Khi con cái là nạn nhân của sự mê tín
9:50, 20/09/2009



Tháng 3/2008, cô bé 11 tuổi Madeline Neumann đã đã trút hơi thở cuối cùng ngay tại nhà cha mẹ ruột ở bang Wisconsin, giữa vòng vây của một đám người cầu nguyện. Trước đó, cha mẹ Madeline cho rằng, việc nhờ tới sự giúp đỡ của bác sĩ nhằm chữa bệnh cho con mình là "một tội lỗi". Vụ án xét xử cha mẹ Madeline đang gây sự quan tâm đặc biệt của công chúng Mỹ, trong bối cảnh quan niệm "chữa bệnh bằng đức tin" (faith healing) lại có được không ít những đệ tử trung thành…


Madeline Neumann

Sau 15 giờ hội ý và tranh luận, bồi thẩm đoàn vào ngày 1/7 vừa qua đã chính thức khẳng định, Dale Neumann (47 tuổi, là cha của Madeline) đã phạm tội gây chết người do khinh suất. Lời buộc tội tương tự cũng được phán quyết đối với mẹ của nạn nhân là Leilani (41 tuổi).

Trước tòa, hai vợ chồng nhà Neumann đều đồng thuận khai rằng, họ biết con gái bị bệnh, có điều không đoán trúng được bệnh tình thực sự của con mình, khi cho rằng cô bé chỉ bị cúm hay sốt. Với nhận định trên, hai vợ chồng đều tin rằng, đứa bé sẽ khỏi bệnh nhờ... Chúa trời.

Tuy nhiên, phía Viện Kiểm sát lại cho rằng, vợ chồng Neumann thực ra biết rõ tính chất nghiêm trọng của căn bệnh, nhưng họ đã thống nhất khai như vậy nhằm trốn tránh những phán quyết nghiêm khắc dành cho mình. Trợ lý công tố viên LaMont Jacobson đã gọi những hành động của vợ chồng Neumann là "một thử nghiệm tôn giáo ích kỷ".


Dale Neumann (giữa) trong phiên toà.


Gia đình nhà Neumann - ngoài Madeline còn có 3 đứa con nữa - từ California tới sinh sống tại Wisconsin vào năm 2007. Tại đây, họ mở một quán cà phê có tên Monkey Mo's. Theo hàng xóm, nhà Neumann là một gia đình sống hòa thuận. Họ còn được biết đến là những người đặc biệt sùng đạo, thường xuyên tổ chức những cuộc gặp gỡ để nghiên cứu Thánh kinh.

Hai ngày trước khi chết, Madeline bắt đầu cảm thấy kiệt sức và khát, ăn không ngon và sau cùng gần như mất hết nhận thức. Dale và Leilani đã gọi một số họ hàng và người quen tới làm lễ cầu nguyện chữa bệnh, cũng như gửi một bức thư điện tử cho một linh mục chuyên cầu nguyện vì mục đích trên.

Nhưng không phải tất cả họ hàng của nhà Neumann đều có cùng quan điểm như họ. Một bà bác từ California đã gọi điện báo cho cảnh sát trưởng khu vực Marathon. Phản ứng của chính quyền vẫn không cứu được Madeline: khi cảnh sát có được quyết định khám xét nhà Neumann thì cô bé đã tắt thở. Khám nghiệm sau khi chết cho thấy, Madeline thực ra đã chết do căn bệnh tiểu đường không được chữa trị kịp thời. Giám định y tế cho thấy, các bác sĩ hoàn toàn có thể cứu sống được Madeline cho đến những giờ phút cuối cùng.

Dale Neumann trong phiên tòa đã giải thích rằng, nếu đã tin vào khả năng khỏi bệnh bằng đức tin, thì việc nhờ tới sự giúp đỡ của bác sĩ tức là mất lòng tin vào Chúa trời. Thậm chí, bị cáo trên còn biến phát biểu của mình trước bồi thẩm đoàn thành một bài thuyết giáo trong suốt 4 giờ liền. Chẳng hạn anh ta còn khẳng định đã nhờ đức tin để chữa khỏi căn bệnh đau lưng mãn tính của mình.

Quan tòa Vincent Howard đã ấn định thời hạn tuyên án đối với hai vợ chồng nhà Neumann là vào ngày 6/10 tới. Theo các tội danh đã được khẳng định, cả hai rất có thể phải chịu mức án tối đa lên tới 25 năm, nhưng bản án trên thực tế được dự đoán sẽ nhẹ hơn nhiều. Theo Shawn Francis Peters, người chuyên nghiên cứu các hậu quả của những vụ án kiểu "faith healing", trong những trường hợp như vậy, phán quyết của tòa thường là một mức án không quá dài, sau đó là một thời gian thử thách khi đã được trả tự do.

Vụ án tương tự gần đây nhất được Peters đưa ra chính là trường hợp của Carl Brent Worthington, kẻ vào ngày 31/7 chỉ phải nhận bản án 2 tháng tù cùng 5 năm thử thách. Worthington cùng vợ và một số đệ tử của "faith healing" vào năm 2008 đã làm chết cô con gái 15 tháng tuổi của mình, sau khi cô bé bị viêm phổi và nhiễm trùng máu. Đáng chú ý là trong trường hợp của Worthington, bồi thẩm đoàn đã bác bỏ lời cáo buộc sát nhân, mà thay vào đó là tội "đối xử không chu đáo với trẻ em".

Trong một xã hội đa phần là người có tín ngưỡng như tại Mỹ, quan điểm của công chúng đối với những bi kịch trên cũng có nhiều mâu thuẫn. Nếu như một số yêu cầu phải có những án phạt nghiêm khắc đối với những người vì quá mê tín đã gây ra cái chết của con mình, thì một số không ít lại có quan điểm "nương tay" với những tội danh kiểu trên.

Theo nhà nghiên cứu Francis Peters, quan tòa Vincent Howard trong trường hợp này sẽ theo gương đồng nghiệp của mình trong vụ Worthington, không có phán quyết quá nghiêm khắc với vợ chồng nhà Neumann. Trong khi dù bản án được tuyên có ở mức độ nào, các luật sư bào chữa Cronenvetter và Jean Linehan cũng đã tuyên bố sẽ nộp đơn kháng án.

Bản thân Dale Neumann được biết vẫn không hề thay đổi quan điểm của mình khi vẫn cho rằng, quyết định của mình vào năm ngoái là "điều đúng đắn", bất chấp cái chết oan uổng của con gái. Chưa kể một số họ hàng và tín đồ của "faith healing" còn thành lập ra một trang web đặc biệt, đăng tải những thông tin và kêu gọi ủng hộ vợ chồng nhà Neumann

Ý tưởng ""faith healing" tại Mỹ thường phổ biến từ thế hệ những người dân Mỹ trong những năm 50 thế kỷ trước, lan truyền trong một số tín đồ Cơ Đốc và cả phi Cơ Đốc. Nhiều hậu quả từ sự mê muội này đã khiến luật pháp liên bang phải yêu cầu chính quyền các bang nếu cần thiết phải can thiệp y tế cho những trẻ em bệnh nặng dù không được cha mẹ chúng yêu cầu, ngay cả khi trợ giúp y tế trái với các nguyên tắc tín ngưỡng của họ.