Kinh nghiệm cận tử: 30 năm nghiên cứu (kỳ 1)
( 8:59 AM | 19/09/2011 )

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng ta mới chỉ nghiên cứu được bề mặt”.


Bruce Greyson cho rằng việc nghiên cứu mới chỉ tiếp cận được bề mặt của hiện tượng trải nghiệm cận tử, và các nghiên cứu trong tương lai sẽ có rất nhiều triển vọng (Stephanie Lam / Thời báo Đại kỷ nguyên)

Ở Durham, NC – Một người phụ nữ mới được cứu sống trở lại. Bà tỉnh dậy và kể cho bạn bè một câu chuyện kỳ lạ về việc bà đã rời khỏi thể xác và lên tới thiên đàng. Bà mắc bệnh tâm thần chăng? Hay não của bà bị tổn thương do thiếu oxy?

Sau hơn 30 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã kết luận rằng trường hợp này không phải như vậy. Thay vào đó, họ nghĩ rằng hiện tượng phi thường này là một điều mà khoa học ngày nay vẫn chưa hiểu được, và đó là một cơ hội để khoa học phát triển.

Hiện tượng này được đặt tên là “kinh nghiệm cận tử” (NDE) trong “Life After Life”, một cuốn sách được xuất bản năm 1975 của Raymond Moody. Ông là một bác sỹ y khoa và là tiến sĩ triết học và tâm lý học. NDE nói chung bao gồm các kinh nghiệm về nhận thức, cảm xúc, siêu linh, và huyền ảo.

Những điển hình của NDE bao gồm: trải nghiệm sự thay đổi trong nhận thức và cách nghĩ, cảm thấy an hòa hoặc tĩnh tại, có khả năng ngoại cảm (ESP), trải qua sự hồi tưởng về cuộc đời của mình và thấy được ảnh hưởng của hành động của mình với người khác, cảm giác thoát ra khỏi thân xác, nhìn thấy những người đã chết và những sinh mệnh khác như là các thiên thần, và cảm thấy như thể tiến vào một không gian khác.

NDE được trải nghiệm bởi mọi thành phần nhân dân, và hầu hết các nghiên cứu đã cho thấy có khoảng 10-20% trong số những người cận kề cái chết đã trải nghiệm NDE.

Người ta bắt đầu quan tâm nghiên cứu NDE sau khi cuốn sách của Moody được xuất bản. Sau đó, vào năm 1981, Hiệp hội Cận tử học Quốc tế (IANDS) được thành lập “nhằm thúc đẩy những khám phá về cận tử mang tính tin cậy, liên ngành và những trải nghiệm tương tự, ảnh hưởng của chúng đối với cuộc sống của con người, và quan hệ của chúng đối với những đức tin về sinh, tử, và mục đích làm người”, trích từ trang web của IANDS.

Từ ngày mùng 2 đến mùng 4 tháng 9/2011, IANDS tổ chức một hội nghị ở Durham, Bắc Carolina nước Mỹ, để cho các nhà nghiên cứu NDE trình bày những phát hiện của họ.

Chức năng trí tuệ tốt hơn khi bộ não bị tổn thương
Bruce Greyson, bác sỹ y khoa, giám đốc Bộ môn Nghiên cứu Tri giác thuộc trường Đại học Virginia nước Mỹ, cho biết NDE là đáng tin cậy bởi vì sự mô tả của những người trải qua kinh nghiệm cận tử là giống nhau từ trước tới nay. Ông đã so sánh một loạt những mô tả về NDE của những người từng trải nghiệm cận tử được đưa ra cách nhau 20 năm và thấy rằng chúng vẫn rất giống nhau.

Greyson tin rằng NDE là một dấu hiệu cho thấy tư duy là độc lập với bộ não, bởi vì các chức năng não suy yếu đã được dự đoán trước trong trạng thái lâm sàng mà những người từng có kinh nghiệm cận tử trải qua, nhưng nghiên cứu của ông cho thấy rằng không có sự suy giảm chức năng thần kinh tương ứng ở những người từng có kinh nghiệm cận tử.

Greyson cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Đại Kỷ Nguyên: “Trong hầu hết các trường hợp, trong trạng thái NDE chức năng thần kinh của người ta tốt hơn sơ với lúc tỉnh táo bình thường”.

“Suy nghĩ của họ nhanh hơn, rõ ràng hơn, và có tính logic hơn, họ kiểm soát được chuỗi tư tưởng tốt hơn, các tri giác của họ nhạy bén hơn, những ký ức của họ sinh động hơn.

Nếu bạn hỏi ai đó về kinh nghiệm cận tử của họ đã xảy ra 15 năm trước đây, họ sẽ nói về nó như thể nó mới xảy ra ngày hôm qua. Nhưng nếu bạn hỏi họ về những kinh nghiệm khác trong cuộc sống của họ tại cùng thời điểm đó, dẫu họ có chút ký ức nào đi chăng nữa thì nó cũng rất mờ nhạt.

[...] Khi bạn nghĩ rằng những kinh nghiệm này – vốn thường xuất hiện khi quá trình tư duy được tăng cường, lại xảy ra khi bộ não không hoạt động tốt hoặc đôi khi không hề hoạt động, vì nó xảy ra ở trạng thái tim ngừng đập hoặc bị gây mê sâu – những lúc mà theo khoa học nghiên cứu về não bộ cho rằng người ta không thể suy nghĩ hoặc nhận thức hoặc hình thành ký ức, thì rõ ràng là chúng ta không thể giải thích điều này dựa trên cơ điểm của sinh lý học não bộ”.


Eben Alexander đã có một kinh nghiệm cận tử sống động khi bộ não của ông bị tổn thương nghiêm trọng. (Stephanie Lam / The Epoch Times)

Eben Alexander, là một bác sỹ y khoa và nhà giải phẫu thần kinh cũng đã phát biểu tại hội nghị. Ông đã từng có một NDE và đó là thí dụ điển hình. Vào năm 2008, ông từng bị viêm màng não cấp tính do vi khuẩn, bị tổn thương vỏ não và hôn mê, phải dùng máy thở trong 6 ngày.

Mức glucose trong dịch tủy não của ông là 1 mg/dl (milligram trên một phần mười của lít), trong khi mức bình thường là 60-80 mg/dl. Khi mức glucose giảm còn 20 mg/dl, thì sự nhiễm trùng màng não được coi là nghiêm trọng. Những ngày sau khi hôn mê, Alexander phải cố gắng để nói lại được và nhớ lại những ký ức trước khi bị hôn mê. Không có người nào bị tổn thương não nghiêm trọng như thế này lại có hy vọng sẽ hồi phục hoàn toàn.

Tuy nhiên, trong NDE của mình, Alexander đã có những trải nghiệm sống động liên quan đến nhiều giác quan, chẳng hạn như thị giác, thính giác, và khứu giác. Ông nói rằng không thể mô tả được trải nghiệm ấy đáng kinh ngạc như thế nào.

“Tôi nghĩ rằng bộ não của tôi bây giờ đã hồi phục khá tốt, nhưng không thể làm được việc tương tự với những gì mà bộ não của tôi đã làm [trong kinh nghiệm cận tử ấy]“, Alexander nói. “Làm sao mà một bộ não đang hấp hối rốt cuộc lại mạnh mẽ hơn nhiều và có thể xử lý khối lượng thông tin khổng lồ đó tức thời và lắp ráp chúng lại với nhau được?”

“Kinh nghiệm cận tử chia sẻ”


Raymond Moody, một nhà nghiên cứu kinh nghiệm cận tử nổi tiếng (Stephanie Lam / Thời báo Đại Kỷ Nguyên)
Một hiện tượng khác liên quan đến NDE là “kinh nghiệm cận tử chia sẻ” – SDE, trong đó một người ở cạnh một người đang hấp hối cũng trải nghiệm được điều tương tự như NDE.

Moody lần đầu nghe nói đến hiện tượng kinh nghiệm cận tử chia sẻ vào năm 1972 từ một giáo sư y khoa của mình. Mẹ của vị giáo sư bị trụy tim, và khi bà đang cố gắng cứu sống mẹ mình, bà cảm thấy mình rời khỏi cơ thể và nhìn thấy thân xác của bà đang cứu sống mẹ mình. Khi mẹ bà qua đời, bà nhìn thấy mẹ mình dưới dạng thức linh hồn, và linh hồn đó đã gặp một số sinh mệnh, bà có thể nhận ra một số người trong số đó là những người mà mẹ bà quen biết. Sau đó, mẹ bà và những người khác đã bị hút vào một đường hầm.

Sau hơn 30 năm nghiên cứu, Moody ước tính rằng hiện tượng kinh nghiệm cận tử chia sẻ cũng phổ biến như NDE. Theo nghiên cứu của ông về các trường hợp này trong những năm qua, ông đã phát hiện rằng các đặc điểm của hiện tượng kinh nghiệm cận tử chia sẻ cũng tương tự như những đặc điểm của NDE.

Một trong những nét đặc trưng phổ biến nhất của kinh nghiệm cận tử chia sẻ là là những người trải nghiệm hiện tượng này nhìn thấy linh hồn của người sắp chết, có hình dáng như một bản sao trong suốt của người đó, hoặc một ánh sáng hình bầu dục hay hình cầu thoát ra từ đầu hoặc ngực của thân thể người hấp hối, Moody phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Đại Kỷ Nguyên.

Đôi khi, người ngoài cuộc cũng sẽ cảm nhận được sự hồi tưởng về cuộc đời của người sắp chết. Một phụ nữ ở Georgia được ghi lại là đã nói chuyện với linh hồn của chồng bà khi bà nhìn thấy sự hồi tưởng cuộc đời của ông khi ông sắp chết, và bà cũng nhìn thấy một sinh mệnh tự nhận là đứa con gái mà vợ chồng bà sảy thai.

Moody nghĩ rằng kinh nghiệm cận tử chia sẻ có tác dụng như một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy tư duy không phụ thuộc vào bộ não, bởi vì những người trải nghiệm chúng không hề bị suy giảm chức năng thần kinh vào lúc đó.

“Tất cả các đặc điểm tôi gọi là các “kinh nghiệm cận tử ban đầu” mà tôi nghiên cứu từ nhiều năm trước, cũng xuất hiện ở những người ở bên cạnh giường bệnh, vốn không ốm đau thương tật gì”, Moody phát biểu trong bài thuyết trình của ông tại hội nghị .

“Lưu lượng oxy tới não của họ không có gì bất ổn, và họ có những trải nghiệm giống hệt với những gì mà tôi đã được nghe từ những người từng cận kề cái chết”.

Trong cuộc phỏng vấn với Thời báo Đại Kỷ Nguyên, Moody kể lại một bằng chứng thậm chí còn thuyết phục hơn, đó là trường hợp của một linh mục và một nữ tu sĩ ở Nam Phi bị tai nạn xe hơi. Tim của cả hai đã ngừng đập và sau đó là một trải nghiệm NDE. Sau khi họ được cứu sống lại, cả hai đã kể lại trải nghiệm thoát ra khỏi cơ thể và cùng nhau đi vào ánh sáng, với các tình tiết giống hệt như nhau.

Với số lượng nghiên cứu trong hơn 30 năm qua, Moody cho biết rằng “Giờ thì đã có một bước tiến thực sự vững chắc – tôi cần nhấn mạnh từ “thực sự” – hướng tới nhận thức hợp lý về thế giới bên kia”.

Tương tự như vậy, Greyson cho biết: “Khoa học về kinh nghiệm cận tử hiện nay đã tiến bộ hơn rất nhiều so với 30 năm trước đây”.

Tuy nhiên, Greyson nghĩ rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trong lĩnh vực nghiên cứu về cận tử, đặc biệt là với các công cụ kỹ thuật hiện đại mà chúng ta chưa có trước đây, và ông cũng hy vọng rằng trong tương lai, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về nguyên nhân của NDE.

Tác giả: Stephanie Lam
Nguồn: The Epoch Times