Trường Hợp III

Người trong chuyện sau là tín đồ phái Quaker, chết vì bệnh tim. Ông đã học hỏi nhiều về Minh Triết Thiêng Liêng và giàu lòng phụng sự. Vài tuần sau khi qua đời, ông kể:
“Mấy ngày trước khi bỏ xác rồi từ lúc chết, tôi được bao phủ trong một vầng sáng rộng lớn, giống như vầng mây rực lửa, nó ngăn không cho tôi có cảm xúc về thân thể ngay trước và trong khi qua đời, rồi khiến tôi sống trong trạng thái ngất ngây vui sướng luôn ba ngày sau. Vợ con gặp tôi trong đám mây ấy mỗi tối lúc họ ngủ và chúng tôi hưởng sự hoan lạc không sao quên được.
“Chân Sư cũng có mặt, Ngài chói sáng rực rỡ còn hơn nữa, Ngài trợ lực và nâng đỡ tôi. Bây giờ từ trong ra ngoài tôi vẫn còn bừng sáng nhờ ngọn lửa thiêng mà tôi được thấm tràn, có vẻ như nó rọi tít mãi lên cao và xuyên thấu dưới đất. Tôi đi thì nó cũng đi theo, tôi không thấy được chuyện bên ngoài nhưng thấy được nhiều bên trong vầng sáng. Đời sống ở đây thật hạnh phúc, vui sướng không tả nổi.
“Lúc này tôi vẫn chưa yên chỗ, phải từ từ làm quen với mọi việc kỳ diệu nơi đây và với chuyện tôi đã bỏ cõi trần không chút đau đớn sợ hãi. Người tôi tràn đầy sự sống, làm như một nguồn cung cấp chảy xuyên qua tôi không bao giờ cạn. So với nó cõi trần rất đỗi nghèo nàn làm tôi mong ai cũng được lên chỗ tôi đang ở. Từ chỗ này thấy rõ là phần số ai ai cũng được hướng dẫn, mọi lo âu của chúng ta không cần thiết chút nào. Với người tốt lành, mọi chuyên sẽ trở nên thuận thảo nếu họ làm tròn bổn phận mình và giao phó tương lai cho Thượng đế. Bạn không thấy Thượng đế ở đây, nhưng biết rằng Ngài không ngừng làm việc. Bạn chỉ thấy và cảm được hậu quả, rồi hiểu ra nguyên nhân.
“Chỗ nào cũng có ảnh hưởng của các Chân Sư. Bạn nhận ra sự hiện diện của các Ngài đằng sau những phong trào lành đẹp, điều động chúng mà không lộ diện. Có nhiều Chân Sư ở đây hơn ở cõi trần, tôi đã vào một nhóm có vài Chân Sư hướng dẫn. Nhờ bạn nói vói bà nhà tôi là đấng mà hai chúng tôi sùng kính là đấng mà tôi với bà cùng học chung.
“Tôi thấy mình thanh thoát quá tới nỗi ảnh hưởng của trái đất có khi tiếp xúc với bạn làm tôi chịu không được. Không ai ở cõi trần biết sự sống là gì, cái đó không thể biết được bao lâu ta còn xác thân, tôi có cảm giác là mình như cái bong bóng luôn luôn nổi trên mặt và chỉ bị giữ lại trong nước do ý chí thôi. Nhà tôi ban đêm cũng "trồi" lên mặt nước còn chân nhân của bà vẫn hằng ở đây. Rốt cuộc chúng tôi lại có nhau, chân nhân của vợ tôi và chân nhân tôi tiếp tục ở bên nhau.
“Chẳng bao lâu nữa các con tôi sẽ được chứng kiến việc đức Di Lặc (đức Chúa) trở lại. Nơi đây đang chuẩn bị việc ấy, giống như thành phố to lớn được cọ rửa, dọn dẹp chờ vua tới. Vẻ mỹ lệ, mầu nhiệm của các Chân Sư và của đức Di Lặc vượt xa óc tưởng tượng con người, còn sự bình an của các Ngài tri thức ta không sao đo được. Hết thẩy Chân Sư cùng họp thành một khối duy nhất sửa soạn việc Ngài xuống trần, nên chuyện này sẽ là một biến cố lớn lao hơn hết so với những gì đã xẩy ra; Ngài sẽ mang lại thiên đàng dưới thế và một cảnh sống mới cho biết bao người.
“Một trong những chuyện tôi thấy lạ lùng nhất là thế giới thần tiên ở đây. Chúng đông như sao trên trời, trò chuyên với nhau bằng mầu sắc của hào quang. Sự hiện diện của một đại thiên thần khiến mọi vật mờ hẳn, làm như ngài che rợp một góc trời."
Một tháng sau ông trở lại nữa, và tôi có dịp nói chuyện thêm. Trong lần đầu ông còn chịu ảnh hưởng của nỗi ngất ngây hạnh phúc khi rời bỏ xác thân, người tràn đầy năng lực tinh thần, thanh thoát tới mức sắc diện biến đổi khác thường. Lần này ông kềm chế được nội lực làm cho vẻ nhẹ nhàng, lòng trầm tĩnh vốn là đặc tính của ông nơi cõi trần giờ được biểu lộ rõ rệt.
Chúng tôi biết ông đến khi căn phòng có sự rung động êm dịu rồi một tình thân ái lặng lẽ tỏa khắp phòng, giống như ông rút vào bên trong mình, hoàn toàn thoát khỏi giới hạn của cõi trần và những cảnh giới thấp của cõi bên kia. Hình dạng ông giống như lúc còn sống, quần áo cũng xanh đậm, gương mặt sáng rỡ đầy hạnh phúc, thư thái, không chút lo âu mà có lẫn nét xác quyết vượt khỏi giới hạn của xác thân, ngay cả lúc ông sung sướng nhất ở cõi trần cũng không được vậy. Ông còn trở lại cõi trần là chỉ để thăm vợ con, mà sự tiếp xúc ấy cũng không sâu; mối liên kết thực sự xẩy ra nơi cõi tâm thức chân nhân ngụ thay vì là sự biểu lộ tình cảm. Người ta cảm được sự hiện diện của ông nhờ trí tuệ thay vì cảm do áp lực thần bí nào. Điều này sẽ càng lúc càng mạnh bởi xem ra ông đang muốn đi vào nội tâm sâu hơn nữa. Ông bảo:
“Gần như đêm nào tôi cũng về chơi với các con. Vợ tôi thường tới gặp tuy không phải lúc nào cũng có mặt vì bà có nhiều chuyện phải làm. Ở chỗ này bà có hình dạng khác hẳn, tới nỗi khó thể nhận ra chính mình. Thân xác biến đổi con người nhiều hơn tôi tưởng, bộ óc do di truyền làm thay đổi cá tính, sinh ra hầu hết những giới hạn trong người. Bà nhà tôi làm phần lớn công việc tâm linh vào ban đêm, bà thuộc về một trong các nhóm tham thiền và học hỏi ở cõi này, người trong nhóm họp mặt trước khi bắt đầu công tác mỗi đêm, cùng lúc ấy con trẻ tụ lại gần đó cùng nhau chơi giỡn ...
“... Khi qua đời không phải chỉ có thân xác biến đổi, mà cái trí thay đổi nhiều hơn nữa, giống như được phóng thích khỏi nhà tù. Người ta dễ dàng ý thức hai ba chỗ cùng một lúc, và cũng không cần phải di chuyển nhiều nếu ở chỗ của tôi.
“Tư tưởng của Chân Sư tựa như luồng sáng rộng, bên trong luồng sáng ấy những người phụng sự làm việc, nhìn công chuyện theo quan điếm của Ngài và thi hành ý muốn của Chân Sư. Dù bị giới hạn bên ngoài, họ tăng trướng về nhiều mặt bên trong, bao lâu chúng ta hòa ý riêng vào ý của Ngài thì chúng ta nằm trong ánh sáng ấy, còn khi nghĩ tới mình thì làm như chúng ta bước ra ngoài luồng sáng. Tuy tư tưởng Ngài rải trên một chu vi khổng lồ, sự chú tâm của Ngài vào mọi phần trong đó thật sống động và mạnh mẽ vượt xa hẳn khả năng con người, chuyện ấy giải thích phần nào quyền năng kỳ lạ của các Chân Sư. Nét sống động của tâm thức là một đặc điểm nổi bật nơi các Ngài, những ai làm việc cho Chân Sư cũng chia sẻ phần nào đặc điểm ấy.
“Hồi trước tôi không rõ là tâm thức Ngài hướng đến chúng ta sâu như thế nào, giờ bạn hãy tin tôi đi, các Ngài biết hết sức tường tận mỗi ai trong chúng ta muốn phụng sự Ngài. Các Chân Sư lo lắng cho chúng ta, dù còn sống hay đã qua đời, với một tình vừa của cha vừa của mẹ vượt khỏi tầm tri thức của ta. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ mình được dìu dắt, nhưng bây giờ tôi thấy rõ mình được chăm sóc nhiều hơn đã tưởng, thành ra ai yêu thương các Ngài không phải lo sợ chút gì về đời mình trong lúc sống, Chân Sư biết hết những ai phụng sự Ngài dù con số lên tới mấy ngàn trải qua bao thế kỷ. Một trong các Ngài có trường ở cõi bên này, do Ngài và các đệ tử dạy dỗ, nhiều người học ở đây và nó giúp họ có hứng khởi trong ngành của họ.
“Hoan Lạc cũng như Từ Ái là nét chính của mọi sự sống. Ái lực giữa các linh hồn mạnh tới nỗi tôi nghĩ ở đâu đó trên cao phải là sự duy nhất của mọi linh hồn. Một số linh hồn gần nhau tới mức như thể chúng phát sinh từ một đơn vị tinh thần chung.”

Dựa vào những quan sát trên chúng ta có thể đi tới một số ý kiến sau:
A. Đặc tính của cõi Devachan là sự hoan lạc và hòa đồng. Linh hồn ngơi nghỉ ở đây giữa hai kiếp sống, và sự hoan lạc là kết quả của những tình cảm thanh bai, ý tưởng đẹp đẽ được nuôi dưỡng trong lúc sống. Nói khác đi, tình cảm thấp hèn hay tư tưởng cùng loại không biểu lộ được ở đây, cõi thiên đàng vì vậy không có với người nặng về mặt vật chất nhục dục; khi qua đời sức thu hút của cõi trần đối với họ quá mạnh nên sau một thời gian ngắn ngủi ở thế giới bên kia, người như thế quay trở lại cõi trần, đầu thai kiếp mới.
Đi sâu hơn nữa, vì thiên đàng là phần thưởng cho hành vi, tư tưởng, tình cảm lúc sống, khoảng thời gian trên thiên đàng không vĩnh cửu mà có giới hạn, khi lực sinh ra những sự tốt lành được dùng trọn, tình trạng hoan lạc chấm dứt và con người tái sinh. Nơi cõi thiên đàng, tùy theo những điều thâu lượm được trong lúc sống mà con người biến đổi kinh nghiệm sang tài năng. Với em nhổ trong trường hợp I đó là nỗi say mê nghiên cứu thiên nhiên, với mục sư trong II, ông đào sâu về ngành học của mình. Nhìn được vậy, chúng ta sẽ không thấy lạ lùng nếu em nhỏ trong kiếp tương lai tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về sinh vật học, hay mục sư thành sử gia uyên thâm.
Về sự hoà đồng, bởi cõi thiên đàng có mục đích là cho linh hồn "nghỉ hè" sau những khổ đau của cõi trần, nó chỉ đạt tới hay vào được, khi con người có những rung động tương ứng. Tức những rung động đối chọi với lòng vui vẻ, sung sướng làm con người không vào được chỗ ấy, thành ra với em nhỏ, lúc ban đầu ba mẹ không thể đến với em dễ dàng như các anh chị em trong nhà, vì lòng sầu khổ khiến họ không hòa nhịp được với hoan lạc, và tình cảm ấy ngăn chận làm ba mẹ ít có dịp thăm em; ngược lại, anh chị em có lẽ vì còn trẻ ít thành kiến nên đã có thể đến chơi với em thường.
Một câu chuyện khác nói rõ thêm phản ứng bất lợi của sự khóc lóc vật vã đối với người qua đời như sau.
Từ lúc mất con bà mẹ không ngừng cảm thấy đau đớn, nỗi bi ai khiến bà khóc mãi, trong giấc mơ bà gặp con về đi lom khom như mang một gánh nặng trên lưng. Hỏi tại sao, cậu bé trả lời: Má à, tại má hết. Nước mắt má tuôn con phải vác trên lưng, má khóc nhiều chừng nào, con bị nặng lưng chừng đó. Má phải bớt khóc con mới đi thẳng người lên được.
Chuyện có thật hay không điều ấy không quan hệ, việc cần là chúng ta rút từ đó một bài học để phản ứng thích hợp khi người thân ra đi. Sự đau khổ do phân ly gây ra là có thật, nhưng nghĩ cho cùng, ta sầu não vì bị mất người thân, còn chính người ấy đang bước vào cảnh sống đẹp đẽ như ước mơ. Hẳn bạn ủ rũ vài ngày khi thân quyến đi nghỉ mát xa, nhưng tình trạng kéo dài không lâu khi bạn nhận được bưu thiếp, cho hay người thân rất sung sướng với nơi đang ở. Thế nên lòng bi thương có khi mang đôi nét ích kỷ mà ta nên tránh. Áp dụng câu chuyện trên vào thực tế, một điều chúng ta giúp ích rất nhiều cho người qua đời là cầu nguyện, gửi những tư tưởng an vui giúp cho việc chuyển tiếp giữa hai cảnh sống được dễ dàng.
Bây giờ câu hỏi đặt ra với người mẹ qua đời khi con còn nhỏ, với người chồng tử nạn trong lúc vợ con trông cậy vào mình, họ có yên lòng với cuộc sống mới chăng. Sự việc có hai phần, khi qua đời bộ óc xác thịt mất đi, con người nhìn sự sống rõ ràng hơn (chứ không thông minh hơn, tương tự bạn nhìn đường phố qua cửa xe bị nước mưa làm nhòe, khi mở cửa bước ra cảnh tượng hóa rõ hơn, cần nhấn mạnh để sửa chữa quan niệm là khi chết người thiếu hiểu biết có thể trở nên hiểu biết hơn và được tôn xưng là thánh là thần), thấy được nguyên nhân và hậu quả phần nào, do đó có một thái độ hợp lý với gia đình còn ở lại. Ngoài ra, thiên đàng là sự thể hiện của ước mơ thánh thiện, người mẹ thương con, người chồng thương vợ gặp lại đối tượng của mình nơi đó và như vậy được hạnh phúc. Vật họ gặp là hình tư tưởng, là ảo tưởng vì đối tượng vẫn còn ở thế gian; hình ấy sinh ra do lòng yêu thương nồng nàn, chân nhân của đối tượng cảm nhận tình yêu đó nên dùng năng lực riêng linh động hóa hình tư tưởng, khiến nó giống y như người dưới trần. Kết quả chung là sự thương yêu tuôn tràn kết chặt hai linh hồn với nhau, và bản tính người đã khuất hóa đẹp đẽ hơn do thương yêu, điều mà họ sẽ mang theo sang kiếp mới.
Người trung bình sẽ chìm đắm trong ảo tưởng đó cho tới lúc tái sinh, với người hiểu biết hơn họ không bước vào một giấc mơ hoa như thế mà tiếp tục phụng sự ở cõi bên kia như trường hợp II và III. Bởi cõi Devachan là kết quả của tư tưởng, tình cảm đẹp đẽ lúc sống, ta suy ra người thánh thiện hay linh hồn tiến hóa đã tạo nhiều việc lành khi còn ở dưới trần, theo đúng luật họ sẽ có thời gian lâu dài trên cõi ấy, phải thế chăng ? Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, đây là các linh hồn rất nhậy cảm vói những vấn đề của thế giới, nên thường khi họ không ở lâu bên kia mà tái sinh mau lẹ lại cõi trần, để giúp đỡ nhân loại và thực hiện thiên cơ. Ở đây và cũng ở nhiều điểm khác, ta thấy có sự tương đồng bề mặt giữa người thật cao và người thật thấp.
- Người nặng về vật chất tái sinh mau lẹ như đã nói, thời gian ở Devachan ngắn ngủi.
- Người tiến xa không còn bị dục vọng cõi trần thu hút, mà bởi tình thương, bởi việc chưa làm xong hay biết được thiên cơ và biết chuyện cần làm, cũng sẽ mau chóng tái sinh, tự ý bỏ khoảng thời gian dài ngơi nghỉ ở Devachan. Điển hình là niềm tin về hậu thân của đức Dalai Lama của Tây Tạng. Dân gian tin ngài là hóa thân của đức Quan Thế Âm (theo truyền thuyết xưa của Ấn và Tây Tạng, đức Quan Thế Âm mang thân xác nam, chỉ khi truyền sang Trung Hoa thân xác nữ mới được nối kết với ngài) xuống trần để độ người. Theo đó Ngài không ngừng tái sinh, một kiếp vừa xong là Ngài mang lấy ngay thân xác mới để tiếp tục công việc.
B. Nhận xét thứ hai là trong đa số trường hợp, ai qua đời cũng được chào đón, hướng dẫn giúp cho họ làm quen với đời sống mới. Trường hợp II ta rõ điều ấy, thường thường người trong gia đình hay bạn bè đón nhau khi ngày giờ tới, bằng không trong Phật giáo có niềm tin là đức Địa Tạng Bồ Tát tiếp dẫn người qua đời, hay Thiên Chúa giáo nói đến Tử Thần cũng làm nhiệm vụ trên. Hình tư tưởng của những đấng cao cả được người phụng sự linh hoạt, khiến ai qua đời gặp lại đấng họ tôn thờ và do đó bớt xao xuyến, lạ lùng với cảnh mới.
Vai trò của người phụng sự rất hữu ích nơi đây, họ có thể còn sống hay đã khuất nhưng họp thành toán, phân chia công tác và đến nơi sắp có thảm trạng (máy bay rớt, tầu chìm, bom nổ) để cố gắng giảm bớt sự kinh hoàng nạn nhân trải qua, giúp người tử nạn ý thức tình trạng của mình. Sách vở gọi họ là người cứu trợ vô hình và ông Geoffrey Hodson có chuyện lý thú sau. Ngày kia ông đến một thành phố giảng về đời sống sau khi chết, sau buổi giảng có hai mẹ con xin được gặp. Người mẹ kể rằng vài tuần trước con trai bà ốm nặng, để tiện săn sóc bà nằm trong phòng sát phòng anh, muốn vào đó phải đi ngang qua phòng bà. Một đêm bà thấy hai thanh niên ăn mặc chững chạc vào phòng mà không tỏ vẻ để ý gì đến bà trên giường, họ đi thẳng qua cửa vào phòng con trai. Lát sau họ trở ra và một trong hai người lại gần, ân cần an ủi, cho hay con bà đang được chăm nom và xin bà đừng quá phiền muộn vì mọi chuyện rồi sẽ tốt lành. Bà tin đến nỗi khi con trai qua đời, bà nhắc lại lời thanh niên cho gia đình và không cảm thấy sầu não. Ngày hôm nay, tình cờ đọc quảng cáo về buổi giảng, bà cùng con gái đến dự và khi diễn giả bước ra, bà nhận ngay đó là thanh niên đã an ủi mình khi trước. Lòng cám ơn chân thành của hai mẹ con làm ông vừa mừng vừa ngạc nhiên, vì tuy rất hâm mộ công tác của người cứu trợ vô hình, ông không biết là mình thuộc về toán ấy, nói khác đi bộ óc không ghi nhận những gì làm trong lúc ngủ và thức dậy ông không nhớ gì, cũng như không hề nhớ là đã có lần gặp bà mẹ.
Mấy chục năm sau, ông lại có một kinh nghiêm khác không dễ chịu bằng. Một buổi sáng ông cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy và hồi nhớ rằng đêm trước, khi đi làm công việc cứu trợ trong thể thanh, ông đã phải chứng kiến cảnh một người bị tra tấn; sự việc làm ông xúc cảm và chấn động quá mạnh nên những vị cao hơn mang ông rời cảnh ấy về nhập xác.

Bạn có thể làm người cứu trợ nếu lòng tha thiết đủ mạnh. Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy cầu nguyện, dâng hiến thời giờ của mình vào việc làm hữu ích cho nhân loại. Niềm tin mạnh mẽ, động cơ trong sạch và lòng thương yêu chân thành chắc chắn sẽ giúp bạn thực hiện điều mong ước, còn việc nhớ lại hay không, điều đó không quan hệ.

C. Điều chót khi nghiên cứu ba trường hợp trên là cảnh sống bên kia tùy thuộc vào đời sống bên này, vì sự sống là sự liên tục của tâm thức, đời sống tinh thần của ta ở cõi trần ra sao sẽ tiếp tục y thế khi qua đời.
Như vậy, đời sống bên kia sẽ vô vị và nhàm chán khi lúc sống con người không phát triển về mặt tinh thần. Nếu quá chú tâm vào vật chất, khi qua đời nhu cầu vật chất không còn nữa, người bạn sẽ trở nên rất nghèo nàn, trống rỗng tâm linh, sự sống không bị kích thích hoặc bởi óc hiếu tri, hoặc bởi tình thương và do đó hóa buồn tẻ. Việc mở mang tinh thần không hàm ý về trí tuệ mà thôi, nó có ý nói con người thật và từ ái là một. Vì vậy người giàu tình thương có hình dạng biểu lộ hết sức rực rỡ ở cuộc đời bên kia, vẻ chói sáng, mầu sắc đẹp đẽ của hào quang họ thường làm nhiều người mới qua đời kinh ngạc khi so sánh với mình. Câu trả lời thường rất giản dị, nét mỹ lệ đó con người tự tạo cho mình nơi cõi trần, nó có thể bị che lấp bởi quần áo tầm thường hay một xác thân không có gì đặc sắc. Khi chết quần áo và xác thân chẳng còn, con người thật lộ nguyên nét.
Do đó muốn có đời sống hữu ích sau khi qua đời, chúng ta cần chuẩn bị ngay từ bây giờ, bằng cách tạo một đời sống phong phú về mặt tâm linh, hào hứng về mặt trí tuệ. Trường hơp II và III cho thấy hoạt động trí tuệ tiếp tục trong điều kiện tuyệt hảo ở bên kia, còn với ai có khuynh hướng thiên về xã hội họ sẽ có nhiều cơ hội để phụng sự theo ý mình.
Tóm tắt lại ta làm chủ đời mình lúc còn sống cũng như khi qua đời, và hiểu biết điều ấy giúp ta xếp đặt lối sống của mình để không phút giây nào bỏ phí, cũng như để dọn sẵn cho một cuộc đời hữu ích thú vị sau khi chết. Đó không phải là thưởng phạt của một thần thánh nào mà hoàn toàn nằm trong tay mỗi chúng ta. Chọn lựa xem ra khá dễ dàng.