Ông tiến sĩ và 'căn phòng ma quái'

Sau khi nhà ngoại cảm “tác động” vào hàng loạt nhóm người, lập tức, căn phòng 80 m2 trên tầng 4 phố Đông Tác (phường Kim Liên, Hà Nội) biến thành một căn phòng toàn “ma quỷ”.

Tôi đi xem… “ma”

Hàng ngày, bất kể nắng mưa, căn nhà số 1, phố Đông Tác (Kim Liên, Hà Nội), lúc nào cũng tấp nập người ra vào từ sáng sớm đến đêm. Những người có chút am hiểu về thế giới tâm linh đều có thái độ thành kính khi đến ngôi nhà này, còn những người bác bỏ tâm linh thì coi chuyện người ta ùn ùn kéo đến gặp “ma”, xem “ma” rất nhảm nhí, tốn công sức. Nhưng với ông Vũ Thế Khanh và một số nhà khoa học ở Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng (UIA), thì việc nghiên cứu “ma quỷ” được xem như một vấn đề khoa học nghiêm túc.
Ông tiến sĩ và 'căn phòng ma quái'
"Căn phòng ma quái".

Từ 6 giờ sáng tôi đã có mặt ở số 1, phố Đông Tác, sân để xe dưới tầng một đã không còn một chỗ, phải gửi xe máy sang siêu thị bên cạnh. Mọi người, cả đàn ông lẫn đàn bà, cả già lẫn trẻ đều giữ trật tự, đi lên căn phòng hội trường trên tầng 4 của toà nhà. Trước khi vào căn phòng rộng chừng 80 m2 trên tầng 4, họ đều thắp một nén nhang, chắp tay thành kính lạy Phật ở căn phòng bên cạnh.

Trong căn phòng kỳ lạ đó, từng nhóm người túm năm tụm ba ngồi thành vòng tròn đối mặt với nhau. Mỗi nhóm là một gia đình, thường gồm ông bà, bố mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, cháu chắt… là những người có quan hệ máu mủ ruột rà với nhau. Những người ngồi trong phòng đều nhắm mắt, khoanh chân, hai tay bắt chỉ ngồi thiền. Họ giữ tâm trí thanh thản, thoát tục, để cho “linh hồn” nhập vào thân thể, gặp gỡ người nhà.
Ông tiến sĩ và 'căn phòng ma quái' Ông tiến sĩ và 'căn phòng ma quái'

Trong căn phòng này có hai nhà ngoại cảm nữ, một người mặc áo nâu sồng, có lẽ là người theo hầu cửa Phật. Hai nhà ngoại cảm đứng giữa đám đông quan sát, thi thoảng họ lại tiến về phía nhóm người nào đó rồi dùng lòng bàn tay đặt lên đỉnh đầu, huyệt đạo ở lưng một phụ nữ, giống như kiểu cao thủ võ lâm đang… truyền công lực. Lúc tập trung truyền công lực, lúc họ nói giọng như nịnh trẻ con: Nào cụ X, cụ thương con cháu thì về cho con cháu gặp gỡ nào! Em Y chết trẻ thảm quá, người nhà nhớ mong nhiều lắm, về cho mọi người gặp đi…”. Khi nhà ngoại cảm nói thế, nhóm người ngồi túm tụm, người xì xụp khấn vái như khấn Thánh sống, người khóc tu tu gọi “linh hồn” hiện về gặp gỡ.

Chỉ cần nhà ngoại cảm “truyền năng lượng” và “nịnh ma” một lát, lập tức diễn ra hiện tượng “ma nhập”. Khi “ma nhập”, người bị “ma nhập” không còn lý trí riêng của mình nữa mà nói cười, trò chuyện cứ như người đã chết. Sau khi nhà ngoại cảm “tác động” vào hàng loạt nhóm người, căn phòng 80m2 trên tầng 4 phố Đông Tác biến thành một căn phòng toàn “ma quỷ”. Những tiếng khóc, tiếng cười của những người, được cho là âm dương cách biệt, bao năm trời mới gặp lại nhau, tạo nên một khung cảnh hết sức xúc động. Chính vì thế, cảm giác ớn lạnh như đứng giữa nghĩa địa ban đêm xâm chiếm cơ thể tôi không còn nữa. Thay vào đó là sự ấm áp, gần gũi giữa con người dương thế với một thế giới khác, mà theo những người tham gia thí nghiệm, là thế giới của những linh hồn.

Đề tài khoa học “nhập hồn”

Sau khi bị thế giới tâm linh hút hồn, là một nhà khoa học biện chứng, với khát vọng làm sáng tỏ phần nào cái thế giới mà con người cứ bị huyễn hoặc hàng vạn năm nay, và cũng là để tìm ra những lợi ích của thế giới huyền ảo ứng dụng vào thực tế, tiến sĩ Vũ Thế Khanh đã viết báo cáo trình Chính phủ xin 500 triệu đồng để lập dự án có tên “Nghiên cứu về ma”. Những dự án kiểu này đã được các nhà khoa học phương Tây nghiên cứu nhiều. Thậm chí, nước Mỹ còn lập hàng loạt cơ quan chuyên biệt, nghiên cứu về hiện tượng đặc biệt, liên quan đến thế giới sau khi chết, để ứng dụng vào khoa học, cuộc sống. Ngay cả cơ quan tình báo Mỹ là CIA cũng rất tích cực với những dự án kiểu này. Tuy nhiên, với Việt Nam, nó còn rất mới mẻ, nên dự án của ông Khanh được cho là “kỳ quặc”, vô nghĩa và lãng phí. Và tất nhiên, dự án của ông đã không được phê duyệt.

Mặc dù Chính phủ không phê duyệt để cấp vốn cho dự án kỳ quặc này, song cho phép ông cùng các nhà khoa học thành lập một cơ quan chuyên biệt, bí mật nghiên cứu về những hiện tượng lạ lùng trong đời sống xã hội. Sau khi Liên hiệp UIA ra đời, ông Khanh cùng các nhà khoa học của Liên hiệp đã lập hàng loạt đề tài khoa học nghiên cứu về những hiện tượng lạ sau khi chết, trong đó có đề tài “nhập hồn”. Ông Khanh tự bỏ tiền túi, thời gian, công sức, cùng các nhà ngoại cảm, là những cán bộ, cộng tác viên của Liên hiệp thực hiện đề tài độc nhất vô nhị này.

Điều lạ lùng nhất, có thể nói là bí quyết, đó là tiến sĩ Vũ Thế Khanh tìm được phương pháp đào tạo để các nhà ngoại cảm phát triển mạnh hơn nữa khả năng của mình. Tôi đã gặng hỏi ông Khanh nhiều lần về bí quyết đào tạo các nhà ngoại cảm, song ông Khanh nhất định không tiết lộ. Quả là một chuyện rất lạ!

Người đàn bà… 5 mắt

Người đầu tiên mà ông Vũ Thế Khanh đào tạo thành nhà ngoại cảm, lại có khả năng “áp vong” (truyền năng lượng, khai mở huyệt đạo để “ma” nhập vào người bình thường) là chị Nguyễn Thị Thiêm, một nhân vật từng gây chấn động cả nước với khả năng bịt mắt vẫn đọc được sách, đi xe máy.

Tôi là nhà báo đầu tiên được gặp người đàn bà đặc biệt này, vì đã nhiều năm trời kiên trì thuyết phục ông Khanh. Sau khi thề thốt “lên bờ xuống ruộng”, rằng sẽ không tiết lộ tên thật, địa chỉ người đàn bà này, ông Khanh mới cho tôi tiếp xúc và tham gia cùng các nhà khoa học làm thí nghiệm xác định khả năng của chị ta.
Ông tiến sĩ và 'căn phòng ma quái'
Chị Hoàng Thị Thiêm bịt mắt vẫn đọc sách.

Tôi đã từng được nghe rất nhiều chuyện kỳ quái, huyễn hoặc về thế giới tâm linh, những khả năng đặc dị của con người, nhưng chuyện một phụ nữ có thể nhìn bằng trán, mũi và hai bên thái dương, thì đúng là từ cổ chí kim chưa từng nghe nói bao giờ. Thậm chí, theo ông Nguyễn Phúc Giác Hải, thế giới cũng chưa từng có người thứ hai có khả năng như vậy.

Hôm đó, căn phòng làm việc của ông Khanh chật kín các nhà khoa học, có cả đại diện của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an đến để chứng kiến, ghi nhận. Viện khoa học hình sự, Bộ Công an được Liên hiệp UIA mời vào cuộc nghiên cứu nhằm tìm cách vận dụng khả năng của chị Nguyễn Thị Thiêm trong việc truy tìm manh mối phá các vụ án phức tạp.

Khác với tưởng tượng của tôi, chị Thiêm không có vẻ ngoài đặc biệt như một ảo thuật gia, một phù thủy, hay như người từ hành tinh khác đến. Chị Thiêm chừng 40 tuổi, ăn mặc chất phác và bình thường như bao cô gái lam lũ ở các vùng quê. Phương án thực hiện cuộc thí nghiệm được vạch sẵn từng bước. Qua mỗi bước thí nghiệm thông minh của các nhà khoa học, khả năng của chị Thiêm sẽ bộc lộ và những toan tính, những chuyện bịp bợm sẽ dễ dàng bị lộ tẩy.

Tôi đã thực sự ngỡ ngàng khi các nhà khoa học dùng đủ các biện pháp để bịt chặt hai mắt chị Thiêm lại, song dù bịt bằng khăn, kính đặc biệt, bằng hai bàn tay, dán mí mắt bằng băng dính rồi úp chặt hai chiếc chén sứ uống trà vào hai mắt, song chị Thiêm vẫn cầm tờ báo đọc vanh vách không sai chữ nào. Nếu bịt cả mắt lẫn trán thì chị đọc bằng mũi, bịt cả mũi thì đọc bằng hai bên thái dương. Nếu che nốt cả hai bên thái dương thì chị Thiêm không nhìn thấy gì nữa.

Chị Thiêm cho biết, một ngày cách đây 5 năm, tự nhiên chị thấy có một luồng sáng từ trán chiếu ra và chị cảm nhận được những hình ảnh mờ nhạt qua luồng sáng đó. Sợ hãi quá, chị dùng băng dính đen dính “con mắt” ở trán đó lại, nhưng rồi chị lại thấy có luồng sáng phát ra từ mũi. Chị dán ở mũi thì lại nhìn được bằng thái dương. Chị và gia đình quá sợ hãi, không biết nguyên nhân vì sao, thế rồi, một người mách chị đến Liên hiệp UIA, nơi có các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về các hiện tượng đặc dị. Từ đó, chị được các nhà khoa học quan tâm, làm rất nhiều thí nghiệm. Đặc biệt, mỗi ngày chị lại nhìn thấy mọi vật rõ hơn, và giờ đây, “con mắt thứ ba” đã nhìn mọi thứ rõ ràng như mắt thường.

Đào tạo… nhà ngoại cảm!

Chuyện đình đám về người đàn bà có khả năng bịt mắt đọc sách rồi cũng bẵng đi, cho đến một hôm, tiến sĩ Vũ Thế Khanh điện cho tôi khoe rằng: “Tớ đã đào tạo cho cô Thiêm khả năng “áp vong” bạn ạ. Có lẽ ấy là người đầu tiên ở Việt Nam “áp vong” được. Hôm nào bạn đến xem nhé”.
Ông tiến sĩ và 'căn phòng ma quái'
Chị Thiêm "áp vong".

Chuyện gọi hồn qua các nhà ngoại cảm tôi đã gặp nhiều, chứng kiến rất nhiều, song hầu hết những người có đầu óc duy vật đều bác bỏ, bởi họ cho rằng, những lời nói của “hồn”, chẳng qua là miệng lưỡi bịp bợm của nhà ngoại cảm. Tuy nhiên, việc nhà ngoại cảm làm cho “linh hồn” nhập vào người nhà của chính những người đến gọi hồn, thậm chí nhập cả vào nhà khoa học, đã khiến các nhà khoa học duy vật, kể cả những người luôn bác bỏ thế giới tâm linh phải suy nghĩ lại.

Những ngày đó, mỗi ngày có hàng chục gia đình ngồi quây quần trong căn phòng trên tầng 4 của Liên hiệp UIA để chị Hoàng Thị Thiêm làm thí nghiệm “áp vong”. Tiến sĩ Vũ Thế Khanh thì miệt mài ghi chép, quay phim, thống kê từng chi tiết nhỏ trong mỗi cuộc “áp vong” để phục vụ cho đề tài nghiên cứu đặc biệt và kỳ quái này. Sau hai năm mở “căn phòng ma quỷ” để nghiên cứu về “con ma”, đến nay, không hiểu bằng phương pháp đặc biệt nào, ông Khanh đã đào tạo được gần chục nhà ngoại cảm có khả năng “áp vong” người chết vào người đang sống. Hiện tại, mỗi ngày, có cả trăm gia đình kéo đến đăng ký, những mong được các nhà ngoại cảm làm thí nghiệm “áp vong” cho mình, để được gặp… người thân đã chết. Danh sách người đăng ký làm thí nghiệm “áp vong” đã kín mấy cuốn sổ. Để được làm thí nghiệm “áp vong”, người đăng ký phải chờ 6 tháng trời.

Cho đến bây giờ, dù đã mở “căn phòng ma quái” và thực nghiệm cả vạn ca “áp vong”, song tiến sĩ Vũ Thế Khanh lại rơi vào cảm giác như bị lạc vào mớ bòng bong. Nhiều nhà khoa học lúc nào cũng giương cao “ngọn cờ phản bác” đã bị “con ma” khuất phục, nhưng với ông Khanh, “con ma” hay còn gọi là “linh hồn”, vẫn là bí ẩn chưa được khám phá. Do đó, ông Khanh vẫn chưa thể khẳng định trên đời có hay không thứ gì đó gọi là “ma quỷ”.

Mặc dù đề tài nghiên cứu về “linh hồn” đang tiếp diễn, song đã mang lại lợi ích hiện tại và mở ra triển vọng ứng dụng khoa học trong tương lai. Rất nhiều trường hợp, thông qua khảo nghiệm “áp vong” ở “căn phòng ma quỷ” này đã tìm được hài cốt thất lạc, thậm chí tìm được cả người sống thất lạc. Đặc biệt, một số trường hợp đã cung cấp manh mối phục vụ cơ quan điều tra trong việc truy tìm tội phạm giết người, khám phá những vụ trọng án. Đó là một trong số những lợi ích thiết thực cho khoa học mà tiến sĩ Vũ Thế Khanh mong muốn mang lại