Trang 1 trong 2 12 Cuối cùngCuối cùng
kết quả từ 1 tới 20 trên 28

Ðề tài: Các ngôi chùa tôi đã đi

  1. #1

    Mặc định Các ngôi chùa tôi đã đi

    Chùa Vĩnh Nghiêm
    339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3, TP.HCM
    www.vinhnghiemvn.com

    Tôi là một phật tử, dĩ nhiên là phải đi chùa. Vả lại, đôi khi vì công việc hoặc là không biết làm gì, lại đi chùa. Ngôi chùa đầu tiên tôi đi khi bước chân vào thế giới vô hình là chùa Vĩnh Nghiêm. Cũng là ngôi chùa tôi gắn bó thuộc loại nhất, cũng có lý do là vì nó nằm ở trung tâm thành phố.

    Một lần đọc được bài viết trên một diễn đàn của một bạn học ở một lớp cảm xạ học viết về cảm giác của mình khi đến chùa Vĩnh Nghiêm, thế là tôi nảy ra ý định đi chùa Vĩnh Nghiêm. Một buổi sáng, tôi lấy xe đi đến chùa. Đâm đầu chạy tới đường 3/2, gửi xe đi vô chùa. Sao cứ thấy lạ lạ, hình như là không phải. Thì ra từ đó tới giờ tôi cứ đinh ninh Việt Nam Quốc Tự là chùa Vĩnh Nghiêm. Thật là tổ trác. Thế là ra lấy xe chạy tới Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Cũng thật lạ là việc tôi đi nhầm chùa mà cũng được định từ trước. Mọi người ở chùa Việt Nam Quốc Tự biết trước là ngày đó giờ đó tôi sẽ đến chùa. Bước vào chùa đi một vòng mới được thông báo là đi nhầm chùa. Chuyện vậy mà cũng có duyên, thiệt cũng là kỳ. Sau này, tôi rút ra một kinh nghiệm rằng, hễ đi chùa nào mà có một chút khó khăn là y như rằng nơi đó tôi có một công việc gì đó, hoặc có một kết quả nào đó. Còn chỗ nào đi cái vèo đến nơi là y như rằng chẳng có gì hết.

    Chạy qua Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gửi xe, đi lên chính điện. Ngày thường nên chùa cũng vắng. Mỗi chùa có một đặc trưng. Chùa Vĩnh Nghiêm thì có bán hoa sen. Mấy bó hoa sen nhìn hơi xa xa thật đẹp. Vào trong chính điện, đang đứng lơ ngơ, tự nhiên có một người con gái tay cầm một bó hoa sen bước tới. Anh ơi, cái này cắm ở đâu vậy anh. Trời ạ, người ta nhầm tôi với người trong chùa. Cái này cũng thiệt là kỳ, sau này khi đi các chùa khác đôi khi tôi cũng bị nhầm như vậy. Cũng chẳng biết nói sao, tôi đành đưa tay ra nhận bó hoa. Thế là tự nhiên ở đâu 3 người con gái khác đi tới đưa hoa cho tôi luôn. Bó tay. Cầm 4 bó hoa, nhìn qua nhìn lại, chẳng biết làm gì. Chợt nhìn thấy bình hoa để trên bàn 2 người mà tôi gọi là A Nan, Ca Diếp (cái này do coi phim Tề Thiên, chứ thật sự chẳng biết 2 người đó là ai, sau này mới biết một người là Phổ Hiền Bồ Tát, còn một người nữa là gì tôi quên mất).

    Bước tới, lấy bình hoa đem xuống đất. Nhưng do cái bình đã đầy hoa rồi, nên loay hoay mãi mới cắm được hoa vào bình. Bước qua bàn thờ bên kia, cũng cắm một bó hoa vào. Phải công nhận rằng trong tất cả các chùa tôi đã đi, ở chùa Vĩnh Nghiêm, cắm hoa và trang trí bàn thờ thuộc loại đẹp nhất. Chắc ở đây phải có một người thật làm siêng và khéo tay. Ngồi loay hoay cắm hoa, cứ thấy người ở chùa trông coi chính điện đi qua đi lại nhìn mình. Thôi kệ cứ làm đại. Cắm hoa xong, thắp nhang rồi mới thấy tấm biển đề: quý phật tử không thắp nhang ở đây (ở 2 cái bàn thờ 2 vị bồ tát), không đi lại trên lối này. Trời, nãy giờ mình vi phạm nội quy của chùa. Còn 2 bó hoa, đi ra phía sau nơi đặt các bài vị, kiếm 2 cái bình hoa cắm vào. Thế là xong.

    Đi thắp nhang cho mọi người. Cũng phải nói là trong các chùa, chùa Vĩnh Nghiêm quản lý phần vô hình cũng thuộc loại tốt nhất. Dễ cảm nhận nhất là âm khí của mọi người toát ra ít hơn, dù rằng có rất nhiều bài vị. Cũng là lần hiếm hoi trong rất nhiều lần đi chùa Vĩnh Nghiêm, tôi thắp nhang được cho tất cả mọi người, bởi vì các lần sau này, người của chùa trông coi chính điện thường không cho thắp nhiều nhang, thế là thôi khỏi thắp. Vô các chùa, cứ đi ra nơi để các bài vị, sao cứ thấy người giống như Tam Tạng trong phim Tề Thiên, cứ nghĩ mãi. Mãi đến sau này mới biết đó là Địa Tạng Vương Bồ Tát.

  2. #2

    Mặc định

    Cảm ơn bạn đã chia sẻ!
    Mình có nghe Thầy nói, nếu có một Phật tử nào mà thường xuyên đến Chùa với bản thể thanh tịnh thì sẽ huân tập được rất nhiều công đức, không những cho riêng bản thân mà còn cả gia đình nữa.
    Chúc bạn tinh tấn!

  3. #3

    Mặc định Chùa Vĩnh Nghiêm (tiếp theo)

    Bước ra phía sau, nơi để cốt. Ở đây để tương đối nhiều cốt. Tôi có đọc ở đâu đó trên một diễn đàn khuyên chúng ta nên ít lui tới nơi để cốt. Lời khuyên đó thật sự hữu ích và có lý của nó. Không phải ở nơi nào việc quản lý của phần vô hình cũng thật tốt. Vào thắp một cây nhang, đứng nói chuyện với mọi người một hai câu, rồi bước ra ngoài. Chợt có tiếng kêu tôi, xin thắp thêm một cây nhang nữa, lại trở vào đốt cho mọi người thêm một cây nhang. Hồi mới đầu, tôi không hiểu lắm tại sao mỗi lần tôi đi đến đâu, hoặc tiếp xúc với người vô hình, mọi người hay xin tôi thắp cho họ một cây nhang. Ban đầu thắc mắc ghê lắm. Sau mới hiểu ra rằng khi được một người có tâm hướng thiện thắp một cây nhang, mọi người vô hình sẽ được hưởng đại khái một cái gì đó giúp cho cuộc sống của họ tốt hơn. Tôi nhớ đọc một câu chuyện trên diễn đàn về những người làm lễ cầu siêu hay cúng cho phần vô hình mà trong tâm toàn nghĩ đến những điều không tốt. Rút cuộc phần vô hình cũng chẳng hưởng được gì nhiều. Cái này cũng giống như thế giới hữu hình chúng ta hay nói: Của cho không bằng cách cho. Cho ít mà tâm biết nghĩ đến người khác, biết cảm thông với nỗi khổ của người ta, vẫn tốt và có ý nghĩa hơn so với cho nhiều mà trong tâm chẳng thánh thiện.

    Chùa có một gác chuông thật bự. Phía trước có một lư hương cũng thật bự. Chẳng cần phải biết nhiều về thế giới vô hình cũng có thể nhận ra rằng: đi đến đâu, mà ở góc nào có nhiều chân nhang là chỗ đó linh. Diến giải theo nghĩa vô hình là ở đó có người vô hình phù hộ hoặc giúp đỡ cho mọi người theo kiểu thành tâm cầu là được. Tôi không hiểu lắm tại sao trong nhiều chùa hay có người vô hình ở trong mấy cái chuông. Cứ tạm giải thích với bản thân mình rằng thay vì ở trong tượng thì người ta ở trong chuông vậy. Cũng vắng người, thế là kiếm một góc trong gác chuông ngồi chơi và nói chuyện, những câu chuyện thăm hỏi nhau bình thường.

    Cũng như nhiều chùa khác, chùa Vĩnh Nghiêm cũng có tượng hai vị Kim Cang ở hai góc trước khi bước vào chính điện. Và cứ theo cái suy luận hồi nãy thì hai vị Kim Cang này cũng linh. Trong hai người, có một người rất thân với tôi. Cũng rất khó giải thích cặn kẽ tại sao trong rất nhiều người vô hình mà mình gặp, mình lại thấy thích hoặc thân thiết với người này hay người kia; trong rất nhiều ngôi chùa mình đã đi, mình lại thấy gắn bó với nơi này hơn nơi kia. Những lần đầu tiên đến chùa, cứ mỗi lần thắp nhang cho người bạn thân này, là lại bị tàn nhang bay vào làm phỏng tay. A, chọc tôi ha, tôi thường đùa lại, ra làm vài chiêu đi. Sau này, thân thiết với nhau rồi, ít chọc tôi như vậy hơn.

    Mỗi lần đến chùa, đi thắp nhang cái vèo 1-2 phút là hết, cũng chẳng biết làm gì, thế là lấy kinh ra đọc. Chùa thường để một quyển đề là Kinh Nhật Tụng ở phía chính điện, kiếm một cái ghế gỗ để kinh ngồi đọc. Tôi thì không có căn tu lắm nên đọc kinh thấy bình thường, không có hứng thú lắm. Và cũng vì vậy nên một quyển kinh dày đọc vài phút là xong. Cứ đoạn nào thấy toàn chữ là khỏi đọc, có mấy đoạn chú ngắn ngắn là đọc, mấy đoạn hơi dài dài tí là làm biếng, cứ đọc nuốt chữ cho mau hết. Mỗi lần đọc, các bạn tôi cũng thường đọc theo. Ban đầu mấy bạn tôi cằn nhằn ghê lắm, vì tôi cứ đọc kiểu trên trời dưới đất. Sau này mỏi miệng quá, thấy nói tôi như không, cũng nhắm mắt đọc theo tôi luôn.

  4. #4

    Mặc định

    vậy bạn có cảm giác được người âm à??

  5. #5

    Mặc định

    Nói về chùa, tôi thấy ở vùng tôi như thế này:
    Hầu hết các chùa đều tìm cách bán đất cho xây mộ ở khu sau chùa với giá rất đắt, mộ xây cao thấp, xoay ngang dọc lung tung, chen chúc không có hàng lối.Trong sân chùa không còn cảnh thoáng đãng như xưa, đua nhau công đức, bày biện cây cảnh, đôn tượng nhằng nhịt chằng chịt.Màu sắc một số chùa vôi ve lòe loẹt. Tổng thể chùa thể hiện tư duy của mấy vị vãi già, sư mô có tầm tư duy thấp về thẩm mĩ. Một số chùa có sư chùa nghiêng về lợi lạc. Cơ cánh nhà giàu đến thì sư đón tiếp niềm nở khác hẳn người bình thường. Đây là tôi nói về nhiều chùa ở vùng tôi ở, dĩ nhiên một vài chùa ở xa, hẻo lánh, nghèo khó không phải như trên . Nhưng bây giờ đi chùa ở đây, yếu tố tâm linh xen lẫn cảm giác khó chịu về cảnh quan đã thấy rõ trong tôi.

  6. #6
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn
    Gia nhập
    Oct 2007
    Bài gởi
    1,577

    Mặc định

    NN thấy những cái cảnh trớ trêu của các chùa và các thầy như vậy thì nhiều lắm. Không phải chỉ có ở chổ huynh NS ở đâu mà các nơi, không những ở trong nước, mà ở nước ngoài cũng vậy. Bây giờ phần lớn họ lập chùa to, Phật lớn với tính cách thương mại hơn là dùng nơi đó để tu tập cho chính mình, cho chúng sanh, và truyền bá chân lý của Phật. Nhiều khi vào chùa mình thấy từ trên xuống dưới những cái độc của con người nó được thể hiện còn dữ dội hơn cả ngoài đời là đằng khác.

    Những loại chùa kiểu này, thấy lớn, thấy ngon lành lắm, nhưng NN cũng hay nói chơi là “toàn là chùa Nghèo không hà”. Vì vào chùa thì chẳng có cái gì vì cái gì cũng “nghèo”. Nghèo Phật, Nghèo Pháp, Nghèo Tăng. Nhiều khi NN thấy một ông thầy thiệt cũng không bằng một chú tiểu Sa Di trong chùa. Thấy mà đau lòng.

    Còn những chùa nghèo, ở trong những vùng hẻo lánh, thật ra chưa chắc đã “Nghèo”. Nhiều khi những chùa đó lại là những chùa “Giàu” nhất là đằng khác. Và những chùa giàu về Phật, giàu về Pháp, và giàu về Tăng thì lại là những nơi là những loại người nhà giàu họ không đến, vì họ có tiền, có chỉ cần vung tiền ra đề nghe những lời nịnh hót, hơn là những lời chân pháp để chỉ ra những cái tham, cái sân, cái si của họ.

    Làm riết rồi những chổ chùa to, Phật lớn sẽ trở thành những chổ cho Ma Vương nó cư ngụ mà thôi. Mạt Pháp là như vậy đó. Dần dần rồi Phật tử mất lòng tin đi và theo ngoại đạo rồi tất cả đều trầm luân, tráo trở trong luân hồi mà thôi.

    Vài hàng góp vui.

    Thân
    NN
    Last edited by Nhat_Nguyet; 24-10-2009 at 01:19 AM.
    To You With Love

  7. #7

    Mặc định Chùa Vĩnh Nghiêm (tiếp theo và hết)

    Thường đọc cuốn kinh này, chỉ nhớ nhất ba điều. Thứ nhất, có nêu tên của rất nhiều vị Phật và Bồ Tát. Thứ hai, đoạn kinh Phật duy nhất tôi thuộc, ba câu cuối trong bài kinh Bát Nhã: "Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha". Có lần, lên mạng đọc được đoạn dịch ra tiếng Việt của mấy câu kinh này. Mới hiểu hết ý nghĩa của nó và việc tại sao trong nhiều câu kinh tôi lại chỉ thuộc duy nhất mấy câu này. Thứ ba, câu chú Phá Địa Ngục Càn Khôn. Đọc mấy câu chú khác không sao, cứ đến câu chú này là các bạn tôi bắt tôi phải đọc đàng hoàng, đọc chậm và rõ chữ, hít thở sâu, tập trung để câu chú đi vào ý nghĩ cũng như ra bằng miệng. Mà không phải lúc nào đọc cuốn kinh này các bạn tôi cũng cho tôi đọc câu chú này, 10 lần tôi đọc chừng 3-4 lần. Còn những lần khác, cứ tới đó là lại nghe nói: thôi khỏi đọc đi anh. Thế là thôi.

    Mỗi lần đến chùa, lúc nào cũng nấn ná ở lại, mãi mới về. Nhiều lúc đói bụng hoặc buồn ngủ, hoặc vì công việc nói ghé qua chút rồi đi. Nhưng lần nào cũng vậy, cứ mỗi lần về là mọi người lại rủ ở lại chơi thêm chút nữa. Điều đó cũng khiến mình cảm thấy vui, vì tình cảm của mọi người đối với mình, cũng giống như tình cảm của mình đối với mọi người. Thế là lại ở chơi thêm chút nữa. Tôi không hiểu lắm về các mối quan hệ hay giao tiếp của mọi người vô hình ở trong cõi của họ thế nào, có giống như thế giới hữu hình hay không. Nhưng mà, ngoài những người bạn thân và các mối quan hệ thân thiết của tôi ở thế giới hữu hình, hàng ngày cứ phải chứng kiến những bon chen - giả dối - lọc lừa, thì những tình cảm chân thành của mọi người, tuy rằng ở một thế giới khác, cũng khiến tôi cảm thấy xúc động và trân trọng. Không biết, đối với mọi người ở cõi vô hình, suy nghĩ có giống như tôi hay không. Chắc là cũng giống hoặc là không khác nhau nhiều lắm.

    Có một lần, lên trang web của chùa Vĩnh Nghiêm. Đọc được những hoạt động phật sự của chùa, trong đó có hoạt động cầu siêu ở Côn Đảo, Quảng Trị,... Thấy rất vui. Có lần đọc được đoạn tin về việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ghé thăm và thắp nhang ở chùa. Thấy rất vui và tự hào lây, vì hồi đó giờ mình không nghĩ một trong những ngôi chùa mà mình gắn bó và cảm thấy thân thiết lại có những việc làm thật có ích, hoặc có vinh dự lớn như vậy. Bởi vì ngày đầu tiên đến chùa, hoặc khi đi bất cứ chùa nào, tôi cũng không quan tâm lắm chùa đó lớn nhỏ, nổi tiếng hay không, hoặc như thế nào. Chỉ là đọc được ở đâu đó rồi nói đi vậy thôi. Nhưng có lẽ cái đọc được ở đâu đó, và đi, nhiều khi cũng là cái duyên mà mình không biết.

  8. #8

    Mặc định

    Đọc đoạn viết của huynh Nhat_Nguyet nói về chuyện nhiều chùa chỉ là nơi cho Ma vương cư ngụ. Chợt nhớ tới chùa sát nhà tôi ở quê. Về nhà, má tôi có khi kể cho tôi nghe những chuyện không hay ở chùa, nào là thấy người nghèo tới thắp nhang thì khinh khi, thấy người giàu tới thắp nhang thì xun xoe, nịnh bợ,... Rồi những chuyện khác nữa. Tôi nói với má tôi rằng. Mình ở đây từ đó tới giờ, cái khu chùa thì nhiều ma quỷ, mình cũng biết. Mà chùa thì lại không có Phật, ma quỷ ở trong đó cũng là đương nhiên. Mấy người trong chùa riết rồi bị ma quỷ nó điều khiển, tâm ma, thân thể ma, dần dần có khác gì ma quỷ đâu. Mà ma quỷ nó khinh khi người nghèo, nịnh bợ người giàu cũng là chuyện đương nhiên, bởi vì người nghèo đâu có cúng được gì cho nó ăn. Người giàu mới cúng được cái này cái kia cho nó ăn.

    Chỉ thấy thương cho những người trên danh nghĩa là nương nhờ cửa Phật. Và những người trên danh nghĩa là đến chùa làm việc thiện. Cũng bởi vì cái tâm của họ ban đầu còn nhiều lệch lạc. Âu cũng là số phận và cái nghiệp của họ.

  9. #9

    Mặc định Chùa Hoằng Pháp

    Chùa Hoằng Pháp
    Tân Hiệp, Hóc Môn, TP.HCM
    www.chuahoangphap.com.vn

    Chùa Hoằng Pháp là ngôi chùa thân thiết nhất đối với tôi. Cũng bởi vì ở đây, tôi có những người bạn rất thân thiết. Vậy mà lâu thật lâu mới có dịp ghé thăm chùa một lần. Cái này cũng giống như con cái xa quê lâu mới có dịp về thăm nhà một lần. Tôi biết đến chùa Hoằng Pháp từ sự kiện triển lãm Phật Ngọc. Đọc được tin thấy có được tổ chức ở chùa Hoằng Pháp, thầm nghĩ trong đầu chắc ngôi chùa này phải có gì đó rất đặc biệt. Thế là quyết định đi.

    Lên google, diadiem tìm địa chỉ và đường đi. Đi vòng vèo, vừa đi vừa hỏi đường, cuối cùng cũng đến nơi. Ấn tượng đầu tiên khi đến chùa là thấy sao hai bên đường đi vào chùa có nhiều quán ăn thế nhỉ. Vì hồi đó giờ tôi có bao giờ đi đến những nơi nổi tiếng theo kiểu hành hương bao giờ đâu. Ghé vào ăn sáng, cảm nhận những người dân ở đây rất chân thành, hiền hậu, không khí rất sáng sủa, trong lành. Chỉ có điều thức ăn ở mức độ trung bình, chắc cũng tại vì tôi kén ăn và ăn chay thường xuyên nên sinh ra ngán.

    Vào chùa, gửi xe, chợt thấy một cô lớn tuổi đang đứng loay hoay dắt xe ra, thế là tôi bước đến dắt xe dùm cô ấy. Hóa ra cái đó là có người thử lòng tôi. Sát bên bãi giữ xe là nơi thờ và tượng của Quán Thế Âm Bồ Tát. May mà lúc đó sao lòng tốt trong tôi trỗi dậy, dắt xe dùm. Chứ tôi thường hành động theo cảm hứng, lúc thế này lúc thế kia. Sau này, tôi vẫn thường hay đùa rằng: trời ơi, tôi thế nào mọi người đều biết cả, thế mà còn thử lòng tôi, thật là ngại quá.

    Chùa có một không gian rất rộng, rất thuận tiện tổ chức các hoạt động Phật sự lớn. Bước vào khoảng sân phía trước, đã nghe tiếng gọi mình. Thế là tôi ghé vào cái tháp nhỏ ở nơi khoảng sân trước tòa chính điện. Cái tháp tên gì tôi quên mất. Ngồi chơi nói chuyện một hồi. Rồi đi ra ghế đá ngồi chơi. Vì không gian chùa rất rộng, và có nhiều bóng mát nên rất yên bình. Ngồi chơi, ngắm mọi người đi chùa qua lại, giữa khung cảnh chùa dịu mát, lòng cảm thấy thật dễ chịu.

    Bước vào chính điện, thủ tục đầu tiên tất nhiên là chào hai vị Kim Cang ở hai bên trước chính điện. Chính điện rất rộng và trang nghiêm. Nhưng mà mấy cái bàn để ở trước thì không được đẹp bằng bên chùa Vĩnh Nghiêm. Phía sau tượng Phật là khoảng không gian đặt tượng các vị La Hán. Lần đầu tiên tôi mới được biết đến tất cả các vị La Hán. Cũng thật vui là có nhiều người ở trong các tượng. Lần đầu tiên gặp mặt nhưng thấy cũng gần gũi với mọi người. Bước ra phòng để cốt thắp nhang cho mọi người, một thủ tục không thể thiếu khi ghé thăm một nơi nào đó. Ngồi phía sau chính điện, nói chuyện chơi vui với mọi người.

  10. #10

    Mặc định

    Tôi thì mến chùa Việt Nam Quốc Tự và chùa Phật Quang , hồi trước khi thất tình tôi khóc nhiều lắm , nhưng khi được nhìn tượng Phật bà Quan Âm ở Việt Nam quốc tự (xưa là viện hóa đạo) thì tôi thấy lòng thanh thản , có lẽ Phật hiểu cho tôi cũng như bao chúng sinh chìm đắm trong cái thế giới ta bà khổ nhiều hơn vui này .

  11. #11

    Mặc định Chùa Hoằng Pháp (tiếp theo)

    Đang ngồi phía sau chính điện, chợt thấy một người con gái, một phật tử ở trong chùa đi ngang trước mặt. Người con gái này có một gương mặt rất nhân hậu, nếu mà lớn tuổi người ta hay kêu là phúc hậu, còn bên đạo Thiên Chúa hay kêu là thánh thiện. Chợt thầm nghĩ trong lòng giống như là bồ tát tái sinh. Sao có những người nhìn vào khuôn mặt là mình nghĩ ngay đến việc họ theo đạo Phật, giống như trên mặt hiện lên chữ tu. Chợt nghĩ tới khuôn mặt của mình, nhiều lúc rất mắc cười. Có khi tôi nói với ai đó: tôi là người đi tu nè. Là người ta phá lên cười, mày mà tu cái gì.

    Chùa có đãi cơm chay buổi trưa vào lúc 11g, nhà ăn nhìn rất rộng và thoáng mát. Đáng tiếc là tôi vừa ăn sáng xong nên chưa thấy đói. Không có cơ hội được thưởng thức tài nấu ăn của các đầu bếp ở chùa.

    Tôi đi ra phía tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, thắp một cây nhang, và ngồi xem mọi người thắp nhang. Có người thắp nhang xong, xin nước uống. Hầu như ở rất nhiều chùa, nơi đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát thường có khói hương nghi ngút, mọi người đến thắp nhang cầu xin Bồ Tát phù hộ cho mình.

    Tôi ngồi xem, và nói chuyện với Bồ Tát.

    Tôi hỏi: ủa, vậy ai đến thắp nhang mình cũng phù hộ, giúp đỡ người ta à. Không, cũng tùy người chớ, người có thiện tâm, làm nhiều việc phúc đức mới được giúp đỡ. Tôi định hỏi sao biết ai tốt ai xấu, nhưng cảm thấy hỏi vậy là thừa. Chuyện đó đối với Bồ Tát là quá nhỏ.

    Tôi hỏi: ủa, vậy không công bằng lắm. Tự nhiên một người có chút phúc đức, rồi biết đến cửa Phật, biết đến thắp nhang cầu xin, thì lại được phù hộ. Còn những người tuy có nhiều phúc đức nhưng vì lý do gì đó, họ không biết đến để mà cầu xin, thì lại bị thiệt thòi. Không, cũng không hẳn việc giúp đỡ là một món quà từ bên ngoài ban cho. Nó gần như là lấy của chính họ cho chính họ. Tôi tự giải thích với lòng mình rằng: cũng giống như một người sắp chết đói, họ cầu xin và được giúp đỡ có người đem đến cho họ một gói mì tôm. Sau này, khi đã giàu có, họ đem gói mì tôm đó trả lại, ví dụ như ủng hộ đồng bào lũ lụt một thùng mì tôm. Chẳng qua là Bồ Tát lấy một mì tôm của họ trong tương lai để cho họ, chứ gói mì tôm đó chẳng phải của Bồ Tát. Nhưng mà ý nghĩa của nó tại hai thời điểm thì khác nhau rất nhiều. Cũng giống như câu nói: một miếng khi đói bằng một gói khi no.

    Tôi nói: ủa, nếu vậy người đã có nhiều phúc đức mà biết tiếp tục làm phúc, rồi cầu xin, thì sẽ được rất nhiều lợi ích. Thì chính xác là vậy. Sau này, tôi vẫn thường nói vui rằng, đầu tư vào việc thiện và cửa Phật là cách đầu tư sinh lời nhiều nhất.

    Ngồi xem Bồ Tát làm việc. Chỉ một lúc mà biết bao nhiêu người đến thắp nhang, phải xem họ tốt xấu thế nào, rồi xem họ cầu xin cái gì, rồi tùy vào đó mà giúp đỡ họ nhiều ít thế nào. Công việc thấy rất mệt. Tôi hỏi làm việc nhiều như vậy có thấy mệt không. Thì đó là công việc, và cũng là phát nguyện của Quan Thế Âm Bồ Tát lắng nghe và giúp đỡ mà. Tôi càng nhận ra một điều rằng, mọi người ở cõi vô hình, cho dù địa vị như thế nào đi nữa, vẫn có những buồn vui, tâm tư-tình cảm-suy nghĩ như mỗi con người chúng ta. Hiểu và cảm thông, càng thấy khâm phục suy nghĩ và phát nguyện hướng đến chúng sanh của mọi người. Lòng chợt nghĩ đến những câu chuyện đọc được ở đâu đó về những Bồ Tát bằng xương bằng thịt giữa đời thường.

  12. #12

    Mặc định Chùa Hoằng Pháp (tiếp theo và hết)

    Ngồi nói chuyện một hồi, mệt và buồn ngủ, tôi vào hành lang nằm ngủ một giấc. Đến khi đói bụng mới tam biệt mọi người ra về.

    Chùa rất đặc biệt là có rất nhiều khóa tu. Có khóa tu 1 ngày, 1 tuần lễ. Còn có khóa tu mùa hè 1 tuần lễ dành cho các thanh thiếu niên. Có một lần, tôi đến chùa vào ngày bắt đầu khóa tu mùa hè. Cửa chùa đóng kín mít, không cho mọi người vào. Thì ra trong 1 tuần, các em hoàn toàn tu học ở bên trong chùa. Bên ngoài thấy còn rất nhiều phụ huynh và các em nhỏ xin được vào học. Nhưng vì đã hết chổ nên không được cho vào. Nhìn khung cảnh mọi người năn nỉ để con mình được vào học, mới thấy còn có rất nhiều người mong ước bản thân và con cái hướng đến những điều thiện. Thấy rất ấm lòng.
    Không được vào chùa thắp nhang và thăm mọi người, nhưng thấy lòng rất vui, đã không uổng công đi lên tận đây.

  13. #13

    Mặc định Nhà thờ Fatima Bình Triệu

    Đọc trên các diễn đàn, nghe nói nhiều về sự linh của nhà thờ Fatima Bình Triệu, thế là tôi quyết định đi. Một buổi chiều cuối tuần, tôi chạy ra Bình Triệu. Hỏi đường đến nhà thờ, gửi xe rồi đi vào. Hai bên đường có nhiều chỗ giữ xe, bao nhiêu đó cũng cho thấy được bình thường có nhiều người đến đây. Sau này, tìm hiểu nhiều hơn, mới biết chuyện hồi Đức Mẹ khóc, người ta đến chật cả đường.

    Khuôn viên nhà thờ tương đối rộng, khung cảnh buổi chiều cuối tuần trước khi buổi lễ bắt đầu rất mát mẻ và yên bình. Tôi bước vào thánh đường, hai bên phía trong cửa vào là nơi để thắp nến, cũng như tượng hai vị Kim Cang trong chùa. Buổi lễ chưa bắt đầu, chỉ có một ít người, tôi kiếm một chỗ và ngồi xuống. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là những lời cảm ơn Đức Mẹ được viết trên các tấm biển nhỏ gắn vào tường. Số lượng quá nhiều khiến tôi thấy choáng ngợp, chỉ bao nhiêu đó thôi đủ thấy sự linh ở nơi này.

    Mọi người đi lễ bắt đầu vào nhiều hơn. Rồi buổi lễ bắt đầu. Cũng không phải là lần đầu tiên tôi đi đến nhà thờ nên tôi thấy quen thuộc và bình thường. Cũng không có nhiều kiến thức về đạo Thiên Chúa, nên những lời cha giảng tôi không hiểu lắm. Nhưng tựu chung đều hướng con người sống thiện, biết yêu thương nhau. Nói như ngôn ngữ của đạo Phật, là Vạn Pháp Quy Tâm. Cũng như tôi thường nói với mình rằng, đạo không có đúng sai tốt xấu, chỉ có người theo đạo tốt xấu mà thôi. Ngồi chẳng biết làm gì, tôi nói chuyện chơi với Đức Mẹ. Tôi chẳng biết gì về Đức Mẹ Fatima, nhưng cảm nhận của tôi Đức Mẹ giống hệt như Quan Thế Âm Bồ Tát, cũng yêu thương và giúp đỡ mọi người, giúp cho thế gian bớt khổ đau.

    Rồi buổi lễ kết thúc. Tôi đi dạo ra phía sau. Nơi có đặt một bức tượng của Đức Mẹ. Điều làm tôi rất ngạc nhiên là phía trước lại có đặt một lư hương. Tôi thắp một cây nhang. Rồi trở vào thánh đường. Vẫn còn có người cầu nguyện với Đức Mẹ. Thôi thì tôi đành ngồi chờ vậy. Chờ mãi, vừa hết người này, định vào, thì lại có người kia. Cứ thế bắt tôi chờ mãi. Mà có việc phải đi, khiến tôi nóng ruột. Nhưng trong lòng vẫn biết và nhủ thầm, lại thử lòng tôi nữa rồi. Thôi thì ngồi chơi một chút vậy.

  14. #14

    Mặc định Nhà thờ Fatima Bình Triệu (tiếp theo và hết)

    Cuối cùng thì cũng không còn ai, tôi vào nói chuyện với Đức Mẹ. Xong rồi bước qua nơi đặt tượng sát bên, tôi cũng chẳng biết là tượng của ai. Có vài người đang ngồi cầu nguyện ở đó. Tôi chào mọi người vô hình ở đây. Rồi bước ra khỏi thánh đường, chào tạm biệt mọi người ở cửa, xong ra lấy xe về.

    Trên đường về, lòng tôi cứ nghĩ mãi. Hồi đó đến giờ, cũng có đi vài nhà thờ, cũng có chút xíu xiu kiến thức về đạo Thiên Chúa. Nhưng không nghĩ rằng nhà thờ ở đây, về sâu xa trong thế giới vô hình, có nhiều nét rất giống một ngôi chùa. Nếu diễn đạt theo hướng ngược lại, thì trong nhiều ngôi chùa tôi đã đi, về sâu xa trong thế giới vô hình, có nhiều nét giống nhà thờ ở đây. Rồi tôi đến thăm nhà thờ Fatima trên đường Nguyễn Trãi, có thể coi là một chi nhánh của nhà thờ Fatima Bình Triệu, rất ngạc nhiên là nhà thờ có một phòng để cốt, có lư hương và nhang. Cũng có người vô hình quản lý, và hướng dẫn tu tập. Vào thắp nhang, cứ ngỡ mình lạc vào một ngôi chùa.

    Sau này, đi nhiều nơi nữa, tôi càng nhận ra rằng: pháp môn này hay kia, tôn giáo này hay kia, hay cái gì gì này hay kia đi chăng nữa, cũng chỉ có tính tương đối mà thôi. Nói chuyện với Đức Mẹ, sau này là với nhiều người ở nhiều hướng khác nhau nữa, càng thấy rõ một điều: mỗi con người, phần vô hình hay hữu hình, sinh ra, lớn lên, mất đi, và làm việc trên đất nước Việt Nam này, hoặc trên trái đất này, nếu mang trong mình một cái tâm thánh thiện, biết nghĩ đến người khác, biết nghĩ đến chúng sanh, biết nghĩ đến những người lao động hàng ngày khổ cực kiếm ba bữa cơm ở ngoài kia, thì sẽ không mê chấp cái này cái kia, tranh cãi cái này cái kia, chứ đừng nói tới lợi dụng tôn giáo hay tâm linh làm những việc xấu xa hại người hại mình.

    Nhiều khi biết được những chuyện có những người lợi dụng tôn giáo hay tâm linh vào những mục đích không tốt đẹp gì cho lắm. Lòng cảm thấy rất mắc cười, buồn cười, và nực cười. Nhất là những có nhiều kiến thức về tôn giáo hay tâm linh, hiểu được nhân quả báo ứng. Nhiều lúc thầm nghĩ trong đầu, sao họ không nghĩ rằng, những suy nghĩ, dự định, hành động của họ có thể lừa được một vài người, chứ làm sao có thể lừa được rất nhiều người, làm sao lừa được phần vô hình. Họ cứ nghĩ trong đầu, tôi làm như vậy đó, sao vẫn giàu sang sung sướng, có thấy báo ứng gì đâu. Những hình phạt, báo ứng trong tâm họ ở kiếp này, và nhiều kiếp sau nữa, hoặc những hình phạt khác là đã quá đủ cho họ đau khổ rồi. Hổng lẽ họ muốn phần vô hình đến mức phải sai ma quỷ đi xô xe họ, nhập cho họ điên điên khùng khùng hay quậy cho tan nhà nát cửa mới chịu hay sao.

  15. #15

    Mặc định Linh Quang Tịnh Xá

    Linh Quang Tịnh Xá
    40/60 Nguyễn Khoái, P.2, Q.4, TP.HCM

    Linh Quang Tịnh Xá là ngôi chùa duy nhất tôi nhớ địa chỉ một cách chính xác. Cũng bởi vì ở đây có trị bệnh tà. Cứ thầm nghĩ trong đầu là nhớ địa chỉ của nó để nếu có gặp ai bị bệnh tà thì chỉ người ta đến đây trị.

    Đọc trên diễn đàn, thấy nói nhiều đến nơi đây. Thế là tôi quyết định đi. Địa chỉ cũng dễ tìm. Tôi chạy thẳng đến chùa, gửi xe tại nhà trước cổng chùa, rồi đi vào chùa. Ấn tượng đầu tiên là có một cây cầu giả nhỏ dẫn vào chùa. Bước đi qua cảm giác giống như bước qua cầu Nại Hà trong mấy truyện. Chánh điện tương đối rộng, khuôn viên chùa thì nhỏ hơn các chùa khác. Một điều cũng rất đặc biệt là chùa có khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Tôi đến vào buổi trưa, chùa có đãi cơm chay vào buổi trưa. Tiếc là mới ăn cơm xong nên không được ăn cơm chùa.

    Tôi ngồi chơi và xem mọi người ăn cơm. Có nhiều người lao động nghèo vào ăn cơm buổi trưa, cũng có những người đưa người thân đến trị bệnh. Q.4 có nhiều người dân lao động. Hồi đó, vào Sài Gòn, nghe đồn Q.4 giang hồ nhiều lắm. Sau này, đi làm, có khoảng thời gian tiếp xúc trực tiếp với người dân ở đây, mới thấy người ta nói đúng. Nhưng mà, tôi thấy hầu hết mọi người, bên ngoài tuy dữ dằn, nhưng bên trong rất thật thà và dễ gần. Chắc cũng tại vì tôi sinh ra và lớn lên ở một xóm lao động nghèo nên có cảm nhận như vậy.

    Ngồi một xíu buồn ngủ, tôi dạo lên tháp để cốt, kiếm cái ghế nằm ngủ một giấc. Được một chút chợt có tiếng chuông, thế là tôi đi xuống tháp. Thì ra sau giờ cơm trưa là bắt đầu trị bệnh tà cho mọi người, ngoài trị bệnh tà còn có trị các bệnh mãn tính của người già. Phần vô hình, ngoài việc trị bệnh về tâm linh, còn rất giỏi trong việc làm giảm đau đớn về thể xác, các bệnh ngoài da,... Như với tôi, đau tay chân, hoặc bị sưng gì đó, ngủ một giấc, các bạn tôi làm vèo cái, ngủ dậy hết liền. Trừ khi là trả nghiệp cho cái gì đó, phải chịu như vậy, thì các bạn tôi đứng nhìn thôi. Chứ có trị cho tôi hết, lại phải trả qua cái khác cũng vậy.

    Tôi ngồi xem. Mọi người xếp thành một hàng dài, sau lưng một vị hòa thượng tuổi cũng còn trẻ, đi 3 vòng trong chính điện, vừa đi vừa niệm to Nam Mô A Di Đà Phật. Xong rồi ngồi xếp hàng theo thứ tự, đợi lên trị bệnh. Một vị hòa thượng cao tuổi, đặt một cái mõ lên đầu người bệnh, vừa gõ mõ vừa đọc chú, xong rồi bắt ấn vào chai nước, để người bệnh đem về nhà uống. Có một người có vẻ bị nặng, ăn nói lảm nhảm, người nhà phải xích chân bằng một sợi xích sắt. Có nhiều người già bị bệnh về vận động tay chân, bại liệt, chắc là đến đây thường xuyên. Có người mới đến lần đầu, có người đến nhiều lần, người thì ở xa tới. Ngồi buồn, các bạn tôi muốn lên cùng giúp trị bệnh cho mọi người. Ừ, mấy em thích làm gì thì cứ làm. Thế là các bạn tôi cũng lên góp thêm tí lực giúp mọi người mau hết bệnh hơn.

  16. #16

    Mặc định

    Đọc loạt bài viết của Huynh Maiyen099, làm Lytrac cứ ngỡ như mình là một khách bộ hành theo chân của bạn rong ruổi khắp các nẻo đường tâm linh. Ngày còn ở quê nhà, tiếc là Lytrac không có được phút trầm mình trong cõi tâm như bạn. Cái Lytrac còn nhớ, không liên quan gì đến chùa chiền, mà lại là nhà thờ . Nhà Lytrac không gần chùa nhưng lại gần một xóm đạo và nhà thờ. Tuổi thơ trãi qua trong một xóm lao động nghèo, khó có thể quên được hình ảnh những giáo dân thành kính mỗi chiều đến nhà thờ, thành tâm hướng về Đức Chúa, tiếng chuông nhà thờ lanh lảnh vang xa, tiếng cầu kinh trầm hùng đều đặn. Có lẽ theo thời gian, sức khoẽ và nhiệt huyết trong đời thường cũng lắng xuống, nhường bước cho thế giới tâm linh rộng mở ra thêm. Lytrac vẫn mơ có một cuộc sống (vì là mơ cho nên có vẻ màu mè và thi vị hơn những gì Huynh Maiyen thực nghiệm), những buổi chiều trầm lặng, tinh thần mệt mỏi sau những toan tính mưu sinh đời thường, ta thanh thản dạo bước quanh con đường nho nhỏ của sân chùa, thắp nén nhang dâng chư Phật, và lặng yên đắm mình ngồi trên chiếc ghế trong khuôn viên chùa, khoan khoái để tâm hồn mình được thưởng thức mùi nhang trầm thoang thoãng và tiếng chuông chùa trầm trầm vang xa. Thật là thi vị phải không bạn :) ? Có lẽ đó cũng chỉ là một biểu hiện của lòng tham vi tế của tâm thức, hoặc là Lytrac cũng đang mắc phải căn bệnh của thường tình của nhân sinh "đứng núi này trông núi nọ".

    Và, giấc mơ của Lytrac cũng chỉ đến thế đó mà thôi, chứ còn cái khoản "ngã mình đánh một giấc trên chiếc ghế trong tháp đựng tro cốt" như Huynh Maiyen099 thì xin cho Lytrac chỉ làm thính giả nghe Huynh kể chuyện vậy, chứ thật không dám tơ tưởng :)!

    Xin cám ơn các bài viết của Huynh và mong Huynh tiếp tục nhé !

    Lytrac

  17. #17

    Mặc định

    Chào anh lytrac,

    Rất cảm ơn anh vì những lời chia sẻ, động viên. Đọc các bài viết của anh trên diễn đàn, đoán là chắc anh lớn tuổi hơn em, nhiều khi lớn hơn nhiều nữa kia. Em thì mới 8x thôi, vẫn còn chưa có vợ con.

    Còn về cái khoản "ta thanh thản dạo bước quanh con đường nho nhỏ của sân chùa, thắp nén nhang dâng chư Phật, và lặng yên đắm mình ngồi trên chiếc ghế trong khuôn viên chùa, khoan khoái để tâm hồn mình được thưởng thức mùi nhang trầm thoang thoãng và tiếng chuông chùa trầm trầm vang xa", đó cũng là điều em luôn ao ước bấy lâu nay. Nhưng mà rất nhiều lúc cũng chỉ là mơ ước. Em đi chùa, và nhiều nơi khác, phần lớn là vì công việc và nhiệm vụ ở thế giới vô hình, chẳng có nhiều thời gian và một tâm trí thật thanh thản để tận hưởng cái cảm giác mà mình hằng mong ước.

    Còn cái chuyện nằm ngủ trong chùa, thì có nhiều kỷ niệm cũng vui lắm. Nhiều khi đến chùa gặp lúc trưa nắng quá, làm biếng về nhà, mà lại buồn ngủ, thế là kiếm chổ nào đó chui vào ngủ đại. Thế là trước sau gì về nhà cũng bị "nhắc nhở" nhức đầu xổ mũi 1-2 tiếng đồng hồ vì cái tội làm mất "mỹ quan đô thị" của chùa.

  18. #18

    Mặc định

    :)

    Xin chào Maiyen099,

    Đọc các bài viết của bạn, Lytrac biết là của một người trẻ tuổi và còn đang "rãnh" chứ :), bởi lẽ khi có thêm một nữa kia của cuộc đời, thì chắc là sẽ không còn thong dong tự tại như vầy đâu. Cái Lytrac kính phục đó là bạn có một đời sống, có lẽ thiêng về mặt tâm linh nhiều hơn vật chất, ở cái tuổi mà hầu như ít người trẻ tuổi nào lưu tâm nhiều đến nó. Tứ Hải Giai Huynh Đệ mà, Lão Ngoan Đồng đã không phục sát đất Dương Quá hay sao, hơn nữa Lytrac phải còn vài mươi năm nữa mới thành Lão Ngoan Đồng lận :). Trường Giang sóng sau dồn sóng trước, huống chi cái đợt sóng như Lytrac chỉ là những gợn sóng lăn tăn. Ngày Lytrac bằng tuổi như bạn, chắc có lẽ "ăn hại" nhiều hơn là "ăn lợi" (ngày nay thì chắc vẫn thế). Đã là thiếu hiệp, thì mai này sẽ thành đại hiệp mà, chứ làm tiểu ma đầu, thì ngày sau cơ hội thành đại hiệp coi bộ cũng khó .

    Chúc bạn và các bạn của mình luôn được thuận duyên để mang lại những nghiã cử cao đẹp, hành thiện giúp đời và cũng nên hoàn thiện cái giấc mơ nho nhỏ của mình, sống trong những phút giây trầm lắng và thanh thản nhất của nội tâm mình nhé !

    Lytrac

  19. #19

    Mặc định Chùa Bà Thiên Hậu (Tuệ Thành Hội Quán)

    Chùa Bà Thiên Hậu (Tuệ Thành Hội Quán)
    Di tích kiến trúc - văn hóa - lịch sử quốc gia
    710 Nguyễn Trãi, P.11, Q.5, TP.HCM

    Đọc các trang web về du lịch, hay thấy giới thiệu nơi này. Thế là tôi quyết định đi. Nhiều khi mình cứ nghĩ đi đến nơi này hay nơi kia, chỉ là những quyết định ngẫu nhiên, hay tình cờ. Nhưng mà mọi việc đều có duyên của nó, và được sắp đặt từ trước. Đối với tôi, điều đó lại càng đúng hơn. Chỉ có điều là mình không được biết trước, để mọi việc được diễn ra tự nhiên mà thôi.

    Mà cứ hễ đến nơi nào có công việc một chút là y như rằng tôi phải chạy vòng vòng hoặc là bị cái gì đó. Nên đi đâu mà chạy cái vèo đến nơi, là tôi biết ngay rằng đến đây chơi cho vui thôi. Cái đường Nguyễn Trãi đoạn ở chùa lại bị một chiều, mà chẳng biết nó nằm khúc nào nên phải chạy vòng vòng. Rồi liều chạy một đoạn ngược chiều, vừa chạy vừa ngó nghiêng canh chừng công an, thiệt là đi chùa mà cứ như đi ăn trộm. Đã vậy sớm nó không mưa, muộn nó không mưa, canh lúc tôi gần đến chùa nó mưa, mà lại mưa lâm râm làm người ướt thật khó chịu.

    Đến chùa, nhìn qua nhìn lại chẳng thấy chổ giữ xe, bèn hỏi chú xích lô đang đứng trước cổng chùa. Chú ơi, ở đây để xe ở đâu vậy chú. Cứ dắt sát lên lề, rồi khóa cổ lại. Tôi biết chú đó nói thiệt. Và cũng biết là để đó không bị sao (các bạn tôi nói như vậy). Nhưng mà vô sản quá nên thôi chắc cú kiếm chổ gởi xe vậy. Chạy xíu cũng kiếm được tòa nhà ngân hàng gởi xe. Rồi đi bộ đến chùa.

    Phải nói là đi chùa cũng được nhiều nhiều, trong rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng và có nhiều người đi, tôi thấy nơi đây là ít lộn xộn nhất. Trước chùa chỉ có duy nhất một người ngồi bán nhang. Chùa ở trung tâm thành phố, nhưng phía trước và khoảng sân chùa, khung cảnh rất yên tĩnh và sạch sẽ. Đi nhiều nơi, rút ra một kinh nghiệm rằng, phần vô hình và hữu hình của một ngôi chùa gắn bó rất chặt chẽ với nhau. Ở đâu mà phần hữu hình tốt, thì y như rằng phần vô hình cũng tốt, và ngược lại. Tôi hay nói đùa rằng: cứ cho tôi biết người giữ xe ở chùa của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết chùa của bạn như thế nào.

  20. #20

    Mặc định Chùa Bà Thiên Hậu (Tuệ Thành Hội Quán) (tiếp theo)

    Vừa bước qua bậc cửa, nghe thấy tiếng chào mình. Thì ra hai bên ngay phía sau cửa là nơi thờ, cũng giống như hai vị Kim Cang trong mấy chùa khác. Đi chùa, mới bước vào một chùa nào đó, mà mọi người vui vẻ và thân thiết đối với tôi, thì y như rằng sau đó tôi cũng thấy rất thân thiết đối với mọi người. Bởi vì, ban đầu, tôi đâu biết chùa đó như thế nào và mọi người ở đó ra sao đâu. Nhưng mọi người ở đó, vì có thông này thông kia nên biết được tôi trước và rõ hơn. Cũng có nhiều chùa rất vui, bước vào, rồi đi khắp chùa, chẳng ai nói với mình một câu, giống như tránh né điều gì. Những lúc như thế, tôi cũng chỉ cười vui, đi dạo một vòng rồi về thôi.

    Chính giữa chùa có một khoảng sân rộng, giữa có đặt một lư hương thật to. Bên trái, trên vách, có dán nhiều miếng giấy hình chữ nhật nhỏ, chữ Hoa, ghi lại những người đã cúng dường cho chùa. Tôi thấy cúng nhiều nhất là gạo. Bên vách bên phải thì treo nhiều bức tranh, và treo bằng chứng nhận di tích cấp quốc gia được trao cho chùa từ năm 1993.

    Bước vào bên trong là gian thờ chính. Bên trái và phải có hai phòng thờ. Bên ngoài một chút có một phòng khách. Rất đặc biệt là trong phòng khách có treo bút tích của tổng thống Hungary và Thụy Sỹ khi đến thăm chùa. Phòng khách rất lịch sự và tao nhã. Bên trái một chút là gian hàng nhỏ của chùa bán các vật phẩm để mọi người cúng. Đặc biệt thấy bán nhiều nhất là nhang khoanh hình chiếc lồng thật to để mọi người thắp và treo lên. Phải nói là việc vệ sinh và quản lý ở đây rất tốt. Những người chăm sóc chùa nhìn khuôn mặt rất chân thật, thiện cảm, và làm rất tốt phần việc của mình.

    Đứng ở gian giờ chính, sao chẳng thấy có ai. Bèn bước qua gian bên phải, mới thấy có người. Gian này thì không có thắp nhang, không khí rất yên tĩnh. Thì ra vì chùa có rất nhiều người đến viếng, lại có nhiều khách nước ngoài, nên nhiều lúc ở phía trước không được yên tĩnh. Nên phải trốn qua đây thư giãn. Tôi nói chuyện vài câu rồi bước trở ra ghế đá ở phía gian chính, ngồi chơi và nói chuyện vui lâu lâu hơn với mọi người.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •