ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC

15. Luận về cảnh giới


* Người niệm Phật lâm chung được Phật tiếp dẫn; đấy là chúng sanh và Phật cảm ứng đạo giao, dù chẳng lìa khỏi tâm nghĩ tưởng nhưng chẳng thể nói là [cảnh giới ấy] chỉ do mỗi mình tâm tưởng hiện, tuyệt đối chẳng có chuyện Phật, Thánh nào đến nghênh tiếp cả! Tâm tạo địa ngục thì lâm chung tướng địa ngục hiện. Tâm tạo Phật quốc thì lâm chung tướng Phật quốc hiện.

Nói “tướng tùy tâm hiện” thì được, nhưng nói “chỉ có tâm không có cảnh” thì chẳng được. Nếu bậc đại giác Thế Tôn nói “chỉ có tâm không có cảnh” thì chẳng có lỗi gì, chứ nếu các hạ nói như vậy ắt sẽ rớt vào tri kiến đoạn diệt, ắt thành tà thuyết phá hoại pháp môn tu chứng của đức Như Lai; chẳng thể không dè dặt được. Nếu nói tỉ mỉ mỗi điều, ắt phí bút mực. Biết một ắt sẽ suy được cả ba, không còn sót nghĩa nào.



* Phải biết rằng hiện tại không có pháp nhất định. Do cái thấy của mỗi người khác nhau nên hãy tạm gác những cảnh giới của Phật, Bồ Tát lại đó, chỉ dùng những cảnh phàm tiểu để giảng rõ. Ông Tử Tấn là con vua Châu Linh Vương, học đạo tiên bảy ngày, khi xuất hiện ở Hầu Sơn thì đã qua đời Tấn. Vì thế mới có thơ rằng:

Vương tử khứ cầu tiên,

Đan thành nhập cửu thiên,

Động trung phương thất nhật,

Thế thượng kỳ thiên niên.

(Vương tử học đạo tiên,

Thành đạo dạo cửu thiên,

Trong động chỉ bảy bữa,

Trần gian gần nghìn niên)

(Chữ “kỷ” phải đọc giọng bằng, có nghĩa là “gần”. Từ đời Châu Linh Vương đến nhà Tấn, thời gian dài gần một ngàn năm)

Lại như ông Lã Thuần Dương gặp Chung Ly Quyền trong quán trọ ở Hàm Đan, ông Chung khuyên họ Lã học đạo Tiên, họ Lã muốn được phú quý rồi mới học. Chung trao cho Lã một cái gối bảo hãy ngủ một giấc. Họ Lã mộng thấy mình làm quan từ chức nhỏ đến chức lớn, rồi làm đến Tể Tướng. Năm mươi năm phú quý vinh hoa, thật ít có trong đời. Con cháu đầy nhà, thường sung sướng không tai ương gì. Sau vì một chuyện chẳng hợp ý bề trên bèn tự thoái quan. Lúc tỉnh giấc ra, chủ quán trọ còn đang nấu nồi cháo kê vàng!

Trong mộng thấy ra vào làm tể tướng, bao nhiêu là chuyện lớn, thời gian lâu cả năm mươi năm, tỉnh giấc, nồi cháo kê vàng vẫn chưa nhừ. Đấy chẳng qua là cảnh do tiên nhân biến hiện, mà còn có thể trong một niệm biến hiện những sự nghiệp, cảnh giới của cả năm mươi năm; huống hồ là cảnh giới của Phật là vị trời trong trời, là thánh của các thánh, của các vị đại Bồ Tát đã chứng Pháp Thân? Vì thế, ngài Thiện Tài vào trong lầu gác của đức Di Lặc, vào trong một lỗ chân lông của đức Phổ Hiền, đều ở trong mười phương thế giới hành lục độ vạn hạnh trải Phật sát vi trần số kiếp. Xem đoạn văn ấy, ông còn có thể suy lường được chăng?

Phải biết rằng ba đời không thật thể, còn là phận phàm phu thì chỉ thấy được cảnh giới của phàm phu, chẳng được vin vào cảnh giới phàm phu thấy được đó mà bảo cảnh giới của Phật, Bồ Tát cũng giống như thế, chẳng có gì khác! Nay tôi dùng ví dụ để giảng rõ: Như gương soi tỏ mấy mươi tầng núi sông, lầu gác, thật chẳng có gần xa, nhưng gần xa rành rành! Sắc pháp thế gian còn như thế, huống là bậc đã chứng tâm pháp duy tâm tự tánh ư? Bởi thế mới nói: “Ư nhất hào đoan, hiện bảo vương sát, tọa vi trần lý, chuyển đại pháp luân” (trên đầu sợi lông, hiện cõi bảo vương, ngồi trong vi trần chuyển đại pháp luân).

Mười đời xưa nay, trước sau chẳng lìa đương niệm, vô biên cõi nước chẳng xa cách [một khoảng nhỏ bằng] đầu sợi lông! Phàm những gì thuộc về cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn thì hãy nên ngửa tin lời Phật, đừng suy lường xằng. Nếu như khẩn thiết đến cùng cực, sẽ tự hiểu rõ hết, cũng chẳng cần phải hỏi ai khác cả. Nếu chẳng khẩn thiết, chí thành, dù ra sức lễ bái, trì tụng, nhưng cứ suốt ngày đem những cảnh giới mà phàm phu chẳng thể suy lường được để cuồng vọng suy lường thì có khác gì đi theo vết xe đổ của huyễn nhân pháp sư, dù có muốn chẳng vướng lấy tội báo báng Phật, báng Pháp, báng Tăng cũng chẳng thể được!



* Biết lệnh nghiêm (20) có rất nhiều điều linh cảm, tôi khôn ngăn bội phục. Như ước về lúc thọ pháp, nếu Đại Sĩ cùng thiên long bát bộ cùng hiện thì Mật Tông vẫn có cấm giới chẳng cho tuyên truyền diệu cảnh. Đấy phải chăng là vì lòng sùng phụng trong sạch, bền chắc mà ngài thuận lòng thị hiện chăng? Nếu hiểu như vậy, nhất định [người được thấy diệu cảnh đó] phải có sở chứng. Nếu [người ấy] không có sở chứng, nhất định thánh chẳng tùy tiện ứng hiện xuông!

Còn như việc “thấy ứng thân” như luận Khởi Tín đã nói thì đó là tình cảnh người niệm Phật lúc lâm chung, vì chưa phá được vô minh nên ứng thân, báo thân, pháp thân [người ấy] được thấy đó đều chẳng phải là do thiện căn của người ấy mà được thấy. Bồ Tát ứng hiện ở Phạm Âm động tại Phổ Đà cũng là phương tiện quyền biến để tăng trưởng tín tâm cho chúng sanh, tuy người người được thấy nhưng chẳng thể lấy đó làm chứng cứ. Nếu cứ vin vào đó, ắt sẽ khiến hết thảy mọi người đều dựa dẫm vào đó mà đồn thổi. Người xưa được thấy Bồ Tát Văn Thù ở Ngũ Đài rất nhiều, nhưng đều là những vị có đại nhân duyên hoặc là công phu tu tập sâu dày, hễ ai gặp Ngài đều có điểm chứng ngộ giải nhập.

Năm Quang Tự thứ mười hai, Quang tôi triều bái Ngũ Đài, trước hết ngụ tại xưởng chế tạo lưu ly ở Bắc Kinh, tìm tác phẩm Thanh Lương Sơn Chí khắp nơi nhưng chỉ tìm được một bộ, thường xem hằng ngày. Do trời lạnh, đến tháng Ba mới đến được núi. Ở trên núi hơn bốn mươi ngày, thấy những người lên núi triều bái, đa số nói được thấy Bồ Tát Văn Thù, nhưng người thật sự hành trì rất ít. Thế mới biết là những người lên núi triều bái nói được thấy Bồ Tát đều chỉ nói dựa theo những tích chuyện của cổ nhân để khoe khoang đó thôi. Nếu ai thật sự được thấy ắt sẽ giấu kín. Vàng thau khác biệt! Nếu không, ngài Văn Thù chẳng tự trọng, khinh thị hiện thân, còn ra thế nào nữa?

“Lý tức Phật” hết thảy chúng sanh đều có, chứ chẳng phải chỉ riêng người nghịch trần hiệp giác. Nếu là hạng nghịch trần hiệp giác thì đã thuộc về “danh tự tức Phật”. Ông X. nọ [khoe] khi nhập định giống hệt như Tỳ Lô Giá Na, khi xuất định lại vẫn là phàm phu, nhưng chẳng biết hổ thẹn, còn lớn tiếng khinh người. Nếu thật sự giống hệt như Tỳ Lô Giá Na, quyết chẳng đến nỗi vẫn là phàm phu! Ông ta toan dùng Mật tông để lòe người, chẳng biết rằng Quang tôi dù chẳng biết Mật tông đi nữa, lẽ nào chẳng biết đúng sai, dễ hồ lung lạc được ư?



16. Luận về thần thông


* Đạo Tế thiền sư là bậc thánh nhân đại thần thông. Ngài muốn khiến cho hết thảy mọi người sanh tín tâm nên thường hiển hiện những sự chẳng thể nghĩ bàn. Ngài ăn thịt uống rượu để giấu kín cái đức của bậc thánh nhân, là vì muốn cho những kẻ ngu tưởng ngài là kẻ điên rồ, không pháp tắc; nhân đó, chẳng tin tưởng ngài. Nếu không làm thế, ngài sẽ chẳng thể trụ trong thế gian.

Phật, Bồ Tát hiện thân, nếu thị hiện giống như phàm phu thì các ngài chỉ dùng đạo đức để giáo hóa người, tuyệt đối chẳng hiển hiện thần thông. Nếu hiển hiện thần thông sẽ chẳng trụ trong thế gian được; còn nếu hiện làm kẻ điên rồ, dù có hiển thị thần thông cũng chẳng trở ngại gì. Chớ bảo người tu hành ai nấy đều nên uống rượu, ăn thịt! Người lành thế gian còn chẳng uống rượu, ăn thịt, huống hồ là đệ tử Phật! Muốn giáo hóa chúng sanh mà chính mình chẳng y giáo phụng hành thì chẳng những làm cho người khác chẳng tin, mà còn khiến họ thoái thất tín tâm nữa. Vì thế chẳng được học đòi uống rượu, ăn thịt.

Ngài (Đạo Tế) ăn những con vật chết, ói ra những con vật sống. Ông ăn con vật chết vào, còn chưa ói ra thịt còn nguyên hình dạng được nổi, làm sao học đòi ngài ăn thịt cho được? Ngài uống rượu vào bèn nhả ra vàng để thếp tượng Phật, khiến cho vô số cây gỗ lớn từ trong giếng trồi lên. Ông uống rượu vào, muốn cho nước từ dưới giếng trào lên còn không được, làm sao học đòi ngài [uống rượu] cho được?

Truyện về Tế Công có đến mấy loại, nhưng chuyện Túy Bồ Đề hay nhất. Gần đây có đến tám bản khác nhau lưu thông, đa phần là những bản do người đời sau thêm thắt vào. Chuyện Túy Bồ Đề cả văn lẫn nghĩa đều hay, những chuyện được kể trong ấy đều là những sự thực khi ấy. Thế nhân chẳng biết nguyên do, không bắt chước bừa theo thì cũng hủy báng xằng bậy. Học bừa theo đó sẽ quyết định phải đọa địa ngục. Hủy báng xằng bậy tức là dùng tri kiến phàm phu để suy lường thần thông của thánh nhân, cũng mắc lỗi, nhưng so với kẻ học bừa theo, tội còn nhẹ nhiều hơn lắm. Thấy những điều chẳng thể nghĩ bàn của ngài phải nên sanh lòng kính tin, thấy ngài uống rượu, ăn thịt, chẳng chịu bắt chước làm theo thì sẽ được lợi ích, chẳng bị tổn hại vậy.



* Người có thể hoằng đạo, chứ đạo chẳng thể hoằng người. Thế gian loạn lạc là do ác nghiệp của đồng phận chúng sanh cảm thành, các thuyết tà vạy cũng thế (cũng do cùng nguyên do ấy). Phong tục thế gian biến đổi, lúc thoạt đầu đều là do một hai kẻ phát khởi. Yên bình, loạn lạc, tà, chánh không gì đều chẳng như thế cả; sao chẳng xét đến sức người để chuyển biến, lại cứ quy vào sức thần thông của Phật, Bồ Tát để hòng chuyển biến vậy? Chẳng phải là Phật, Bồ Tát chẳng thể hiển thị thần thông biến hiện, khổ nỗi chúng sanh nghiệp nặng, nên [dù có biến hiện] cũng vẫn như không.

Ví như mây dầy, sương đậm, mờ mịt chẳng thấy được mặt trời giữa ban ngày, bèn bảo là chẳng có mặt trời ư? Con người cùng trời, đất gọi là Tam Tài; Tăng và Phật, Pháp gọi là Tam Bảo. Gọi như vậy là do căn cứ vào ý nghĩa hỗ trợ, tán dương công sanh trưởng [của trời đất], hoằng dương đạo pháp mà đặt tên. Ông cứ muốn bỏ nhân lực, bám vào sức của Phật, Bồ Tát, trời đất, có còn đáng bảo là biết đạo chăng?

Đời đại loạn, đại bi Bồ Tát thị hiện cứu hộ cũng chỉ cứu được kẻ hữu duyên; vì loạn lạc chính là đồng nghiệp, còn túc nhân, hiện duyên (duyên hiện tại) là biệt nghiệp. Có biệt nghiệp cảm được Bồ Tát thì sẽ được Bồ Tát gia bị, cứu hộ, há nên ngông nghênh bàn bạc ư? Những việc phương tiện thuận nghịch cứu hộ chúng sanh của Bồ Tát chẳng phải là chuyện kẻ hiểu biết lầm lạc, hẹp hòi có thể thấu hiểu được đâu!

Nay tôi vì ông nói một thí dụ để từ đó mà suy rồi đừng nói Bồ Tát thật là oan gia, cũng như để tạo thành nền tảng tốt đẹp hòng nhập đạo thành Phật. Chư Phật lấy tám khổ làm thầy để thành đạo Vô Thượng. Như vậy, Khổ là cái gốc để thành Phật. Thêm nữa, Phật dạy đệ tử lúc ban đầu phải tu Bất Tịnh Quán. Quán lâu ngày ắt có thể đoạn Hoặc, chứng Chân, thành A La Hán. Như vậy Bất Tịnh lại là cội gốc của Thanh Tịnh.

Người ở Bắc Câu Lô Châu hoàn toàn chẳng khổ, nên chẳng thể nhập đạo. Châu Nam Diêm Phù Đề sự khổ rất nhiều nên người nhập Phật đạo để liễu sanh tử không thể tính nổi số. Giả sử thế gian tuyệt chẳng có các khổ: sanh, lão, bệnh, tử, đao binh, thủy, hỏa v.v... thì ai nấy đều sống say chết ngủ trong lạc thú phóng dật, có ai chịu phát tâm xuất thế để liễu sanh tử đâu? Ngay cả kẻ thống lãnh quân mạnh, giữ địa vị cao, gây bao việc khổ não chúng sanh biết đâu là bậc đại bi thị hiện đó chăng? Nghĩa này chỉ có thể nói cùng người thông suốt, đừng nói với kẻ vô tri, vô thức. Nếu là người thông suốt, dù thật sự là ác ma, cũng có thể được lợi ích; còn người vô tri vô thức nếu biết đến nghĩa này ắt sẽ chẳng biết phát tâm tu hành, trái lại còn hủy báng Phật pháp.

Ví như dùng thuốc, trẻ nhỏ chẳng thể uống thuốc, bèn bôi thuốc lên vú thì nó dù không uống cũng thành uống. Ông toan làm bậc thông suốt, nhưng triển khai rộng lớn nghĩa này thì hại người rất nhiều, lợi người rất ít. Xin hãy thầm tâm niệm, đừng bàn nói ẩu. Cảnh giới của Phật, Bồ Tát, phàm phu chẳng thể suy lường được đâu!



17. Luận về bí truyền


* Nay các ngoại đạo, không đạo nào chẳng dùng cách bí truyền để dẫn dụ, khêu gợi kẻ vô tri theo đạo họ. Lúc nguyện gia nhập, ắt phải phát thệ: Từ rày về sau, nếu phản lại đạo ắt sẽ mắc ác báo như thế này, như thế nọ. Thật sự ra, đa phần là những pháp dối người. Do trót phát thệ, dù có biết những sai trái trong đạo cũng chẳng dám trái nghịch hoặc phơi bày ra. Cách phát thệ bí truyền của ngoại đạo ràng buộc, làm con người lầm lạc quá đáng vậy.

Đức Phật ta chẳng có pháp bí truyền; đối với một người Ngài cũng nói thế, với vạn người Phật cũng dạy như thế. Cửa đóng, then cài, bên ngoài đặt người tuần hành canh gác, chỉ cho một người vào, thì thầm chẳng cho người ngoài nghe được, những đạo như thế chẳng có chuyện quang minh, chánh đại gì đâu! Mong các vị hiểu được tệ nạn ấy nên tôi mới lược thuật vậy!



* Nếu có bí quyết mầu nhiệm chỉ khẩu truyền ở chỗ kín đáo thì chính là tà ma ngoại đạo, chẳng phải là Phật pháp.



18. Luận về cầu cơ:


* Những lời giáng cơ trong đàn cầu cơ đa phần là do những linh hồn dựa dẫm vào tri thức của người xoay cơ mà nói ra. Nếu nói về đạo lý thế gian còn đúng được nhiều, chứ nói đến Phật pháp thì do chính mình chẳng biết, bèn bịa ra các lời nhảm nhí.


* Cầu cơ đa phần là các linh hồn giả mạo Phật, tiên, thần, thánh. Những hồn kém cỏi chẳng có sức thần thông, những hồn khá hơn sẽ biết được tâm người nên dựa dẫm vào sự thông minh và tri thức của người [phò cơ] để nói này nói nọ.

Ông Kỷ Văn Đạt nói: “Cầu cơ đa phần là linh hồn giả danh giáng cơ. Tôi cùng người anh tên là Thản Nhiên cùng phò cơ. Tôi biết làm thơ, nhưng chữ viết không ra gì. Tôi phò cơ thì thi từ mẫn tiệp, nhưng chữ viết nguệch ngoạc, xiên xẹo. Thản Nhiên phò cơ thì thi từ tầm thường, chữ viết sắc sảo. Với những hồn giả mạo cổ nhân, nếu chú tâm hỏi vào những điểm bí nhiệm, quan yếu, bèn nại cớ năm tháng cách xa, chẳng còn nhớ gì nữa, nên biết hồn ấy chẳng phải thật”.

Như vậy, cái linh ứng của những hồn ấy chỉ là chúng có thể dựa vào những điều đã biết trong tâm của người hiện tại để mượn dùng. Với những điều tuy có trong thức điền, nhưng trong cái thấy biết hiện tại của đương nhân không có, hoặc người ấy chẳng biết đến nghĩa đó thì hồn chẳng thể dạy gì về điều ấy được. Sánh với tha tâm thông của bậc nghiệp tận tình không khác nhau một trời, một vực, nhưng xét về khí phần thì có vẻ tương tự mà thôi. Tôi lại chỉ sợ quý vị bị mê hoặc bởi những lời giáng cơ, nên chẳng thể không dẫn chứng để phân trần vậy.



* Gần đây, các đàn cơ ở Thượng Hải rất thịnh hành. Những lời khai thị sửa lỗi, hướng thiện, tiểu luân hồi, tiểu nhân quả [của các đàn cơ ấy] đều rất có ích đối với thế đạo nhân tâm, nhưng những lời giảng về cõi trời, về Phật pháp toàn là những lời lẽ quàng xiên. Chúng ta là đệ tử Phật chẳng thể bài xích pháp ấy vì sẽ mắc lỗi ngăn trở người khác hướng thiện, nhưng cũng chẳng thể phụ họa, tán dương pháp ấy bởi những lời giáng cơ về Phật pháp toàn là ức đoán, chỉ e gây thành cái họa hoại loạn Phật pháp, lầm lạc chúng sanh.