PHẬN BUỒN CỦA MỘT LÃO NÔNG… VIẾT SỬ (tác phẩm đoạt giải nhì cuộc thi viết Khoa học và cuộc sống do Báo KH&ĐS tổ chức)

Phóng sự của PHẠM NGỌC DƯƠNG


Ngày xưa, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã say sưa với cuốn sách Thần tích Việt Nam, nói về sự tích những nhân vật lịch sử, thành hoàng làng. Tuy nhiên, ngày đó tôi không biết tác giả của cuốn sách đó là ai. Sau này, khi một số tờ báo, tạp chí đăng tải về một “nhà khoa học nông dân” và có nhắc đến cuốn Thần tích Việt Nam tôi mới biết ông là Lê Xuân Quang, một lão nông già, quê ở thôn Đồng Côi (Nam Giang, Nam Trực, Nam Định). Từ lúc gặp ông đến khi cầm bút, tôi vẫn không dám chắc ông có bị hâm, hấp, chập như nhiều người hàng xóm, thậm chí cả con cháu, các nhà khoa học chân chính đã gán cho ông hay không? Chỉ có một điều tôi nhận thấy rõ nhất rằng ông là một con người kỳ lạ, ông sống hết mình vì khoa học và quên cả danh dự, cơm áo để tìm lại sự thật cho những gì mà một số người đã xuyên tạc trong sử sách.

KỲ I: NGƯỜI NÔNG DÂN LÀM SỬ TRÊN CHIẾC XE ĐẠP

Căn phòng tầng hai của ngôi nhà cũ kỹ, độ 8m2 là nơi “giáo sư nông dân” Lê Xuân Quang, đã 82 tuổi, sống và làm việc. Chỉ có một lối đi nhỏ dẫn vào chiếc giường cũ nát, ọp ẹp. Khắp nhà toàn là sách vở nũ nát, từng đống câu đối, sắc phong, văn tự cổ xếp chồng lên nhau. Bên cửa sổ là tủ sách cũ mọt, có kính đàng hoàng. Bên trong kê 10 cuốn sách đã xuất bản và 20 cuốn bản thảo do chính chủ nhân viết… Bốn bức tường treo kín giấy khen, bằng khen của đủ các ban ngành chức năng. “Nhà khoa học nông dân” với cặp kính “đít chai” trễ nải, ngồi thu lu ở góc giường, dùng chiếc hòm vênh váo, méo mó để viết viết, chép chép. Tôi cảm nhận ông đang dồn hơi thở cuối cùng cho cuốn sách có cái tên “Dọn vườn Văn Sử Địa”. Tập bản thảo này là những lý luận sắc bén, dựa trên cơ sở khoa học là những chứng cứ lịch sử, khảo cổ để chỉ ra những điểm sai sót trong sách sử, thậm chí ông còn chỉ ra vài lỗi khá nghiêm trọng trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt Nam sử lược”…
Biết tôi là phóng viên, ông vui lắm, ông cứ nói liên hồi, dường như ông là con người thèm nói, thèm tranh luận, mà xung quanh ông chẳng mấy ai có thể kiên trì nghe được những điều ông nói, bởi nó quá xa lạ, nhàm chán và khó hiểu đối với họ. Ông nói những lời như dốc hết từ gan ruột, tâm can, như sợ mình sắp phải rời khỏi thế gian và phải mang đi những điều mà thế gian chưa được biết đến. Ông nói nhiều về lịch sử và mỗi lần bàn đến những nhân vật lịch sử bị hàm oan, mắt ông lại rân rấn nơi vết chân chim dẫm ngược. Hàm răng giả như cứ chực chuồi ra khỏi vòm miệng tóp teo.
Ông Lê Xuân Quang sinh ra trong một gia đình nho học. Người cha là thầy đồ của làng, cụ tổ bốn đời là cử nhân Lê Xuân Thành, người đứng đầu trong “Nam Chân tứ hổ”, nổi tiếng hay chữ thời vua Tự Đức. Hồi bé Quang thi đỗ sơ lược yếu học thì mẹ mất, nhà nghèo không có tiền theo học trường Pháp Việt, Quang ở nhà tự học chữ Hán do cha dạy. Khi tóc còn để 3 chỏm, người chú ở xóm Núi, xã Sơn Nga, Thanh Liêm, Hà Nam đưa về nuôi dưỡng và cho đi học ở xứ Kẻ Non. Mặc dù còn rất nhỏ, song cậu bé Quang đã đọc thông, viết thạo chữ Hán. Dựa vào văn bia, câu đối, gia phả, và các tài liệu bằng chữ Hán, Quang đã viết những mẩu chuyện về cuộc khởi nghĩa do Đinh Công Tráng lãnh đạo ở Nham Tràng. Thầy giáo bắt được mấy trang viết đã đánh ông một trận tơi bời rồi đuổi học, vì hồi đó chính quyền cấm kỵ học sinh học chữ Hán. Không được đi học, Quang trở về quê hương và làm thuê cho một lò rèn ở trong làng để sinh sống. Vốn là người say mê chữ Hán và vốn văn hoá cổ, nên ngày đi làm mệt nhoài, tối Quang vẫn chong đèn nghiên cứu chữ Hán qua các gia phả, câu đối và các cuốn truyện viết bằng chữ Hán. Năm 1947, Quang và hầu hết thợ rèn làng Vân Chàng tản cư vào huyện Kim Sơn. Những thợ rèn này hồi đó có nhiệm vụ rèn vũ khí cho quân đội, dân quân các xã trong huyện. Quân Pháp nhảy dù ở Phát Diệm, Quang lại cùng đám thợ rèn tản cư vào vùng Hà Trung, Thanh Hoá. Công việc hàng ngày của Quang khi ấy là cung cấp bánh kẹo cho các cửa hàng trên khắp địa bàn tỉnh. Đi về nhiều nơi, có điều kiện tìm hiểu, khám phá văn hoá, Quang đã thu thập được nhiều tư liệu và hoàn thành được tác phẩm mà mình nung nấu từ khi tóc còn để chỏm, đó là: “Từ căn cứ Nham Tràng đến chiến khu Ba Đình lịch sử”. Cuốn sách miêu tả tỉ mỉ về cuộc khởi nghĩa của lãnh tụ Đinh Công Tráng. Quang tách từng chi tiết ở trong sách gửi in ở các báo khác nhau và đã tạo nên một cuộc bút chiến hồi đó. Các nhà sử học và những người nghiên cứu về văn hóa đều ngỡ ngàng vì những phát hiện của một cậu thanh niên học hành chẳng đến đầu đến đũa.
Ở Hà Trung một thời gian thì Lê Xuân Quang chuyển vào Thọ Xuân cùng một người em ruột và làm nghề tái chế phụ tùng xe đạp. Trong quá trình đi đến các làng mạc thu mua phế liệu xe đạp, Quang thường rẽ vào các ngôi chùa, đền, đình, miếu để sưu tầm các dấu tích văn hoá thông qua các văn tự cổ ghi trên văn bia, câu đối, hoành phi, sách cổ… Quân Pháp oanh tạc phố huyện Thọ Xuân, Quang lại rời lên vùng biên giới, giáp Lào để làm nghề rèn tóp đuôi xe đạp. Suốt 10 năm ròng ky cóp, anh đã sắm cho mình được một chiếc xe đạp mang nhãn hiệu Delta Lux. Khi đó, ở cả Miền Bắc chỉ có chưa đầy chục chiếc xe mang nhãn hiệu này. Có năm mua được chiếc khung xe, có năm mua vành, rồi các bộ phận khác. Từ khi có chiếc xe đạp, anh đi được xa hơn, nhiều hơn. Tính đến nay, đã hơn nửa thế kỷ, song chiếc xe vẫn tốt bởi "giáo sư" Lê Xuân Quang luôn giữ gìn cẩn thận, coi nó như cuộc sống, tính mạng của mình. Cứ miệt mài với chiếc xe đạp, Quang đã đặt chân lên hầu hết các địa phương trong vùng Thanh Nghệ Tĩnh. Có lần Quang bỏ nhà biệt tăm cả tháng trời, mọi người nhốn nháo đi tìm kiếm. Khi anh trở về, râu tóc xồm xoàm, người tóp teo vì thiếu ăn, thiếu ngủ. Hóa ra Quang nằm lỳ ở cánh đồng Chum Xiêng Khoảng mãi bên Lào để nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở vùng đó. Từ lần ấy, hễ thấy Quang đi đâu lâu không về là ai cũng biết rằng anh lại vượt biên sang tận nước Lào, bất kể chiến tranh, loạn lạc. Với "giáo sư" Quang, cánh đồng Chum Xiêng Khoảng là một kho tư liệu bí ẩn mà chưa mấy ai dày công nghiên cứu khi đó.
Hoà bình lập lại, Lê Xuân Quang trở về quê hương. Mặc dù quê ông có nhiều nghề phụ, đặc biệt là nghề rèn, kiếm ăn rất khá, song ông chẳng chịu làm gì, và cho đến tuổi ngoại bát tuần, ông vẫn lêu lổng với chiếc xe Delta Lux tồng tộc đi hết tỉnh này, tỉnh nọ trong vùng đồng bằng sông Hồng để sưu tầm, nghiên cứu văn hoá, lịch sử.
Hầu hết lãnh đạo của các huyện, tỉnh thành vùng đồng bằng sông Hồng đều nhẵn mặt ông. Hầu hết những ngôi làng trên khắp miền đồng bằng đều đã in dấu chân ông. Hầu hết văn bia, câu đối trong các ngôi đình, chùa ở mấy chục tỉnh thành đều đã được ông dịch nghĩa, chỉnh sửa. Có một việc khiến người ta không hiểu, nghĩ rằng ông hâm nặng, đó là mỗi lần đi đến một vùng, miền nào đó để nghiên cứu, sưu tầm văn hoá, ông đều xin con dấu của chính quyền vào cuốn sổ mang theo. Ông chẳng phải biên chế ở cơ quan nào nên chẳng ai trả công tác phí cho ông cả. Với ông, mấy cuốn sổ ghi hành trình này chỉ đơn giản là kỷ niệm. Nhưng riêng tôi lại nghĩ rằng nó chứng thực cho một cuộc đời hiến dâng tất cả cho khoa học và cũng là chứng thực cho một sự thiệt thòi của một con người tâm huyết với khoa học nhưng bị xã hội lãng quên. Với gần 60 năm đạp xe rong ruổi khắp các tỉnh thành trong cả nước ông, không biết ông đã đi được bao nhiêu cây số. Chỉ tính từ năm1981 đến năm 2.000, ông đã sử dụng hết 5 cuốn sổ đầy ắp các con dấu của các cơ quan nơi ông đến. Trên cơ sở các con dấu, có thể tính được quãng đường mà 19 năm qua ông đã đi là 107.713km, trong đó đi ô tô, máy bay, tàu hoả (chủ yếu do các hội thảo khoa học mời đến thuyết trình và mua vé cho) chỉ là 11.778km, còn lại, 95.935km ông đi bằng xe đạp. Kỷ lục này có lẽ cần phải ghi vào Vietbooks!
Ông Lê Xuân Quang là một hội viên đặc biệt của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Mặc dù không có học hàm, học vị gì, song do có tài năng thiên bẩm về chữ Hán nên năm 1981, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, giáo sư Phạm Huy Thông đã cấp giấy giới thiệu cho ông Quang đi đến khắp nơi trên đất nước để nghiên cứu, sưu tầm văn hoá. Trung ương Hội coi ông như một “đặc phái viên” của ngành. Chính vì được giáo sư Thông trọng dụng, nên ông càng quyết tâm và say mê hơn với công việc của mình, mặc dù giáo sư Phạm Huy Thông chẳng cho ông đồng phụ cấp nào.
Tuy nhiên, từ năm 2005, "giáo sư" Lê Xuân Quang phải hạn chế những chuyến phiêu lưu dài ngày do người vợ tảo tần, thường lo cho ông nắm cơm, manh áo, giấc ngủ đột ngột đổ bệnh rồi mù loà. Bà không tự chăm sóc cho mình được nên ông lại phải chăm sóc cho bà. Lúc này, vị "giáo sư nông dân" uyên bác mới chợt ngộ ra rằng, suốt 60 năm qua, giờ đây ông mới thực sự là của bà.



KỲ II: THÂN PHẬN BUỒN NHƯ SỐ PHẬN BỊ MỘT SỐ NGƯỜI VIẾT SỬ VỤ LỢI XUYÊN TẠC

Phóng sự của DƯƠNG THỤY BÌNH


Đọc những mới tài liệu chồng chất mà ông đã viết trong mấy chiếc hòm cũ kỹ của Liên Xô, tôi thấy những phát hiện sai sót về câu đối của ông Quang vô cùng thú vị, hấp dẫn. Ông nổi tiếng và giỏi đến nỗi người dân và các bậc tiền bối chữ Hán ở các vùng quê gặp ông đều kính cẩn gọi ông là “đại giáo sư”. Không một ai nghĩ ông chỉ là một lão nông mới học đến... sơ cấp. Mỗi làng quê ở vùng Bắc Bộ xây dựng đình, chùa, đền, miếu đều nhờ "dại giáo sư" Lê Xuân Quang đến viết hoặc nhận xét, sửa chữa câu đối, hoành phi. Thậm chí mỗi khi phá chùa, phá đình, họ cũng nhờ ông dịch nghĩa những tài liệu bằng chữ Hán để có thể bảo quản và lưu lại trong trí nhớ dân gian. Trong quá trình đi nghiên cứu các hoành phi, câu đối, ông Quang nhận ra rằng, có rất nhiều hoành phi, câu đối mới dựng ở các đền chùa dùng sai chữ nghĩa trầm trọng, kiểu như râu ông nọ cắm cằm bà kia. Chẳng hạn, ngôi đền thôn Mạo Chử (xã Thanh Hà, Thanh Liêm, Hà Nam) thờ hai vị tướng Bình Ngô khai cuốc công thần, vốn là anh em sinh đôi, có câu đối: “Nhất bào lưỡng xuất Trung hưng thánh – Lịch đại bao phong Thượng đẳng thần” (Nghĩa là: Một bọc sinh hai thánh Trung hưng – Các triều phong bậc thần Thượng đẳng). Vế đối trên, chữ “Lưỡng” (hai), viết nhầm ra chữ “Lượng” (giống yêu quái ở gỗ đá), chữ “Hưng” (lên) viết nhầm ra chữ “Hoa” (vẽ vời). Vế đối dưới, chữ “Bao” (khen), viết nhầm ra chữ “Bão” (chạy bon bon nhảy cẫng). Thế là câu đối trở thành như sau: “Một bọc sinh hai giống yêu quái ở gỗ đá, thánh vẽ vời – Trải các triều chạy bon bon nhẩy cẫng phong bậc Thần thượng đẳng”. Đây chỉ là một ví dụ điển hình, còn hàng trăm câu đối, hoành phi có những sai sót trầm trọng mà ông chỉ ra khiến người đọc muốn cười mà không cười nổi.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ đi sưu tầm lịch sử, ông Quang không hề có lương. Ông sống bằng việc hì hụi viết báo, viết sách. Ông cộng tác với tổng số 38 đầu báo, tạp chí trên khắp cả nước, chủ yếu là các tạp chí chuyên ngành lịch sử, văn hóa với bút danh Minh Chính. Mỗi bài báo của ông như một công trình nghiên cứu và được bạn đọc hoan nghênh, đặc biệt là những nhà sử học có tâm huyết. Nhiều bài viết của ông được một số nhà sử học gọi là “Những quả bom Lê Xuân Quang”. Ông đã phát hiện làm sáng tỏ rất nhiều sự thật lịch sử. Trong đó, chuyện Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan ở triều Mạc gần 30 năm chứ không phải 8 năm đã gây nên cuộc bút chiến dai dẳng và phần thắng thuộc về ông. Chuyện Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm thân ở Bắc triều (Mạc), nhưng mưu mẹo thì giành cho Nam triều (Lê) là do một số người viết sử bịa đặt. Ông đã làm sáng tỏ nửa cuối cuộc đời của Trạng nguyên Trần Văn Bảo mà lâu nay lịch sử còn bỏ trống. Ông đưa ra quan điểm nhận thức về “Tứ bất tử” một cách thuyết phục, làm chao đảo nhận thức của mọi người từ trước đến nay. Ông kịch liệt phê phán Thần tích Bà Chúa Kho ở đền Cổ Mễ. Họ đã viết trái với lịch sử vì mục đích kinh tế. Ông Lê Xuân Quang đã dùng những chứng cứ quan trọng để tranh luận với rất nhiều tác giả có học vị cao xung quanh vụ án Lệ Chi Viên, và ông đã bẻ gẫy sự xuyên tạc lịch sử của đối phương. Ông đã từng bật khóc khi một tác giả "thản nhiên" vu cáo cho Tuyên Từ Thái hậu (Nguyễn Thị Anh - thời vua Lê Thái Tông) là một kẻ hèn mọn, tàn ác. Tác giả này đã tự "cải chính" lịch sử để nhân vật trong tác phẩm của mình có thêm mâu thuẫn, nhằm hấp dẫn bạn đọc. Tôi cũng như những người có tâm huyết với lịch sử đều cảm phục khi biết rằng, ông phải lăn lộn 20 năm trời ở các vùng nông thôn, phải đạp xe từ Nam Định lên các thư viện trên Hà Nội rất nhiều lần mới có được mấy chục bài viết để "đấu" với một số nhà sử học đáng kính, giải oan cho nhân vật lịch sử này. Ông Quang luôn lấy chân lý làm mục đích trong tranh luận và không nể nang ai nếu người đó có ý định xuyên tạc lịch sử để kiếm ăn. Cũng theo ông, hiện nay có rất nhiều người viết sử bằng cách dựa vào những câu chuyện truyền thuyết, chuyện kể trong dân gian. Họ có tính háo danh, viết ẩu, viết theo kiểu kích thích tò mò, lôi kéo người đọc để in sách, in báo kiếm tiền mà không hề có trách nhiệm gì với lịch sử.
Tuy nhiên, mấy năm nay một vài tờ báo, tạp chí chuyên ngành ít đăng bài của ông, bởi vì rất nhiều lãnh đạo của những tờ tạp chí chuyên ngành bị ông đả kích, dội cho những gáo nước lạnh. Họ không có cách nào bao biện cho những cái sai của mình nên cứ vứt bài vở của ông đi là im chuyện. Một số lãnh đạo các tạp chí, thậm chí cả một số lãnh đạo nhà xuất bản cũng không dám in bài vở, công trình nghiên cứu của ông, bởi vì họ sợ trở thành kẻ thù của một số người có quan chức trong ngành nghiên cứu lịch sử. Ông Trần Mỹ Giống, cán bộ thư viện tỉnh Nam Định, người bạn thân thiết của ông Quang thương ông mà đi dò hỏi tìm lý do. Ông Giống đã mời lãnh đạo của tạp chí nọ đi uống rượu, trong lúc ngà ngà say, vị lãnh đạo này đã trả lời rằng: “Ông Quang vẫn thường gửi bài, các bài viết đều chất lượng nhưng không được đăng vì xếp của em rất ghét ông ấy”. Thì ra ông Quang toàn đả kích những công trình nghiên cứu của ông xếp này.
Dù người vợ mù loà, bệnh tật rất cần tiền mua thuốc men, dù phải ăn khoai, ăn sắn để viết sử, song không bao giờ "giáo sư" Quang vì đồng tiền mà xuyên tạc lịch sử. Ông kể với tôi rằng, năm ngoái, có một cán bộ to của tỉnh nọ đi ô tô bóng láng đến tận nhà nhờ ông viết Thần tích về Quan Âm Thị Kính. Ông ta yêu cầu ông Quang phải viết rằng bà xuất thân từ một địa danh nằm trong khu du lịch để quảng bá cho hoạt động du lịch tỉnh nhà. Họ sẽ đưa vào cuốn kỷ yếu và phát hành rộng rãi. Họ trả công cho một dòng chữ xuyên tạc ấy 10 triệu đồng. Số tiền quả là rất có ý nghĩa đối với ông trong hoàn cảnh này. Ông chỉ chắp bút một buổi là xong, tuy nhiên, ông không đủ can đảm để xuyên tạc lịch sử, làm như thế ông cảm thấy có lỗi với lịch sử và có lỗi với cả thế hệ tương lai của đất nước.
Để có được miếng ăn, vị "giáo sư" già vẫn phải miệt mài làm việc. Nguồn sống chủ yếu của ông là tiền bồi dưỡng từ những lần đi dịch gia phả, văn bia, sửa chữa hoặc viết câu đối cho các làng, xã, dòng họ ở Nam Định và các tỉnh lân cận. Cuốn sổ ghi chép của ông cho biết, 60 năm nay ông đã dịch được trên 2.000 gia phả, viết 200 thần tích, in 10 cuốn sách, còn 20 cuốn ông đã viết xong nhưng vì nhiều lý do mà chưa in được.
Mỗi ngôi làng, khi đón nhận danh hiệu làng văn hoá, hay các di tích lịch sử đón nhận bằng di tích đều nhờ ông đến viết thần tích, dịch văn bia, câu đối… để tôn vinh làng hoặc di tích lịch sử, văn hoá đó. Để viết được một thần tích, ông phải đọc rất nhiều, thu thập rất nhiều thông tin từ các tài liệu cũng như qua lời kể của những cụ già trong làng. Mỗi khi viết xong một thần tích ông lại phải lên Hà Nội để nộp bản thảo cho nhà sử học Dương Trung Quốc xem xét, đánh giá và lưu lại một bản trong thư viện của Hội Sử học. Viết xong một thần tích, ông được trả công 300 ngàn đồng. Số tiền này chỉ đủ tiền vé ô tô đi về Hà Nội, ăn uống dọc đường và tiền phô-tô, in ấn. Vậy mà nhiều nơi, ông viết xong rồi họ chỉ trả… bữa cơm đầy đủ rượu thịt. Ngay cả một nhà xuất bản có uy tín ở Việt Nam, khi xuất bản 3 tập thần tích Việt Nam do ông viết cũng chẳng trả ông đồng nhuận bút nào ngoài việc biếu ông 10 cuốn làm kỷ niệm, mặc dù cuốn sách bán khá chạy. Thế nhưng, khi nhà xuất bản Thanh Niên in lại những cuốn thần tích của ông, nhà xuất bản nọ lại đòi kiện ông Quang và nhà xuất bản Thanh Niên vì tội... ăn cắp bản quyền. Nhà xuất bản Thanh Niên thương nhà khoa học nông dân nghèo khổ nên đã trả cho ông 4 triệu, số tiền mà ông có mơ cũng chả bao giờ thấy. Tuy nhiên, đối với "giáo sư" Quang, điều quý giá hơn số tiền nhuận bút, ấy là qua việc viết thần tích, dịch gia phả, văn bia, ông thu nạp được rất nhiều kiến thức thú vị và phát hiện nhiều sự thật lịch sử nằm trong những tài liệu cổ này.
Giờ đây, biết sức mình sắp cạn kiệt nhưng ông càng cố gắng hơn. Ông bảo: "Bằng mọi giá tôi phải hoàn thành cuốn “Dọn vườn Văn Sử Địa” trước khi trút hơi thở cuối cùng. Có như thế xuống suối vàng mới nhắm mắt được". Thỉnh thoảng lại có nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu văn hoá có tâm huyết hay mấy thi sĩ tỉnh lẻ về thăm ông. Nhìn cảnh lão nông gầy còm, ốm yếu, miếng ăn chẳng có mà cứ lăn lê với sách vở, ai cũng thương xót muốn chảy nước mắt. Trước khi ra về, dù nghèo như các nhà khoa học, rách như thi sĩ, song họ vẫn len lén để lại đầu giường ông vài ngàn bạc lẻ, để ông mua chút thức ăn chăm sóc người vợ tảo tần nuôi ông gần hết cuộc đời. Ông Trần Mỹ Giống, dù lương công chức ngành văn hóa ở tỉnh lẻ hẻo lắm, song cứ mỗi khi lĩnh lương lại giấu vợ dăm chục rồi phóng xe máy về Nam Trực biếu ông Quang sau một chầu đàm đạo trên trời dưới bể về các vấn đề văn hóa, lịch sử. Một số người trân trọng tài năng của "giáo sư" Quang thì mua cho ông vài cuốn sách với giá cao gấp vài lần thực tế. Đấy là nguồn sống để ông tiếp tục vùi đầu với đam mê viết sử. Có lẽ, người mê các công trình nghiên cứu của ông Quang nhất là anh Hà Văn Mô, Phó Trưởng công an huyện Nam Trực. Hễ ông Quang ra bản thảo cuốn sách nào là anh Mô mua luôn bản phô-tô với giá 100 ngàn. Ngoài việc anh rất thích các công trình nghiên cứu của ông Quang, đó còn là cách ủng hộ ngầm cho ông tiếp tục nghiên cứu, đóng góp cho đời.
Bản thảo cuốn “Dọn vườn Văn Sử Địa” của "giáo sư" Quang đã sắp hoàn thành. Đây là tập hợp các bài nghiên cứu, có thể nói là lời thách đố đối với một số nhà viết sử làm ẩu. Ông biết rằng, cuốn sách này cũng như hàng chục cuốn ông đã viết vì một lý do nào đó khó có thể xuất bản ngay được, và khi ông chết đi, biết đâu nó lại rơi vào quên lãng, tuy nhiên, ông vẫn say mê và trút vào cuốn sách những hơi tàn lực kiệt cuối cùng. Người con trai thấy ông là nông dân, không có lương lậu mà cả đời cứ vùi đầu vào sách vở liền nghĩ ông dở hơi, thần kinh và anh ta coi ông chẳng ra gì. Mấy năm nay, đứa con mà ông nhọc nhằn nuôi lớn bằng khoai, bằng sắn đã đẩy ông lên căn phòng nhỏ xíu trên tầng 2 và chẳng quan tâm gì đến ông nữa. Mùa đông, căn phòng thông thống hứng gió lạnh thấu xương, còn mùa hè hứng trọn cái nóng rát bỏng. Cũng may là người vợ mù loà còn hiểu ông, thường xuyên chia sẻ với ông những nỗi đau nhân thế, nỗi đau cuộc đời. Những đóng góp của lão nông Lê Xuân Quang cho lịch sử nước nhà là không thể đong đếm được, song cuộc đời ông cũng buồn chẳng kém gì những nhân vật lịch sử bị một số người viết vụ lợi xuyên tạc. Tôi trộm nghĩ, cụ Hà Thị Cầu được Nhà nước ghi nhận công lao bằng cách phong nghệ nhân vì bà giữ được vốn văn hoá dân gian ca trù quý báu là điều rất hợp lẽ, thể hiện sự trân trọng tài năng, nhưng còn ông Lê Xuân Quang, người đang lưu giữ một kho tàng lịch sử, văn hoá dân gian khổng lồ thì dường như đang bị người đời quên lãng.

Cuộc đời của một lão nông được gọi là “đại giáo sư” thật buồn.