-

NGẢI HOA VÀNG hay
Thanh hao

… nguồn dược liệu mới để trị Sốt rét

Một trong những cây cỏ thuộc loại lá xanh, cho hoa rất đẹp được ưa chuộng tại Hoa Kỳ trong những năm gần đây là cây Sweet Annie: cây phát triển mạnh tại những vùng đất hoang đến mức được xem là.. loài cây dại (weed) cần nhổ bỏ.. Lá khô được dùng trang trí tại Hoa Kỳ: thường xếp trong những tràng hoa tươi và khô.. để trưng bày.. Toàn cây lại là một vị thuốc trong Đông Y cổ truyền tại Trung Hoa: Thanh hao (Qing-hao) và Qing-hao ngày nay đã trở thành một nguồn dược liệu đầy hứa hẹn trong việc điều trị bệnh sốt rét..

I. Lịch sử và Đặc tính thực vật:

Gia đình Artemisia, thuộc Họ thực vật Compositae (Asteraceae) gồm khoảng 300 loài cây cỏ, bụi hằng niên, lưỡng niên hay lưu niên mọc tự nhiên trong những vùng khô của Bắc Bán cầu. Nam Mỹ chỉ có vài loài, còn Nam Phi..chỉ có một loài duy nhất. Linnaeus đã đặt tên cho cây là Artemisia annua từ 1753. Tên Artemisia được cho là để ghi nhớ nhà nghiên cứu Y học và Thực vật Artemisia, phu nhân của Mausolus, người cai trị vùng Caria (350-353 BC), và Artemisia là tên từ Artemis, Nữ thần Hy lạp cai quản Đời sống hoang dã (tương ứng với Diana, trong thần thoại La Mã), em gái song sinh của Apollo; còn annua là để chỉ cây thuộc loại hằng niên (annual).. Artemisia đến Hoa Kỳ có lẽ do.. đi lạc trên những chuyến thương thuyền..

Tại Trung Hoa, việc sử dụng Qing-hao đã được ghi chép trong tập sách ‘Ngũ thập nhị bệnh phương’, tìm được trong những cổ mộ thời Hán (168 BC), dùng làm thuốc chữa bệnh Trĩ.. Sách thuốc Zhou Hou Bei Ji Fang của Danh Y Ge-hong (Cập Hồng?) năm 340 là sách thuốc đầu tiên dùng Qing-hao để trị sốt rét..Cây sau đó cũng được chép trong Bản thảo Cương mục của Lý thời Trân..

Thanh hao, ngoài tên Sweet Annie, còn được gọi tại Hoa Kỳ dưới những tên như Sweet sagewort, Annual wormwood, Sweet wormwood..

Thanh hao có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Âu châu qua Trung Hoa, Nhật, Siberia, Korea, Ấn độ và Tây Á. Cây sau đó thích ứng với vùng Trung và Nam Âu, mọc hoang dại tại Trung Hoa, nhưng trong khoảng 20 năm gần đây đã được nuôi trồng.. ngay cả tại Hoa Kỳ (trong những tiểu bang như Alabama,Tennessee, Arkansas, Missouri và Kansas.)

Thanh hao thuộc loại cây thảo mọc hằng năm, có mùi thơm, cao đến 1m, thân có rãnh. Lá có phiến xoan, kép 2-3 lần, có thể dài đến 10 cm. Các lá thấp và lá giữa thuộc loại 3 lần kép, lá cao chỉ 1-2 lần kép. Hoa hính ống nhỏ, màu vàng-xanh: hoa phía ngoài là hoa cái; phía trong luỡng tính, lớn cỡ 1.5 cm đường kính. Cây trổ hoa vào tháng 6-11, ra quả vào tháng 10-3.

II. Thành phần hóa học:

Thanh hao, cũng như những cây khác trong loài Artemisia chứa trong thành phần một số các tinh dầu dễ bốc hơi (chủng trồng tại Trung Hoa chứa khoảng 4.0%, trong khi đó chủng tại Việt Nam chứa 1.4%).

- Thành phần tinh dầu:

Chủng Trung Hoa: chứa phần chính là monoterpenes như artemisia ketone (64%), artemisia alcohol (8%), myrcene (5%), alpha-guaiene (5%) và camphor.
Chủng Việt Nam chứa nhiều monoterpenes và sesquiterpenes như camphor (22%), germacrene D (18%), beta-caryophyllene (6%), trans-beta-farnesene (4%) và cineol (3%).

Chất tác dụng chính của cây là Artemisinin , thuộc loại sesquiterpene lac tone có nhóm hoạt tính peroxyde: chủng Trung Hoa chứa từ 0.01-0.5% artemisinin. Artemisinin (còn gọi là quinghaosu, arteannuin, huanghuahaosu, QHS) không tìm thấy được trong các loài artemisia khác, ngoại trừ Artemisia lancea (Journal of Natural Products Số 47-1984 và số 54-1991). Artemisinin không trích bằng nước hay ethanol, nhưng được trích trong phần hòa tan bằng dung môi hữu cơ ở nhiệt độ sôi thấp.

Các sesquiterpenes khác đáng chú ý như Artenannuic acid, Arteannuin B, Trans-pinocarveol, Beta-Selinene...
Thanh hao cũng chứa các flavonoids trong đó có 2 chất flavonols có tác dụng đặc biệt: Chrysosplenol-D và Chrysosplenetin , ngoài ra còn có các flavones có nhóm methoxy như Casticin, Artemetin, Cirsilineol

III. Đặc tính Dược học:

1. Hoạt tính chống Sốt rét:

Thanh hao (qing-hao), toàn cây Artemisia annua, đã được ghi chính thức trong Dược điển Trung Quốc 1985, và đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới chú trọng vào khả năng trị sốt rét của cây. Trong những thập niên 70 và 80, Trung Hoa đã tập trung nghiên cứu về Qing-hao: ly trích được Artemisinin vào 1972, Artemisinin sau đó được tổng hợp tại Thụy sĩ, Trung Hoa và Hoa Kỳ, nhưng giá thành cao hơn là trích từ cây. Artemisinin đã được nghiên cứu , ngoài Trung Hoa, tại Viện Nghiên cứu Walter Reed (Lục Quân Hoa Kỳ), tại UNDP/World Bank/WHO (Chương trình Nghiên cứu Bệnh Nhiệt đới).. và nhiều nơi khác trên giới như Pháp, Đức.. và cả Việt Nam.

Artemisinin cho thấy có tác dụng ức chế sự tổng hợp protein nơi ký sinh trùng Plasmodium falciparum lúc chúng đang ở trong hồng huyết cầu (Biochem. Pharmacol Số 32-1983). Hoạt tính chống sốt rét, in-vitro của Artemisinin trên P.falciparum được ghi nhận là tương đương nơi các chủng ký sinh trùng chưa hoặc đã kháng- chloroquin. Khi chích dưới da cho chuột bị nhiễm Plasmodium berghei, artemisinin có tác dụng gây hủy hoại các cơ phận và nhân của ký sinh trùng (Ann Trop.Med Parasitol Số 79-1985). Nơi khỉ bị nhiễm Plasmodium inue, artemisin gây ra sự phù trương ty thể của ký sinh trùng.

Khi so sánh với mefloquine trong việc điều trị các bệnh nhân bị nhiễm P.falciparum đã kháng chloroquin: artemisinin có tác dụng nhanh hơn và ức chế mạnh hơn trên sự trưởng thành của ký sinh trùng (Lancet Aug 8,1982).

Trong một thử nghiệm trên 527 bệnh nhân nhiễm P. falciparum, khi cho chích IM nhũ dịch artemisinin trong dầu, ký sinh trùng bị diệt vả biến mất rất nhanh, tỷ lệ tái xuất hiện rất thấp. Tuy nhiên, trong thử nghiệm khác nơi 738 bệnh nhân nhiễm P. vivax, thuốc viên diệt ký sinh trùng nhanh nhất và dung dịch IM tạo tỷ lệ tái hiện thấp nhất. Điểm đáng chú ý nhất, lá nơi 141 bệnh nhân bị sốt rét tại não (cerebral malaria): 131 người lành bệnh khi cho dùng artemisinin IM hay đưa qua đường mũi.Trong các trường hợp sốt rét não, artemisinin loại ký sinh trùng khỏi máu nhanh hơn là chloroquine và quinine . Không thấy những phản ứng phụ nơi tất cả 2089 bệnh nhân dùng artemisinin (Tropical Disease Bulletin Số-1980).

Về phương diện dược-lực học: Artemisinin được hấp thụ khá nhanh sau khi uống (khoảng 45 phút), nhưng không hoàn toàn, tỷ lệ sinh khả dụng so với chích IM là 32%. Thời gian ở trong máu, khi dùng uống , trung bình là 3.4 giờ so với 10.6 giờ khi dùng IM.

Để ‘tối ưu hóa’ việc điều trị sốt rét, Artemisinin đã được thử phối hợp với các thuốc trị sốt rét khác:

Nơi loài gậm nhấm bị nhiễm P. berghei: thử nghiệm ‘in vivo’ ghi nhận Artemisinin:

cộng lực với mefloquine, tetracycline và spiramycin.
- tăng cường hoạt tính của primaquine
cộng thêm tác dụng với chloroquine.
đối kháng các hoạt tính của dapsone, sulfadiazine, pyrimethamine, sulfadoxine và Fansidar.
Các thử nghiệm ‘in vitro’ trên P. falciparum cho thấy artemisinin cộng lực với mefloquine,tetracycline, nhưng lại đối kháng với chloroquine và pyrimethamine.

Một đặc điểm đáng chú ý khác là sử dụng trích tinh A.annua thay vì Artemisinin tinh khiết lại có tác dụng diệt P. falciparum mạnh hơn hoặc có thể dùng Artemisinin phối hợp với các flavones của cây.. (Planta medica Sô 55-1989). Viên nang chứa Artemisia annua cho thấy có hoạt tính gấp 3.5 lần so với Artemisinin tron việc trừ ký sinh trùng nơi chó. (J Parasitol Parasit Dis Số 10-1992)

Các nghiên cứu tại Anh đã giải thich cơ chế tác động của Artemisinin:

Artemisinin phản ứng với hemin, và với sự hiện diện của màng tế bào hồng cầu..đưa đến sự oxy hóa protein thiols: Vì ký sinh trùng sốt rét có nhiều hemin.. nên artemisinin có thể tác động chuyên biệt vào ký sinh trùng. Cơ chế tác động có lẽ gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, khởi động, sắt trong cơ thể ký sinh trùng xúc tác sự phân cắt cầu peroxide nội bào và tạo ra các gốc tự-do; giai đoạn 2, có phản ứng alkyl-hóa, các gốc tự do chuyển hóa từ artemisinin tạo các nối covalent với protein của ký sinh trùng (Trans Royal Soc Trop Med Hygiene Số 88-1994.
Rất nhiều nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng về Artemisinin đà được thực hiện tại Thái Lan (1994, trên 1000 bệnh nhân), Việt Nam (1993 trên 600 bệnh nhân ; 1994 trên 450 bệnh nhân..) đưa đến kết luận là liều tối ưu thuốc uống, được xác định là 50 mg artemisinin/kg , dùng liên tục trong 3 ngày. Artemisinin có hoạt tính đặc biệt trong các trường hợp sốt rét cấp tính; và không có tác dụng ngừa bệnh.

2. Tác dụng chống các Ký sinh trùng và vi trùng khác:

Artemisinin còn có khả năng diệt các ký sinh trùng khác như:

Giun móc Schistosoma japonicum, thử nơi chuột và thỏ .
Ký sinh trùng Clonorchis sinensis, nơi chuột.
Artemisinin ức chế sự tăng trưởng của ký sinh trùng trong các môi trường nuôi cấy Pneumocystis carinii.
Artemisinin và các chất chuyển hóa cho thấy có hoạt tính chống lại ký sinh trùng Leishmania major , in vitro và in vivo. Các hợp chất này hoạt động ở cả hai dạng uống và chích (Parasitology Số 7-1993)
Nồng độ Artemisinin tối thiểu để ức chế sự tăng trưởng của các vi trùng Gram dương (Staphylococcus aureus,Streptococcus faecalis) và các vi trùng Gram âm (Klebsiella, Enterobacter, Shigella dysenteriae, E.coli) được xác định là cao hơn 32 microgram/ mL.
Nghiên cứu tại ĐH Colorado State University, Fort Collins năm 2002 ghi nhận các flavonols Chrysosplenol D và Chrysoplenetin có hoạt tính tăng cường tác dụng của Berberine và Norfloxacin chống lại các chủng Staphyloccoccus aureus đã kháng nhiều trụ sinh khác (Planta Medica Số 68-Dec 2002

3. Những hoạt tính Miễn nhiễm:

Artemisinin gia tăng hoạt động thực bào nhưng lại ức chế sự biến đổi tế bào lympho. Liều thấp kích ứng hoạt động của hệ miễn nhiễm nhưng liều cao lại có tác dụng ức chế hoạt động và đè nén chức năng của tủy sống.
Artemisinin và 2 chất chuyển hóa tổng hợp khác cho thấy có hoạt tính ức chế rõ rệt các đáp ứng thể dịch nơi chuột, nhưng không làm thay đổi đáp ứng quá mẫn loại trì hoãn đối với mitogens. Artemisinin cũng có hoạt tính ức chế miễn nhiễm loại có tính chọn lựa, do đó có thể có khả năng trị được bệnh lupus (systemic lupus erythematosus). (Inter national Journal of Immunology Số 385-1990): Trong những nghiên cứu điều trị Lupus (SLE) lâu dài , kết quả ghi nhận liều dùng 0.3 g artesiminin mỗi ngày (tương ứng với 50 gram cây tươi) đưa đến kết quả thuyên giảm rõ rệt sau 50 ngày dùng thuốc.
Artesiminin làm tăng thêm đáp ứng miễn nhiễm loại do tế bào T lympho làm trung gian , nơi chuột bình thường, đồng thời gia tăng sự tái tạo miễn nhiễm nơi chuột được ghép tuỷ sống.

4. Tác dụng chống Ung thư:

Chất chuyển hóa, bán tổng hợp từ Artemisinin, Artesunate (ART) (còn gọi là artesunic acid, dihydroqinghaosu hemisuccinate, ngoài tác dụng diệt được các ký sinh trùng P. falciparum và P. vivax, đã được nghiên cứu tại Đức về khả năng diệt tế bào trên 55 loại tế bào ung thư trong Chương Trình Phát triển Trị liệu cùa Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy ART có hoạt tính mạnh nhất diệt được các tế bảo leukemia và tế bào ung thư ruột già, hoạt tính tương đối yếu với các tế bào ung thư phổi và trung bình với các tế bào ung thư melanoma, ung thư vú, buồng trứng, tuyến nhiếp hộ.. Điểm đặc biệt quan trọng là khi so sánh về độc tính, ART tương đối ít độc hại hơn các tác nhân hóa học đang được sủ dụng, và vẫn có tác dụng trên các tế bào CEM leukemia đả kháng doxorubicin, vincristin, methotrexate.. (International Journal of Oncology Số 18 (April )2001.

IV. Thanh hao trong Đông Y cồ truyền:

Thanh hao (Qing-hao), (Nhật dược gọi là Seiko) đã được dùng từ lâu đờI trong Đông Y cổ truyền: Dược liệu là toàn cây được thu hái vào mùa hè trước khi trổ hoa, Cây được trồng hay mọc hoang tại các vùng Hồ Bắc, Sơn Đông, Phúc kiến..

Qing hao có vị đắng, tính hàn tác động vào các kinh mạch thuộc Thận, Can và Bàng Quang, và được cho là có những đặc tính:

Thanh Nhiệt, giải thử: trị các chứng sốt nhẹ, nhức đầu, choáng váng và tức ngực; thường được phối hợp với đậu ván (bạch biển đậu = bian dou, Dilichoris Lablab) và bột talc = hoạt thạch để trị sốt không đổ mồ hôi (như trên).
Trừ chứng, triệt ngược: trị các chứng sốt do suy huyết hay dư chứng của sốt, nhất là sốt ban đêm, lạnh ban sáng.. không mồ hôi.
Lương Huyết, Chỉ huyết: trị nổi mẩn đỏ, chảy máu mũi do Nhiệt nơi Huyết: dùng chung với Biệt giáp (mu rùa) và Sinh địa để giúp thanh nhiệt tại những bộ phận thuộc Âm.