Phát hiện mộ cụ Đề Thám tại xóm Tân Lập? (07/07/2008)


Những hiện vật được phát hiện ngay sát khu đất được cho là ngôi mộ.
(VH)- Thời gian gần đây, dư luận trong nhân dân và trên báo chí có đề cập đến việc đã phát hiện mộ anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám tại xã Mai Trung, huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang.

Thông tin trên lập tức gây chú ý trong dư luận, đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ vì đã hàng mấy thập kỷ qua việc xác định vị trí mộ phần của cụ Đề Thám (mà người dân vẫn truyền tụng là Hùm xám hay Hùm thiêng Yên Thế) vẫn đang là điều bí ẩn đối với giới nghiên cứu lịch sử, văn hoá và cả con cháu của cụ.

Trước thông tin trên và căn cứ vào những tư liệu có phần xác thực, những lưu truyền trong dân gian chúng tôi đã lần tìm về những địa danh thuộc nhiều địa phương khác nhau mà “giả thiết” cho rằng nơi lưu giữ mộ phần của cụ Đề Thám, với hy vọng góp phần cung cấp thêm những chứng cứ để cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, thẩm định đặng xác định đúng vị trí mộ phần của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.

Từ khoảng năm 2004 đến nay nhiều đoàn khách bao gồm giới nghiên cứu lịch sử, văn hoá, tâm linh... và cả con cháu của cụ Đề Thám ở Hà Nội cũng như ở nước ngoài đã tìm về xóm Tân Lập (thuộc thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hoà) để thắp hương, dựng tượng người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Ai nấy về đây đều có chung niềm tin rằng, đã phát hiện mộ cụ Đề Thám tại xóm Tân Lập.

Cho đến nay vẫn chưa có được kết luận cuối cùng của giới nghiên cứu khoa học lịch sử, khảo cổ đối với mộ phần nơi đây có đúng là của cụ Đề Thám hay không. Tuy nhiên, những tư liệu mang tính lưu truyền trong nhân dân sở tại về ngôi mộ này cũng như những di vật, hiện vật được phát hiện sát cạnh ngôi mộ cũng rất đáng để chúng ta nghiên cứu, xem xét và đi tới kết luận.

Cụ Đề thám giả dạng “hành khất” và mất tại Tân Lập?

Vào những ngày đầu tháng bảy chúng tôi tìm về xóm Tân Lập trong tiết trời se lạnh mưa phùn. Ngay từ đầu xóm hỏi thăm đường đến mộ, đền cụ Hoàng Hoa Thám thì người già, con trẻ ai nấy đều biết và chỉ dẫn rất tận tình. Men theo con đường bê tông, qua mấy lối nhà chúng tôi tìm đến được khu đất được coi là mộ. Bên cạnh đó là ngôi đền cụ Đề Thám.

Đó là một ngôi đền có diện tích khá nhỏ, được dựng thêm từ năm 2004, với lối kiến trúc cổ truyền nằm sát ven đường làng. Phía trong gian hậu cung có bàn thờ và di ảnh của cụ Đề Thám. Cạnh đền là một khu đất khá rộng được cho là ngôi mộ, nằm trong khuôn viên của nhà dân. Xung quanh khu đất này chưa được xây cất gì nhiều, ở trên chính giữa có bát hương nhỏ. Người dân cho biết, cứ ngày tuần và đặc biệt là ngày 9.5 Âm lịch hằng năm dân trong làng ngoài xã làm giỗ cúng cụ.

Một người dân ở gần đó cho hay, ngôi mộ này đã có từ lâu lắm rồi và trước đây dân làng thường gọi là mộ của một ông ăn mày, nhưng khoảng mười năm trở lại đây dân làng mới biết đấy chính là mộ cụ Đề Thám. Điều mà ai cũng quan tâm là có những tài liệu gì để chứng minh đấy là mộ cụ Đề Thám?

Theo lời ông Nguyễn Văn Sử (60 tuổi, người xóm Tân Lập), chắt của cụ Nguyễn Văn Uyển, thường gọi là Lý Loan (xưa ông Nguyễn Văn Uyển làm lý trưởng vùng này) thì cụ Lý Loan có mối quan hệ thâm tình với cụ Đề Thám. Thâm tình đến mức có lần cụ Đề Thám đã ở nhà cụ Lý Loan hoặc chọn nơi đây làm nơi tạm trú, đặt căn cứ đi đánh phủ Vĩnh Yên.

Ông Sử kể lại rằng, theo các cụ lưu truyền trong gia đình, năm 1911 trong một lần phá vây, cụ Đề Thám cùng hơn chục người rút sang Vĩnh Yên, nhưng khi đến bến đò Cẩm Xuyên thì gặp toán lính thực dân canh phòng cẩn mật nên đã quay lại và có người dẫn đến nhà cụ Lý Loan.

Nhưng nhà cụ Lý Loan được cụ Thống Luận báo trước đã bị lộ nên cụ Lý Loan bí mật đưa cụ Đề Thám đến ở nhà cầu Thày Mai (nhà do cụ Lý Loan dựng ở cạnh xóm, sát rìa đồng Yên Thế để dân đi làm đồng về nghỉ ngơi và cánh trương tuần canh gác dùng nơi nghỉ chân).

Vào lúc này đoàn người cùng theo cụ Đề Thám đã phân tán làm nhiều tốp đi về các nơi, riêng cụ Đề Thám (khi đó đã bị thương) và hai thuộc hạ ở lại và giả dạng làm “hành khất” nhưng không đi ra ngoài, ít người biết.

Cụ Đề Thám đã cải trang, thường xuyên ăn ở nhà cụ Lý Loan và cùng đứa con trai mới lớn ra rừng thông và tắm rửa ở cái chuôm gần đấy. Ông Sử cho biết thêm, các cụ có truyền lại một chi tiết rằng, khi biết mình bị thương, lại tuổi cao, biết không thể qua được nên cụ Đề Thám có nói với cụ Lý Loan với đại ý, đây là quê hương của ta. Ta sẽ chết ở đất này (?).



Đền thờ Hoàng Hoa Thám tại xóm Tân Lập.

Và năm 1913, cụ Đề Thám đã mất tại nhà cầu Thày Mai. Những người thân cận đưa xác cụ chôn ở cạnh một cây thông cổ thụ, thân cong, cách nhà cầu Thày Mai độ 50m, bên cạnh lối mòn, và mai táng như thể người “hành khất”, không ván, không liệm, không lễ nghi để giữ bí mật.

Sau khi cụ Đề Thám mất được vài năm thì cụ Lý Loan cho đổi cái chuôm mà cụ Đề Thám thường ra tắm rửa thành chuôm Yên Thế, cánh đồng có cái chuôm này cũng được đổi thành cánh đồng Yên Thế, gò giữa đồng là cây Chanh.

Con cá gỗ làm mõ ở nhà cầu Thày Mai được thay bằng mõ gỗ hình quả cầu. Hiện nay qua khảo sát của chúng tôi thì nền nhà cầu Thày Mai vẫn còn và không ai dựng gì lên đó. Vị trí nền nhà cầu Thày Mai cũng cách khu đất được cho là ngôi mộ khoảng 50m, và phía ngoài cánh đồng hiện vẫn có một giếng lớn, hay còn gọi là cái chuôm.

Trước đây dân gọi là "mộ của người hành khất"

Để nắm rõ hơn những chi tiết vừa đề cập ở trên, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng xóm Tân Lập, Tổ trưởng tổ Đảng của xóm và ông Nguyễn Văn Tiền, Phó chủ tịch UBND xã Mai Trung. Cả ông Bình và ông Tiền đều nói rằng, cách đây hơn hai mươi năm cả xóm Tân Lập là cánh rừng thông cổ thụ, rậm rạp. Sở dĩ hiện nay không còn rừng thông nữa là bởi bên Lâm nghiệp chặt đi.

Mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước dân đến ở và gọi là xóm Tân Lập. Đã từ rất lâu, từ thời các cụ nhà ông Bình, ông Tiền đã thấy ngôi mộ đó nằm ở trong rừng, sát với cây thông và mọi người cũng truyền lưu rằng, đấy là mộ của "ông ăn mày" chứ không hề hay biết là mộ cụ Đề Thám (?).

Ông Bình cho biết, cách đây khoảng hơn hai mươi năm, trước khi ông anh cả ông Sử mất có nói lại với ông Sử đấy là mộ cụ Đề Thám chứ không phải mộ ông hành khất. Từ đó ông Sử ra sức tìm kiếm. Ông Tiền cũng xác nhận, cách đây độ dăm năm, sau một đêm mưa lớn làm xói mòn đất thì tại khu đất này lộ ra hai dóng chân. Thấy vậy dân làng cho đắp lại và càng tin đó là mộ cụ Đề Thám.

Năm 2004, dân làng quyên tiền lập đền thờ cụ Đề Thám ngay cạnh mộ. Còn ông Bình lại cho biết một chi tiết: Đầu năm 1990, có một người trong làng mua đất, trong đó có nền nhà cầu Thày Mai. Người này được một “ông thày” bảo rằng, “trong đất nhà ông có một người đã mất thiêng lắm. Nên lập miếu mà thờ”(!). Nghe thế, người này lúc đó là Trưởng xóm cùng với dân làng lập một miếu nhỏ ngay sát mộ. Đến năm 2004, dân làng làm thêm 3 gian ở phía ngoài, phần miếu đó trở thành hậu cung đền thờ cụ Đề Thám.

Ông Nguyễn Văn Sử kể thêm với chúng tôi về việc phát hiện di vật, hiện vật ở ngay sát mộ. Khi dựng đền xong, ông Sử có ý định trồng một cây hoa đại ngay sát giữa mộ và đền. Ông Sử đào xuống khoảng 30cm thì phát hiện một cái liễn sành úp ngược. Ông Nguyễn Văn Bình xác nhận: Khi phát hiện chiếc liễn sành, ông Sử đã tự ý đưa về nhà mà không mời gọi ai đến chứng kiến.

Sau đó, ông Sử mới đưa cái liễn sành đó trở lại nơi đào. Theo ông Sử cho biết tuần tự xếp đặt trong cái liễn như sau: Trên cùng là đáy liễn. Tiếp đến là tới một lớp lá dầu đã khô, nữa là 2 tờ giấy bản, trong đó có một tờ có chữ được gấp lại. Hai tờ giấy này đặt trong lòng chiếc chiếc đĩa con phượng (thời Lê) và ốp chặt vào đáy liễn. Lá chèn xung quanh. Tiếp đó là lớp cát khô, sau đó là lớp vữa (vôi+cát). Tiếp đến nữa là 2 chiếc đĩa thời Nguyễn có ve lòng, một chiếc có vẽ 3 con cá chép, một chiếc có vẽ 4 con cá chép. Cả hai đều được trát vữa chặt để khỏi tuột.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cho biết, những hiện vật như liễn sành, đĩa đều có giá trị về mặt niên đại. Về tờ giấy có chữ viết được phát hiện trong cái liễn sành, ông Lạng nhận định: Tờ giấy bản to, cỡ lớn hơn A4, trên có viết chữ Hán Nôm. Chữ đẹp, rõ ràng, cỡ chữ lớn và một số chữ nhỏ được viết trên giấy dó. Đại thể nội dung văn bản như sau: Phiên âm: Cờ nghĩa bao năm nay lỡ vận/Hậu thế nghìn năm ai biết không?/Yên ngựa nghỉ vào đây lòng đất/Thế sự Hoàng Hoa ai rõ chăng. (Một nghìn chín trăm mười ba/ Tháng năm ngày mồng chín/ Loan). Khi được hỏi tính chân thực của văn bản này, ông Lạng cho rằng vẫn chưa thể đưa ra kết luận vì cần phải có thời gian nghiên cứu.

Đến nay những hiện vật trên đã được chuyển về Bảo tàng tỉnh bảo quản. Sau khi phát hiện được những di vật, hiện vật và văn bản trên, theo ông Bình, ông Tiền, dân làng càng tin đấy là mộ của cụ Hoàng Hoa Thám. Nhờ những phát hiện trên nhiều đoàn, trong đó có cả con cháu cụ Đề Thám đã tìm về thắp hương và dựng tượng cụ trong đền.

Có một vấn đề đặt ra là, ở khu đất đó có ngôi mộ không và nếu có thì đó có phải là mộ của cụ Đề Thám hay không, câu trả lời mang tính nghiên cứu khoa học vẫn đang còn bỏ ngỏ. Chúng tôi sẽ trở lại xung quanh phần mộ này trong những số báo sau.

Nguyễn Hoà
( Báo Văn hóa)