nên chín mươi lăm phái ngoại đạo ở Tây Thiên (Ấn Độ) cùng bọn nho sĩ câu nệ, rỗng tuếch xứ này không ai là chẳng dốc sạch tâm lực hủy báng đủ cách mong sao Phật pháp diệt sạch hoàn toàn chẳng còn tung tích gì thì lòng mới khoái. Nhưng mặt trời chói lọi giữa hư không, toan dùng hai tay che kín, càng khiến quang minh của Phật pháp càng thêm tỏ rõ, càng bộc lộ cái nông cạn, hèn kém của chính mình mà thôi!

Người có túc căn do nhân duyên báng Phật, bài Phật bèn lại được quy y Phật pháp, làm đệ tử Phật, thay Phật hoằng dương, giáo hóa. Người không túc căn sẽ vì nghiệp lực ấy vĩnh viễn đọa trong A Tỳ địa ngục. Đợi đến lúc nghiệp báo hết rồi, thiện căn được nghe danh hiệu Phật trong kiếp xưa sẽ phát hiện, nhờ đó mới được nhập Phật pháp, sẽ tạm gieo thiện căn. Đến khi nghiệp tận tình không, khôi phục lại cái mình vốn sẵn có mới thôi.

Phật ân thật là rộng lớn sâu xa cùng cực, chẳng thể hình dung nổi! Một câu gieo vào tâm, mãi mãi là hạt giống đạo. Ví như nghe tiếng cái trống có bôi thuốc độc, xa gần đều chết tươi; ăn chút kim cang, quyết định chẳng tiêu được. Tin được như vậy mới gọi là chánh tín.



* Phật pháp không điều nào lớn lao chẳng bao gồm, không điều nhỏ nhặt nào chẳng nêu. Ví như một cơn mưa thấm ướt khắp cả, cây cỏ cùng được tươi tốt, cái đạo “tu thân, tề gia, trị quốc” không gì là chẳng đủ. Xưa nay, văn chương chỉ thịnh một thời, nhưng công nghiệp đồn lan vũ trụ. Phàm những ai chí hiếu, nhân từ, ngàn đời cùng ngưỡng mộ. Con người mới chỉ biết dõi theo vết tích, chưa biết tìm đến gốc.

Nếu khảo sát kỹ đến cội nguồn, sẽ thấy tinh thần, chí khí, tiết tháo của những vị ấy đều được vun bồi bởi việc học Phật. Chẳng cần phải nhắc tới những chuyện khác, ngay như tâm pháp do hàng thánh nhân Tống Nho đề xướng ra cũng vẫn phải mượn Phật pháp làm khuôn mẫu, huống hồ là những chuyện khác! Bọn Tống Nho khí lượng hẹp hòi, muốn hậu thế nghĩ chính họ đã phát minh ra tâm pháp ấy, bèn thốt lên những lời báng Phật, hòng khỏa lấp cái tội mượn trộm Phật pháp. Từ Tống sang Nguyên, tới Minh, không đời nào chẳng vậy.

Cứ thử tận tâm khảo sát, không ai là chẳng được lợi ích nơi Phật pháp. Họ giảng về tịnh tọa, giảng về tham cứu cho thấy họ có dụng công; lâm chung biết trước lúc đi, cười nói rồi qua đời chính là những điểm biểu lộ cuối cùng của họ. Những mẫu chuyện, những sự tích như vậy chép đầy trong các truyện ký Lý học, nào phải chỉ có một chuyện. Học Phật có phải là mối lo cho xã hội hay chăng?



* Bản thể của Nho và Phật đương nhiên chẳng hai. Về mặt công phu của Nho và Phật, nếu chỉ bàn hời hợt sẽ thấy rất tương đồng, nếu bàn sâu sẽ thấy khác nhau như trời với đất. Vì sao như vậy? Nho lấy Thành (chân thành) làm gốc, Phật lấy Giác làm tông.

Thành chính là “minh đức” (cái đức sáng tỏ), do Thành khởi Minh, do Minh nên có Thành. Hễ Thành và Minh hợp nhất sẽ “minh minh đức” (làm sáng tỏ cái đức sáng ngời). Giác có Bổn Giác và Thỉ Giác. Do Bổn Giác mà Thỉ Giác phát khởi, dùng Thỉ Giác để chứng Bổn Giác. Thỉ và Bổn hợp nhất tức là thành Phật. Bổn Giác tức là Thành, Thỉ Giác là Minh. Nếu thuyết pháp như thế thì Nho và Phật trọn chẳng khác gì nhau.

Các hạ bảo mình “học Phật, học Khổng, thấy Lý chẳng ngoài một chương sách Đại Học là điều quyết định chẳng còn ngờ vực gì nữa”; đấy chỉ là bàn luận một cách nông cạn. Nếu luận về mặt thứ lớp sâu cạn của công phu tu chứng thì đại để tương đồng, nhưng sở chứng, sở đạt bất đồng rất lớn. Nho chỉ có thể “minh minh đức”, há có thể đoạn trọn Tam Hoặc, đầy đủ cả phước lẫn huệ như Phật chăng? Há có thể như Bồ Tát chứng Pháp Thân, phá một phần vô minh, thấy một phần Phật Tánh hay chăng? Há có thể như Thanh Văn, Duyên Giác đoạn sạch Kiến Hoặc lẫn Tư Hoặc hay chăng?

Điều thứ ba, dù Thanh Văn chỉ đoạn được Kiến Tư Hoặc là hạng thấp kém nhất, nhưng các ngài đã đắc lục thông tự tại. Bởi thế, ngài Tử Bách nói: “Nếu buông vọng tình xuống được thì dù là vách núi vẫn có thể đi xuyên qua được”. Sơ Quả còn phải bảy lượt sanh lên trời, bảy lần sanh xuống nhân gian, nhưng đạo lực của các ngài đã đạt tới mức tùy ý chẳng phạm sát giới. Vì thế, các ngài đi đến đâu, loài trùng giạt ra cả. Do đó, mới nói: “Sơ Quả cày đất, trùng tránh xa bốn tấc”, huống hồ là Nhị, Tam, Tứ Quả ư!

Hãy khoan nói tới những người học theo Nho Giáo cái đã, hãy bàn về thánh nhân thôi. Cố nhiên, đa phần thánh nhân là bậc đại quyền thị hiện. Không nói tới bổn địa của các ngài, nếu chỉ căn cứ trên mặt Tích, e rằng các ngài còn chưa thể đoạn sạch được Kiến Hoặc, Tư Hoặc như thế được, huống hồ là sánh với các vị Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi địa vị phá vô minh, chứng pháp tánh ư? Cho dù bảo “minh minh đức” tạm ngang ngửa với “phá vô minh” đi nữa, phải nhớ rằng phá vô minh có bốn mươi mốt địa vị, “minh minh đức” có ngang bằng được với địa vị đầu tiên là Sơ Trụ hay chăng? Có ngang bằng được với địa vị cuối cùng là Đẳng Giác hay chăng? Dù “minh minh đức” có ngang ngửa với địa vị Đẳng Giác đi nữa, đối với minh đức vẫn chưa thể minh đến cùng cực được! Phải đến khi phá được một phần vô minh mới đáng gọi là “Thành - Minh hợp nhất, Thỉ - Bổn vô nhị” vậy!

Do lẽ đó, tôi nói: “Xét về Thể thì đồng, nhưng phát huy công phu chứng đạt chẳng đồng!” Người đời vừa nghe nói “đồng” bèn tưởng Nho Giáo bao gồm trọn Phật giáo, nghe nói “khác” bèn tưởng Phật giáo hoàn toàn khác với Nho giáo. Họ chẳng biết đến nguyên ủy “đồng nhưng bất đồng, bất đồng nhưng đồng”; bởi thế, cứ tranh luận tưng bừng, ai nấy lo bảo vệ môn đình của mình, ai nấy đều đánh mất tấm lòng trị thế độ nhân của Phật, Bồ Tát cả!



* Kể từ khi đại pháp truyền vào Trung Quốc, đế vương các đời không ai chẳng sùng phụng Phật giáo; chỉ có Tam Võ hủy diệt Phật giáo, nhưng người kế vị lại hưng thạnh Phật giáo. Ví như tiết Đông, đông cứng lại chắc nịch để thành tựu vẻ tươi tốt, sum suê cho tiết Xuân, tiết Hạ. Mặt trời chói lọi giữa hư không, toan dùng hai tay che lấp; ngửa mặt khạc nhổ trời, chính mình bị giây bẩn.

Tam Võ là Ngụy Thái Võ, Châu Võ Đế, Đường Võ Tông. Thoạt đầu họ đều thâm tín Phật pháp, dốc ý tu tập. Ngụy Thái Võ tin lời sàm hoặc của Hoắc Hạo, Châu Võ Đế tin lời sàm tấu của Vệ Nguyên Tung, Đường Võ Tông tin lời vu báng của Lý Đức Dụ và đạo sĩ Triệu Quy Chân.

Hủy diệt Phật pháp chưa lâu la gì, cả người chủ xướng lẫn kẻ tán trợ đều mắc phải ương họa cùng cực. Ngụy Võ Đế phế Phật rồi, chưa đầy năm sáu năm, Hoắc Hạo bị diệt tộc, bản thân Ngụy Võ Đế cũng bị ám sát. Con lên nối ngôi lại ra sức phục hưng Phật giáo.

Sau khi Châu Võ Đế phế Phật, Nguyên Tung bị biếm truất và xử tội chết, khoảng năm sáu năm sau, vua thân mắc ác tật, khắp mình lở loét, chết chưa đầy ba năm, Tùy Văn Đế lên ngôi lại phục hưng Phật giáo.

Đường Võ Đế phế Phật rồi, chưa đầy một năm sau, Quy Chân bị tru lục, Đức Dụ chết trên đường bỏ trốn, Võ Tông uống kim đan của đạo sĩ dâng, lưng nổi nhọt loét mà chết. Tuyên Tông lại phục hưng Phật giáo.

Tống Huy Tông lúc đầu cũng thâm tín Phật pháp, sau nghe lời yêu vọng của đạo sĩ Lâm Linh Tố, bắt đổi tượng Phật thành hình tượng Đạo giáo, xưng Phật là Đại Giác Kim Tiên, gọi Tăng là “đức sĩ”, bắt Tăng mặc áo đạo sĩ, mỗi khi làm lễ Tăng phải ngồi phía sau đạo sĩ. Hạ chiếu chưa lâu, kinh thành bị lụt lớn khác gì hồ, biển. Vua tôi hoảng sợ, sai Linh Tố trị thủy, càng phù phép nước càng dâng tràn. Chợt có bậc đại thánh Tăng Già xuất hiện trong cung cấm, vua đốt hương van nài, Tăng Già chống tích trượng lên mặt thành, nước liền rút sạch. Vua liền hạ chiếu phục hồi quy chế Phật giáo như cũ. Chưa đầy sáu bảy năm sau, cha con cùng bị giặc Kim bắt đi. Người Kim phong Huy Tông làm Hôn Đức Hầu, Khâm Tông làm Trọng Hôn Hầu, cha con cùng chết tại thành Ngũ Quốc.

Phật là đại sư ba cõi, cha lành cả bốn loài, bậc thánh của các thánh, là trời trong trời, dạy người bỏ vọng về chân, nghịch trần hợp giác, dứt trừ hoặc nghiệp huyễn vọng, khôi phục tâm tánh vốn sẵn có. Cảm ân, báo đức, hộ trì lưu thông Phật pháp còn chưa đủ, huống hồ là cậy vào thế lực nhất thời, đoạn diệt huệ nhãn của chúng sanh, cắt đứt con đường bằng phẳng của trời người, đào hố sâu địa ngục, ắt chuốc quả báo nhãn tiền, luân hồi muôn kiếp, để tiếng xấu cho đời, thật đúng là tấm gương đành rành vậy!



* Cái rộng, dày, cao, sáng nhất trong thế gian không gì bằng trời, đất, nhật, nguyệt; nhưng mặt trời chính ngọ rồi phải xế bóng, trăng tròn rồi phải khuyết, bờ cao sụp thành hang, hang sâu đùn thành gò, biển xanh biến thành ruộng dâu, ruộng dâu biến thành biển xanh.

Xưa nay, bậc đạo cao đức trọng không ai bằng Khổng Tử, vẫn bị tuyệt lương ở đất Trần, bị hãm nơi đất Khuông, chu du các nước, chẳng gặp được vua hiền; chỉ có một đứa con, tuổi vừa năm mươi đã chết mất, may còn một cháu để duy trì dòng dõi. Từ đấy tính xuống, Nhan Uyên đoản mạng, Nhiễm Bá Ngưu cũng đoản mạng, Tử Hạ bị mù, Tả Khâu Minh cũng bị mù, Khuất Nguyên trầm mình dưới sông (Khuất Nguyên tận trung bị gian thần sàm tấu. Về sau vì Sở Hoài Vương bị vua Tần bắt giữ, ông khôn ngăn phẫn uất, nhưng chẳng làm gì được bèn tự trầm nơi sông Mịch La vào ngày mồng Năm tháng Năm), Tử Lộ bị bằm nát như tương (Tử Lộ làm quan ở nước Vệ. Vệ Khoái Công hồ đồ bị con giành ngôi, Tử Lộ tử nạn, bị địch quân bằm nát nhừ).

Trời, đất, nhật, nguyệt còn chẳng thể thường hằng bất biến; đại thánh, đại hiền cũng chẳng thể chỉ gặp toàn thuận lợi chẳng có nghịch cảnh; chỉ những ai biết vui theo mạng trời, dù gặp cảnh ngộ nào cũng đều an vui cả; thế nhưng mấy trăm ngàn năm sau, từ thiên tử cho đến thứ dân không ai là chẳng kính ngưỡng những vị ấy. Nếu cứ dựa trên tình cảnh khi ấy mà luận, tựa hồ họ chẳng có phước báo gì; nhưng nếu dựa trên đạo hạnh lưu truyền hậu thế để luận, ai có phước hơn nổi những vị ấy chăng?

Người sanh trong cõi đời ngàn tính vạn toán làm đủ mọi chuyện xét đến cùng cực chẳng qua chỉ để thân mình no ấm, con cháu quý hiển mà thôi! Thế nhưng, vải thô cũng che được thân, cần gì phải lượt, là, the, vóc; miệng dùng rau dưa cho qua bữa, cần gì phải cá, thịt, hải sản? Con cháu thì hoặc đọc sách, hoặc cấy cày, hoặc buôn bán để tự nuôi thân, cần gì phải giàu đến trăm vạn?

Vả những kẻ mưu tính sao cho con cháu được giàu sang đến vạn đời, chắc không ai hơn được Tần Thủy Hoàng! Vua Tần thôn tính sáu nước, đốt sách, chôn Nho sĩ, thâu binh khí trong thiên hạ đúc thành chuông lớn, không điều nào chẳng nhằm mục đích khiến dân ngu yếu chẳng thể làm loạn được. Nào ngờ Trần Thiệp vừa đứng lên, quần hùng đua nhau nổi dậy. Họ Tần nhất thống sơn hà chưa quá mười hai, mười ba năm, thân đã diệt, nước đã mất, con cháu bị tru lục hết sạch; khác nào cắt cỏ nhổ tận rễ, không còn chút gì nữa! Muốn cho con cháu được an lạc, hóa ra lại khiến chúng mau bị chết sạch hết cả.

Tào Tháo làm Thừa Tướng thời Hán Hiến Đế, chuyên quyền, bất cứ điều gì hắn làm không ngoài mục đích giảm thế lực của vua, tăng oai quyền cho mình, mong sau khi mình chết đi, con mình sẽ xưng đế. Vừa chết đi, Tào Phi liền soán ngôi, thây cha chưa liệm, Phi đã chuyển hết các phi tần của cha sang cung mình. Tào Tháo chết đi, đọa mãi trong ác đạo hơn một ngàn bốn trăm năm. Đến đời vua Càn Long nhà Thanh, ở Tô Châu có kẻ mổ heo, thấy trên gan phổi heo có hai chữ Tào Tháo. Có kẻ láng giềng trông thấy, sanh lòng hoảng sợ lớn, liền xuất gia, pháp danh là Phật An, nhất tâm niệm Phật liền được vãng sanh Tây Phương. Việc này có ghi trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Tào Tháo phí sạch tâm cơ mưu tính cho con cháu. Tuy con hắn được làm hoàng đế, nhưng chỉ ở ngôi được bốn mươi lăm năm liền bị diệt quốc. Hằng ngày lại còn phải đánh nhau với Đông Ngô và Tây Thục, có bao giờ được hưởng một ngày an vui đâu?

Tiếp đó, hai nhà Tấn (Tây Tấn và Đông Tấn), Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy và các nhà Lương, Đường, Tấn, Hán, Châu thời Ngũ Đại đều chẳng trường cửu, tựu trung nhà Đông Tấn tồn tại lâu dài nhất, nhưng chỉ được một trăm lẻ ba năm. Các triều khác thì hoặc là hai, ba năm, hoặc tám chín năm, mười năm, hai mươi năm, bốn mươi năm, năm mươi năm rồi liền diệt vong. Đây mới chỉ kể những triều đại chánh thống, còn như những kẻ chiếm càn lãnh thổ, ngụy xưng vương triều, số ấy nhiều lắm, tồn tại còn ngắn ngủi hơn nữa.

Xét cái tâm thuở đầu của họ, không ai là chẳng muốn cho con cháu được an lạc, phú quý, tôn vinh; xét đến kết quả thực sự: lại khiến cho con cháu càng mau gặp phải kiếp nạn, bị tru lục, diệt môn tuyệt tộc. Dù quý như thiên tử giàu có như bốn biển, vẫn chẳng thể giữ cho con cháu đời đời hưởng phước, huống chi kẻ phàm phu trơ trụi? Từ vô lượng kiếp đến nay, những ác nghiệp đã tạo còn dày hơn đại địa, sâu hơn biển cả, có đảm bảo gia đạo thường hưng thạnh, chỉ có phước không tai ương chăng?

Phải biết rằng: muôn pháp trong thế gian thảy đều hư giả, trọn chẳng chân thật, như mộng, như huyễn, như bọt nước, như bóng dáng, như sương móc, như ánh chớp, như bóng trăng in trong nước, như hoa đốm trên không, như ánh nước dợn lúc trời nóng, như thành Càn Thát Bà (Càn Thát Bà là tiếng Phạn, Hán dịch là Tầm Hương, là nhạc thần của Thiên Đế. Thành trì của họ huyễn hiện chẳng thật, như ta thường nói “thẩn lâu hải thị” (15) vậy!).

Chỉ có mỗi một niệm tâm tánh của chính mình hằng cổ hằng kim (xưa nay luôn thường hằng), chẳng biến, chẳng hoại, tuy chẳng biến hoại nhưng thường tùy duyên. Do ngộ tịnh duyên liền thành Thanh Văn, thành Duyên Giác, thành Bồ Tát, thành Phật. Do công đức sâu hay cạn mà quả vị cao hay thấp. Do mê nhiễm duyên thì sanh lên trời, sanh trong nhân gian, đọa vào Tu La, đọa súc sanh, đọa ngạ quỷ, đọa địa ngục. Do tội phước nặng hay nhẹ mà có khổ hay vui, [thời gian thọ quả] có dài hay ngắn. Nếu là kẻ chẳng biết Phật pháp, chẳng biết làm cách nào được!

Ông đã sùng tín Phật pháp, sao chẳng do nghịch cảnh ấy nhìn thấu tướng trạng thế gian, bỏ mê nhiễm duyên, theo ngộ tịnh duyên, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Nhờ đó, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi lục đạo, cao đăng quả vị Tứ Thánh, há chẳng phải là nhờ cái họa nhỏ này mà thường hưởng phước lớn ư?



* Phật ân thật là rộng lớn, trọn khắp, chẳng có cùng tận. Vì sao nói thế? Do hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, nhưng vì mê chẳng ngộ, đến nỗi lại đem sức công đức Phật tánh ấy dùng lầm vào sáu trần cảnh, khởi tham - sân - si, tạo giết - trộm - dâm, do Hoặc tạo nghiệp, do nghiệp thọ báo, trải kiếp dài lâu luân hồi lục đạo, trọn chẳng có ngày ra. Trong những kiếp xưa, Phật đã biết rõ điều này, bèn phát đại nguyện muốn cho hết thảy chúng sanh trong khắp các pháp giới tận cõi hư không cùng ngộ được Phật tánh sẵn có, cùng thoát luân hồi sanh tử, cùng thành đạo Vô Thượng Chánh Giác, cùng nhập Vô Dư Niết Bàn.

Từ đấy, vì chúng sanh trong khắp pháp giới Ngài trải kiếp dài lâu hành đạo Bồ Tát, không việc gì có lợi ích mà Phật chẳng đề cao, tu trọn lục độ, chẳng chấp trước một pháp nào, hành hạnh khó làm, nhẫn được chuyện khó nhẫn. Phật bố thí quốc thành, vợ, con, đầu, mắt, tủy, não... không tiếc nuối gì. Vì thế, kinh Pháp Hoa nói: “Ta thấy đức Thích Ca Như Lai trong vô lượng kiếp, hành hạnh khó, hạnh khổ, tích công chứa đức cầu Bồ Tát đạo chưa từng dừng nghỉ. Xem khắp tam thiên đại thiên thế giới, thậm chí chẳng có chỗ nào nhỏ bằng hạt cải mà chẳng phải là chỗ Bồ Tát xả thân mạng vì chúng sanh cả! Sau đấy mới được thành Bồ Đề đạo”.

Chỉ một hạnh bố thí dù thọ cả kiếp còn chẳng thể nói hết, huống hồ là các hạnh khác như Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Huệ và Tứ Nhiếp, vạn hạnh ư? Mãi cho đến khi Hoặc nghiệp hết sạch, phước huệ viên mãn, triệt chứng tự tâm, thành đạo Vô Thượng, Phật bèn vì khắp các chúng sanh giảng pháp mình đã chứng, chỉ vì để ai nấy đều chứng được pháp Ngài đã chứng. Thế nhưng thượng căn ít ỏi, trung căn, hạ căn lại nhiều; cho nên Phật lại tùy cơ lập giáo, khiến ai nấy tùy phận được lợi.

Đến khi việc một đời đã xong, Phật bèn nhập Niết Bàn, nhưng vẫn chẳng bỏ tấm lòng đại bi, lại thị hiện thành Chánh Giác trong thế giới khác để tiếp tục tế độ. Phật thị hiện sanh trong cõi này hay cõi khác như thế, chẳng thể dùng toán số, thí dụ để tính được nổi. Ví như vầng mặt trời chói lọi vì chiếu thế gian nên mọc lặn chẳng ngừng, cũng như người đưa thuyền vì đưa người qua sông nên qua lại chẳng ngừng!



* Phật nghĩ thương xót chúng sanh từ vô thỉ trước đến tận vị lai sau, trên đến bậc Đẳng Giác Bồ Tát, dưới đến lục đạo phàm phu, không một ai chẳng thuộc trong vòng đại bi thệ nguyện của Ngài. Ví như hư không bao trùm hết thảy, từ sâm la vạn tượng cho đến trời đất đều bị hư không bao trùm cả. Cũng lại như ánh sáng mặt trời chiếu khắp muôn phương, dù kẻ sanh manh trọn đời chẳng thấy được ánh sáng vẫn được ánh mặt trời soi tới, được sống đúng nghĩa con người. Nếu như không có ánh mặt trời chiếu thấu, sẽ chẳng có duyên sanh sống được; [như vậy thì] nào có phải là cứ phải đích thân thấy được ánh sáng thì mới được thọ ân ư?

Kẻ thế trí biện thông đem cái hiểu biết câu nệ, rỗng tuếch của mình để chê bai, phản bác Phật pháp, bảo là: “Phật pháp làm hại thánh đạo, dối đời lừa người”, trọn chẳng khác gì kẻ sanh manh chửi mặt trời, bảo mặt trời chẳng có quang minh! Hết thảy ngoại đạo đều lấy trộm nghĩa lý trong kinh Phật rồi làm như chính đạo mình có giáo nghĩa ấy; có kẻ còn trộm danh Phật pháp để hành tà pháp. Do đó ta biết rằng Phật pháp chính đạo gốc của mọi pháp thế gian, xuất thế gian. Ví như biển cả chảy ngầm dưới mặt đất, những chỗ đầy ắp nước, chảy thành dòng thì là vạn con sông, nhưng không con sông nào lại chẳng đổ vào biển cả.

Những kẻ báng Phật kia phải đâu là báng Phật, mà là báng chính mình đó. Bởi vì một niệm tâm tánh của họ toàn thể là Phật. Từ đầu Phật đã dùng bao cách thuyết pháp, giáo hóa như thế những mong họ bỏ mê về chân, tự chứng Phật tánh chính mình sẵn có mới thôi. Do Phật tánh đáng tôn trọng nhất, đáng yêu tiếc nhất, nên Phật chẳng hề tiếc công như vậy, dù họ chẳng tin nhận, Phật cũng chẳng nỡ buông bỏ. Nếu như chúng sanh chẳng sẵn có Phật tánh, chẳng kham làm Phật, nhưng Phật cứ uổng công bày cách như thế thì Phật chính là kẻ si dại bậc nhất trong thế gian, mà cũng là kẻ đại vọng ngữ bậc nhất trong thế gian, lẽ nào tám bộ trời rồng, tam thừa thánh hiền lại cùng chịu hộ vệ, y chỉ Phật ư?



* Phật xem hết thảy chúng sanh giống như con một, yêu thương không thiên vị ai, luôn muốn cho chúng sanh được độ thoát, vì hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều kham làm Phật. Bởi thế, dù là hạng Nhất Xiển Đề tuyệt chẳng có tín tâm, Phật không hề có một niệm buông bỏ. Nếu đúng cơ duyên, họ sẽ tự sanh lòng tin, quy y, y giáo tu trì ngõ hầu đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Mười phương Như Lai thương xót chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con bỏ trốn, mẹ dù nhớ cũng chẳng làm gì được! Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, từ đời này sang đời khác mẹ con chẳng hề xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì trong hiện tại hoặc trong tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa như người nhiễm hương, thân có mùi thơm”.

Kinh Pháp Hoa dạy: “Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe đến Bồ Tát Quán Thế Âm này, nhất tâm xưng danh thì Quán Thế Âm Bồ Tát liền lập tức xem xét âm thanh ấy, khiến họ đều được giải thoát”.

Kinh còn chép: “Vị Quán Thế Âm Bồ Tát này hay ban cho sự không sợ hãi cho những chỗ hoảng sợ, nạn gấp nên thế giới Sa Bà này đặt tên cho Ngài là Thí Vô Úy”.

Ấy là vì xét về thể thì tâm của chúng sanh và tâm của Phật, Bồ Tát chẳng khác gì nhau, chỉ vì chúng sanh mê muội, trái giác theo trần, đến nỗi đây kia ngăn cách, chẳng được chở che. Nếu như trái trần xuôi giác, một dạ xưng danh, sẽ tự nhiên cảm ứng đạo giao, Phật, Bồ Tát rủ lòng từ gia bị, dù gặp hiểm nạn cũng thành yên vui!



* Điều trọng yếu trong việc học đạo là đối trị tập khí. Thường có kẻ học vấn càng sâu, tập khí càng thạnh. Ấy là vì coi học đạo giống như học nghề, cho nên càng học nhiều, càng nghịch đạo. Đó chính là cội nguồn khiến cho cả Nho lẫn Thích trong nước ta cùng suy cả!



8. Luận về đạo thầy trò


* Những mối quan hệ lớn (ngũ luân) trong đời người tính ra chỉ có năm, tức là vua - tôi, cha - con, anh - em, vợ - chồng, bạn bè. Cha sanh, thầy dạy, vua nuôi, ba mối quan hệ này tương đương nhau, sao trong Ngũ Luân chẳng kể đến thầy; chẳng biết rằng thầy có đức tánh giáo huấn ta thành người nên thầy cũng như cha. Kế đến, có công khuyên dụ, khen thưởng, khuyến khích để ta được thành tài nên thầy cũng như anh. Vì thế, Mạnh Tử nói: “Thầy là cha anh”. Tiếp đó, thầy khiến ta mở mang, đôi bên cùng được lợi ích như hai vầng trăng chiếu lẫn nhau, hai tay vịn vào nhau nên thầy cũng như bạn (Trong chữ Bằng Hữu, Bằng gồm hai chữ Nguyệt ghép lại; chữ Hữu giống như hai tay vịn vào nhau). Bởi thế nhà Phật hay nói: “Tầm sư phỏng hữu” (tìm thầy kiếm bạn).



9. Luận về Giới Luật


* Pháp môn dù nhiều, nhưng tất cả gồm trọn chẳng sót trong ba môn Giới - Định - Huệ. Vì thế kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhiếp tâm là Giới, do Giới sanh Định, do Định phát Huệ. Do vậy gọi là Tam Vô Lậu Học”. Nhưng trong ba môn này, chỉ có Giới là trọng yếu nhất. Bởi lẽ, trì giới chính là chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện. Hạnh ấy gần với Phật, tâm ấy chẳng đến nỗi trái nghịch với Phật.

Vì thế, trong kinh Phạm Võng, đức Như Lai vì chúng sanh nói lời bảo chứng rằng: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật chưa thành. Nếu tin được như vậy thì giới phẩm đã đầy đủ”. Ngài còn nói: “Chúng sanh nhận lãnh giới của Phật là nhập vào địa vị Phật; địa vị đã giống như Đại Giác rồi, thật sự là các con của Phật”. Vì vậy, một pháp Trì Giới chính là đạo trọng yếu đệ nhất để siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử vậy.



* Chữ Luật chẳng chỉ riêng những hành vi thô phù mà thôi; nếu chẳng chú trọng lòng kính, giữ gìn lòng thành thì vẫn là phạm luật. Nhân quả là cốt tủy của Luật. Ai chẳng biết nhân quả và khinh mạn nhân quả đều là phạm luật. Người niệm Phật khởi tâm động niệm thường phù hợp với Phật thì Luật, Giáo, Thiền, Tịnh đều cùng thực hành cả.



10. Luận về kinh điển


* Nếu ai thiên tư thông minh, mẫn tiệp thì nghiên cứu tánh tướng các tông chẳng trở ngại gì, nhưng phải lấy pháp môn Tịnh Độ làm chỗ nương tựa, quay về, mới khỏi đến nỗi có nhân không quả, khỏi lâm vào cảnh biến diệu pháp liễu sanh thoát tử thành lời lẽ bàn suông cửa miệng, không cách gì được lợi ích thật sự! Phải nên chú trọng lòng kính, gìn giữ lòng thành, xem kinh tượng như đức Phật sống, chẳng dám khinh nhờn chút nào, mới hòng do lòng thành của chính mình lớn nhỏ thế nào mà sẽ đạt được các lợi ích sâu hay cạn.

Những người căn cơ chậm lụt, chỉ nên chuyên nghiên cứu pháp môn Tịnh Độ, nếu thật sự tin đến nơi, giữ thật vững, sẽ quyết định liễu sanh thoát tử ngay trong đời này, siêu phàm nhập thánh, so với những kẻ thông hiểu kinh luận sâu xa nhưng chẳng thực hành pháp môn Tịnh Độ kia, sự lợi hại khác xa hệt như trời với đất vậy!

Đối với những kẻ vừa nói trên, chẳng cần biết tư cách như thế nào, trước hết cứ cho dùng liều thuốc một vị này thì bất luận là tà chấp, kiến giải lầm lạc, ngã mạn, phóng túng đến đâu, đề cao thánh cảnh nhưng tự mình đành ở địa vị kém cỏi... đều do thuốc A Già Đà một vị trị chung vạn bệnh này, không một ai là chẳng dứt khoát lành bệnh cả!



* Phật pháp uyên thâm, kẻ đại thông minh dù tận hết tâm lực bình sanh vẫn còn có chỗ chưa thể nghiên cứu tường tận được. Nhưng Phật pháp tùy cơ lập giáo; nếu muốn hưởng lợi ích thật sự thì hãy nghiên cứu, tu trì pháp môn đặc biệt, siêu việt, lạ lùng là Tịnh Độ; đây thật sự là con đường trọng yếu tốn ít tâm lực vậy.



* Việc giảo đính kinh điển chẳng phải là chuyện dễ dàng, chỉ sợ thầy chẳng rảnh rỗi đến thế. Nếu ủy nhiệm người khác làm, kẻ đó phải là người kiến thức lỗi lạc, thập phần tỉ mỉ, xét suy kỹ càng đôi ba lượt, tra cứu kỹ lưỡng mới có thể đính chánh những chỗ chép lầm, trừ sạch những điểm dở tệ khiến thiên chân được tỏ bày triệt để. Nếu không, sao chẳng cứ theo đúng dạng vẽ hồ lô (16) may ra chẳng đánh mất sự chân xác sẵn có!



* Một bộ kinh Hoa Nghiêm là vua của Tam Tạng, phẩm cuối cùng quy kết, đặt nặng nguyện vương. Nên tôn trọng kinh Hoa Nghiêm, nhưng chớ xem thường các kinh khác vì các kinh Đại Thừa đều lấy Thật Tướng làm bản thể.

Hoa Nghiêm vĩ đại vì là đại pháp xứng tánh cực đàm vượt ngoài các giới, chẳng thâu nhiếp các pháp Nhị Thừa. Điểm huyền diệu của kinh Pháp Hoa là “hội tam quy nhất” (gộp ba thừa về một thừa), “khai Quyền hiển Thật, khai Tích hiển Bổn”. Tông Thiên Thai cho rằng: “Pháp Hoa thuần viên độc diệu (17), Hoa Nghiêm vẫn còn nói kèm Quyền pháp” (chữ Quyền pháp chỉ các địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác).

Nhưng trong hội Pháp Hoa, Phật khen ngợi Pháp Hoa là vua của các kinh, trong hội Hoa Nghiêm Phật cũng khen như thế. Lẽ nào kẻ hoằng kinh đời sau cứ nhất định phải căn cứ vào năm bộ lớn (18) để phân định kinh này cao, kinh kia thấp, chẳng chấp nhận kinh nào cũng có những điểm riêng đáng khen ngợi hay sao? Kẻ tu Thiền ca tụng Thiền, người tu Tịnh Độ tán dương Tịnh Độ; nếu không sẽ chẳng thể khiến người khác sanh chánh tín, khiến người khác kính ngưỡng.

Chỉ nên khéo hiểu ý nghĩa mỗi kinh, đừng vướng vào từ ngữ mà lạc mất ý nghĩa. Mạnh Tử xưng tụng Khổng Tử là bậc thánh chưa từng có trong loài người. Khổng Tử thấy vua Nghiêu trong canh, thấy vua Thuấn nơi tường, thấy Châu Công trong mộng. Lòng mong mỏi, hâm mộ ba vị thánh của Ngài sao mà chí thành đến mức cùng cực như thế ấy!



* Tổ Thiện Đạo dạy người nhất tâm trì danh, đừng tu tạp nghiệp là vì sợ kẻ trung căn, hạ căn do tạp nghiệp tâm sẽ khó quy nhất, cho nên Ngài dạy chuyên tu. Tổ Vĩnh Minh dạy người “muôn điều thiện cùng tu” và “hồi hướng Tịnh Độ” là vì sợ hành nhân thượng căn thiên chấp, đến nỗi phước huệ chẳng thể xứng tánh viên mãn, cho nên ngài dạy “viên tu” (tu trọn khắp).



* Kinh rách nát chẳng thể tu bổ được nữa nếu đốt đi cũng không có lỗi gì. Nhưng nếu thấy còn có thể tu bổ được thì đừng nên đốt đi. Nếu chẳng biết lẽ biến thông, cứ một mực chẳng dám thiêu, thì kinh ấy rốt cuộc chẳng thể xem được, cũng chẳng thể cất giữ như kinh còn tốt, lại trở thành khinh nhờn. Cái lỗi khinh nhờn ấy gây hại cho người lắm, há chẳng nên biết đến lẽ quyền biến hay sao?



* Trong các thứ thuốc đối chứng trị bệnh cho người hiện tại, nhân quả là vị thuốc bậc nhất, pháp Tịnh Độ là pháp nên tu bậc nhất. Bất luận căn tánh nào, chẳng thể không trước tiên tìm tòi học hỏi pháp nhân quả, pháp Tịnh Độ.

Còn về giáo tướng, phải chọn lựa người mà giảng giải, bởi những người học ai nấy đều có những điều phải học riêng, Phật học chỉ là học kèm theo mà thôi. Nếu là kẻ căn cơ nông cạn, ắt sẽ chuyên chú vào Giáo tướng, quăng Tịnh Độ ra sau ót, đến nỗi rốt cuộc thành hữu nhân vô quả, cho nên chớ giảng dạy chẳng xứng với căn cơ.

Nay trong số những người tôn sùng Tướng tông cũng có tệ nạn ấy. Người đề xướng [học Tướng tông] chẳng thật sự vì liễu sanh thoát tử, mà chỉ nhằm thông hiểu pháp tướng để có thể giảng nói mà thôi. Nếu như những kẻ đó hiểu “dùng tự lực để liễu sanh tử’ là chuyện khó, ắt sẽ chẳng chuyên chú vào việc đó (tức là chỉ lo học cho hiểu Tướng tông) rồi bỏ qua pháp Tịnh Độ không thèm hỏi tới, hoặc còn chê bai là pháp nông cạn nữa. Những kẻ ấy đều thuộc loại ham cao chuộng trội, nhưng chẳng biết thế nào là cao trội cả. Nếu thật sự biết, dù có bị giết cũng chẳng chịu bỏ qua pháp môn Tịnh Độ, cứ cực lực tu hành. Học đạo thật là khó lắm vậy!



* Chúng sanh căn khí bất nhất; Như Lai từ bi vô lượng. Nếu ai thật sự chân thật, chí thành, cung kính niệm Phật thì đến lúc lâm chung, tự sẽ có những chuyện chẳng mong mỏi mà tự nhiên đạt được. Những lời lẽ của ngài Tử Bách, ngài Hám Sơn rất là thân thiết, nhưng hai vị đều là bậc tri thức trong Tông môn, nếu [đem những lời đó] nói với những người thật sự có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha thì sẽ có ích. Nhưng nếu nói với người chỉ có chút thiện căn, chưa thể chuyên tu thì họ sẽ nghĩ chuyện sanh Tây vượt quá khả năng của họ; từ đó họ sẽ đánh trống lùi. Thuyết pháp chẳng phù hợp căn cơ sẽ thành lời nói suông, đúng là như vậy đó.



* Pháp môn Niệm Phật lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm tông, lấy Bồ Đề tâm làm căn bản, lấy “tâm này làm Phật, tâm này là Phật” làm thật nghĩa “nhân thấu biển quả, quả tột nguồn nhân”, lấy “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” làm công phu tối thiết yếu để hạ thủ. Lấy đó mà hành, và nếu tứ hoằng thệ nguyện lại chẳng lìa tâm, thì tâm sẽ hợp với Phật, tâm hợp với đạo, ngay trong đời này dự vào dòng thánh, lâm chung lên ngay thượng phẩm, chẳng uổng cái đời này vậy!