Làng “đoản thọ” và chất kịch độc bí truyền
04/11/2009 0644
- Có một ngôi làng mà sau 30 năm được đặt cái tên đọc đến trẹo lưỡi: Pêtapoót. Người dân sống và sinh hoạt trong cảnh không điện, đường, trường, trạm, chưa từng được chạm chân đến phố thị phồn hoa hay nhìn thấy chiếc xe máy, ti vi, hay tiếng chuông điện thoại. Quanh năm, họ chỉ biết bám rẫy gieo lúa, tẻ kê, săn bắn, hái lượm sống qua ngày.

Tộc người không biết tuổi

Cổng làng Pêtapoót xã Đắc Ring, huyện Nam Giang (Quảng Nam) là hai vòng rào chắn ngang đường bằng loại tre lồ ô vót nhọn. Theo tục lệ, hình ảnh này nghĩa là ngăn thú dữ. Làng chỉ vẻn vẹn hơn 20 hộ dân, gần 50 khẩu, trong đó có gần 20 trẻ em.

Hình ảnh những đứa trẻ người Ve chân trần, bụng to chăn heo rừng bên bờ suối; người đàn ông môi dày, mắt trắng ngơ ngác nhìn người lạ đến làng; cô gái mũi cao, mắt xanh đen, răng trắng quấn quanh mình những bộ váy thêu hoa sặc sỡ, lôi cuốn những khách lạ đến đây.

Trung úy Coor Trung bảo: "Mấy chục năm qua, người dân của vùng đất này hiếm có ai sống đến tuổi 60. Cả làng, chưa người nào ra phố thị một lần, cũng không ai biết đến màn hình ti vi, chiếc xe máy, tiếng điện thoại reo... Có điều, họ rất mến khách...".


Các chiến sĩ đồn biên phòng 661 cùng ngựa vào làng Pêtapoót

Những năm 1980, các chiến sỹ biên phòng phát hiện ra nhóm người Ve ở Pêtapoót. Từ đó, làng được hình thành. Trước đây, người dân của làng định cư được hơn mười năm tại Pêtapoót, sau đó có một thời, cả làng lại kéo nhau trở lại rừng xanh thuộc huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Hôm ấy, già làng bảo dân làng phải đi vì phát hiện một con gà mái đẻ trứng dính máu, sau đó chuyện xảy ra ở nhiều nơi.

Theo tục lệ của người Ve, gà mái đẻ trứng dính máu thì phải giết gà ngay, nếu không tai họa sẽ ập đến với buôn làng. Giết xong, nếu phát hiện con gà hàng xóm vẫn còn trứng dính máu, lập tức chuyển làng đi nơi khác. Lên Ngọc Hồi được vài năm, thấy đất đai cằn cỗi, thú rừng thưa thớt không đủ để nuôi cái bụng, người Ve lại bàn nhau quay về làng.


Săn bắt thú rừng công việc chính của thanh niên trong làng

Người đàn ông có tên gọi Kring Vây giới thiệu: “Mình không biết năm nay mình bao nhiêu tuổi mà chỉ biết các chú bộ đội thường lui tới hướng dẫn cho trồng lúa nước; chú công an làm cho cái chứng minh nhân dân từ mùa rẫy năm ngoái. Mình biết cười, biết nói nhưng cái chữ thì không biết”. Kring Vây có bốn người con. Các con của ông được chính quyền địa phương cho về trung tâm xã đi học từ năm trước. Còn ông và vợ chỉ biết săn bắt hái lượm, lên nương trồng lúa, sống du canh du cư.

[IMG]ttp://bee.net.vn/dataimages/200911/original/images162399_petapoot_h4.jpg[/IMG]
Thịt thú rừng là món "khai vị" của người dân trong làng

Đói rách, mù thông tin về cuộc sống hiện đại là những khái niệm nói về sự tồn tại của người Ve ở làng Pêtapoót hàng chục năm qua. Trong số gần 20 trẻ em của làng có bốn đứa được đi học theo sự vận động của chính quyền. Mỗi lần trở về, chúng mang những chuyện “lạ” ở phố thị về kể cho người làng nghe, như chuyện cái ti vi có hình người biết nói, đồng tiền mua đi bán lại và chiếc xe chạy có tiếng nổ... Số còn lại, các cháu phải ra rẫy, ra suối bắt cá, đi chăn những bầy heo rừng.

Kịch độc làm đông máu trong vài giây

Người Ve ở Pêtapoót hầu hết uống nước lá đầu nguồn, săn con nai, con hoẵng. Có lẽ cuộc sống hoang dã đã dạy cho họ nghĩ ra cách dùng chất độc để săn thú dữ và giết quân thù.

Những người trong làng thường dùng chất độc Prua (lọai thuốc dùng đi săn thú) có thể làm máu người đông cứng chỉ vài giây. Điều cấm kỵ là chất độc này không được bất kỳ người dân bản địa nào được truyền cho người ngoài dòng tộc.


Đầu và xương thú được săn bắt được treo trên vách nhà.

Kring Phông Nhấp - thợ săn lừng lẫy nhất làng Pêtapoót nói: Cái làng này, tôi là người duy nhất có thể tìm thấy cây Prua và biết cách chế biến loại độc dược này. Prua không thấm qua thành ruột và đi vào máu nên vẫn có thể ăn sống nội tạng động vật vừa chết mà người vẫn khỏe bình thường.

Cũng theo những thợ săn tên tuổi trong làng thì cây Prua quanh năm cho nhựa độc bốn mùa. Độc tố tốt nhất là lấy vào mùa hè vì thân cây ráo nước, nhựa cho độc tố nhiều hơn. Tùy theo vùng, bản làng, người ta có thể sử dụng cách pha chế khác nhau. Có nơi người ta trộn thêm lá môn trên núi cao hoặc chất đất bùn, cây nước đắng để làm tăng nồng độ độc.


Từ nhỏ, trẻ em của làng đã bắt đầu được rèn luyện nghề đi săn thú rừng

Kể đến đây, Kring Hội, một thợ chế thuốc độc nói nhỏ: “Tôi chỉ cho thì cán bộ cũng không làm độc được đâu. Ngoài một vài người được truyền lại nghề, cách pha chế nhựa độc, chẳng ai biết được cây Prua hình thù ra sao mà tìm lấy nhựa”.

Uy tín nhất làng, Kring Thôi, 55 tuổi - trưởng thôn Pêtapoót khoe: Do săn bắn giỏi nên mình đang sở hữu hàng trăm xương đầu, nanh vuốt của hàng chục loài thú rừng khác nhau trên vách nhà. Theo Kring Thôi, người Ve xem xương thú như chiến tích và là biểu tượng của sức mạnh, sự kiêu hãnh cho con cháu. Đàn ông người Ve chỉ việc săn bắt thú rừng, đi vát gỗ, lấy rượu tà - vạt, còn lại do tay người phụ nữ đảm nhiệm.

Làng không có tên trong bản đồ

Theo cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng 661, huyện Nam Giang, mọi thế hệ người ở làng Pêtapoót đều có gốc từ Ngọc Hồi, Kon Tum. Năm 1998, tỉnh Kon Tum đã ngồi lại với chính quyền tỉnh Quảng Nam để di dân số người này về lại Ngọc Hồi, nhưng cứ trở về được một thời gian thì họ lại quay trở về làng.


Làng Pêtapoót với những căn nhà sàn lợp bằng ống tre lồ ô vẫn chưa có tên trên bản đồ hành chính của tỉnh Quảng Nam.

Mấy năm trước, cũng nghe chính quyền và các đơn vị chức năng sẽ nhập làng vào bản đồ hành chính, xong đến nay, làng Pêtapoót vẫn chưa có trong bản đồ.

Lê Thanh