Trị bệnh bằng... dao Thái Lan
Thứ Năm, 15/10/2009 --- cập nhật 02:45 GMT+7


Ông Ca Văn Vẽ, hội viên Hội Đông y xã Phong Tân, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, khiến nhiều người phải “tiền mất tật mang” vì kiểu chữa bệnh dị thường, lừa bịp.

Theo phản ánh của bạn đọc, chúng tôi tìm đến nhà ông Ca Văn Vẽ (thường được gọi là “sư cậu”) tại ấp 18, xã Phong Tân, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Nhà “sư cậu” chỉ cách trụ sở UBND xã độ 2 km. Hôm chúng tôi đến, “sư cậu” chưa về vì đang bận công tác ở trạm y tế xã.


“Làm phước” nhưng xin tiền



Qua hỏi thăm những người tụ tập chờ “sư cậu” hốt thuốc, được biết “sư cậu” có khả năng chữa trị được bá bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo. Phương pháp chữa bệnh của “sư cậu” rất đặc biệt, đó là dùng... lưỡi lam, dao Thái Lan mổ lưng những người bệnh mà theo “sư cậu” phán là bị... ếm bùa.


Theo trình bày của anh Lý Văn Tùng (ấp 23, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai), anh bị đau cột sống rất nặng nên đã tìm đến “sư cậu” để chữa trị. Sau khi bắt mạch, “sư cậu” phán:“Ông bị ếm bùa rất nặng, cần phải mổ lấy đồ ếm ra thì mới khỏi”.



Chị Lý Thị Thiệp, một nạn nhân, với lá bùa trừ tà do "sư cậu" đưa cho



Trước khi tiến hành “phẫu thuật”, anh Tùng được khuyến cáo phải uống khoảng 2 tháng thuốc để bùa ếm gom lại. Thế là cứ vài ngày anh Tùng phải chạy sang nhà “sư cậu” để hốt thuốc. Tiếng là làm phước nhưng thùng “phước thiện” lúc nào cũng được “sư cậu” đặt ngay lối đi nên con bệnh nào cũng “tự nguyện” bỏ vào 50.000 đồng sau khi hốt thuốc.


Anh Tùng nhớ lại: Trước khi mổ,“sư cậu” dặn mua nhang, đèn, trái cây và cả bông gòn, ôxy già... mất trên 300.000 đồng. Những thứ này được bán sẵn tại am của “sư cậu”. Khi mổ, bệnh nhân phải nằm sấp dưới gạch, hướng đầu về... bàn tổ.

Trong am tối om chỉ có ánh đèn cầy leo lét. Trước khi tiến hành “phẫu thuật”, “sư cậu” đốt một bó nhang 24 cây rồi vừa thổi vừa lẩm bẩm niệm chú, sau đó lấy một lá bùa lớn trùm lên lưng bệnh nhân. Kế tiếp, “sư cậu” lấy dao Thái Lan mổ hai đường trên lưng, mỗi đường dài khoảng 2 cm, rồi hút ra 2 cây đinh 4 phân và 2 cục thịt bằng ngón tay, giống hệt... thịt trâu.


“Vì lúc đó nằm sấp, trời tối om nên tưởng “sư cậu” lấy đinh, thịt trong người mình ra thật, đâu ngờ đó là trò lừa đảo của tay lang băm này”- anh Tùng bức xúc. Theo anh Tùng, mổ xong, “sư cậu” nói không lấy tiền, chỉ làm phước nhưng lại gợi ý cần tiền tráng sân, mua máy xay thuốc... nên anh đã đưa 1,5 triệu đồng.

Hiện nay trên lưng anh Tùng vẫn còn 2 vết sẹo và căn bệnh đau cột sống của anh thì vẫn trơ trơ, gây đau nhức khó chịu thêm. Khi đi khám tại TPHCM, bác sĩ cho biết anh bị bệnh thần kinh tọa.
Bắt người bệnh phục vụ cho mình



Chị Lý Thị Diệu cũng từng bị ông Vẽ “phẫu thuật” và kết quả còn bi đát hơn. Chị Diệu cho biết do thường xuyên bị mệt nên tìm tới nhà “sư cậu” hốt thuốc nam để uống. Khi bắt mạch xong, “sư cậu” thông báo hung tin là chị bị ếm bùa nặng, cần uống thuốc thật nhiều rồi mổ. Tin lời, chị Diệu uống thuốc nam do “sư cậu” hốt từ tháng 3-2008 đến tháng 7-2009 mới mổ.

Cũng vẫn với phương pháp như trên, sau khi rạch 2 đường trên lưng chị Diệu, “sư cậu” lấy ra... 3 cây kim. Mổ xong, “sư cậu” đòi tiền mổ 1 triệu đồng và yêu cầu chị Diệu phải ở lại am để làm phước thiện một thời gian thì bệnh mới khỏi.

Chị Diệu đã ở lại am của “sư cậu” 16 tháng, bỏ cả chuyện làm ăn. Hằng ngày, chị phải đi kiếm thuốc và tối đến phụ công việc “mổ xẻ” bệnh nhân với “sư cậu”. Mọi chi phí trong am đều do chị Diệu lo với số tiền hàng chục triệu đồng


Các nạn nhân đang tố cáo hành vi của “sư cậu” Ca Văn Vẽ. (Ảnh: P.Trần)


Điều đáng nói là sau khi mổ, bệnh tình của chị Diệu vẫn không thuyên giảm. Chị thắc mắc thì “sư cậu” lại phán rằng do có người theo (chị Diệu có người con té sông chết và chuyện này ai cũng biết) nên phải đi núi Châu Đốc để “sư cậu” gởi phần hồn của con chị ở đỉnh cửu tuyền.

Thế là chị Diệu phải chạy lo tiền ăn uống, tàu xe cùng “sư cậu” lên núi. Từ một chủ trại giống ấp vịt, hiện nay chị Diệu phải đi làm thuê tại TPHCM để kiếm tiền trả nợ, trong khi bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Ức quá, chị Diệu làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo, buôn thần bán thánh của “sư cậu” này.

“Bỏ đi, đừng làm ầm ĩ”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có rất nhiều người bệnh ở các tỉnh lân cận, như: Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng... tìm đến nhà “sư cậu” để hốt thuốc, mổ lấy “bùa”.

Chính những con bệnh này đã gom góp tiền “từ thiện” cho “sư cậu” làm giàu bất chính... Đại đa số con bệnh đến đây đều lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”, bệnh tình ngày thêm trầm trọng mà không dám thổ lộ cùng ai.

Ông Hồng Văn Bé, trưởng ấp 18, xã Phong Tân, cho biết hoạt động của “sư cậu” diễn ra nhiều năm qua. Bản thân ông đã nhiều lần trực tiếp gặp chủ tịch và trưởng công an xã phản ánh, đề nghị xử lý nhưng vẫn không được quan tâm. Không những thế, khi những người bị hại làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của “sư cậu”, thì được lãnh đạo xã khuyên “bỏ đi, đừng làm ầm ĩ”.

Được biết, vào năm 2008, “sư cậu” này từng bị Công an huyện Giá Rai xử phạt hành chính 2 triệu đồng, tịch thu nhiều “ấn phong” và “bùa chú”... nhưng sau đó mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường.

Thấy thương nên cho hốt thuốc

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Đông y xã Phong Tân, để tìm hiểu về thân thế của vị “sư cậu” này. Ông Sơn cho biết ông Ca Văn Vẽ hiện đang là hội viên của Hội Đông y xã, phụ trách việc hốt thuốc cho bệnh nhân của hội tại trạm y tế xã. Về bằng cấp để hành nghề thì ông Ca Văn Vẽ chỉ có chứng nhận... sơ cấp về đông y. Chuyện ông Ca Văn Vẽ mở phòng hốt thuốc nam cho người dân chưa hề được Hội Đông y và Sở Y tế cấp phép mà chỉ được “các anh” trên xã thấy thương nên đồng ý!?



Theo Người Lao Động