Phật Giáo Đóng Góp Gì Cho Minh Triết Việt

Trích

http://www.trungtamhotong.org/NoiDun...en83/index.htm

Trước sự phát triển không ngừng của khoa học, của chính phủ điện tử, của công nghệ thông tin... thế giới hiện đang đứng trước những thử thách lớn lao giữa hai giá trị tinh thần và vật chất. Nền văn minh đô thị đang từng bước tăng tốc đến chóng mặt, đáp ứng tất thảy mọi phương tiện, mọi nhu cầu hưởng thụ cần yếu mà cũng rất xa xỉ cho con người. Khoa học đã cưỡng đoạt, đã chiếm hữu thiên nhiên, khai thác thiên nhiên một cách triệt để, vô tội vạ - hầu phụng sự cho lợi ích khá thiết thân mà cũng rất là cục bộ và vị kỷ của thế giới tiêu dùng; tự thân đã kéo theo biết bao nhiêu phản ứng phụ nguy hiểm: Ấy là phá vỡ tầng Ozone, ô nhiễm toàn bộ môi sinh... đưa đến hậu quả chiến tranh, khủng bố, bão lũ, động đất, sóng thần, tâm thần, dịch bệnh... Sự an nguy của con người trên hành tinh xanh này đang thổi những tiếng còi báo động SOS! Chỉ số GDP của các nhà kinh tế đưa ra - nên chú ý, thiên trọng hạnh phúc đầu người hơn là những con số lạnh lùng vô cảm, tính toán bình quân vật chất - nhiều bậc thức giả đã nói như thế! Và họ đã nói rất đúng. Các giá trị tinh thần, cái đẹp của nhân văn, nhân bản như sự an bình và phúc lạc nội tâm của con người - có được từ một đời sống minh triết - phải được xem là bài toán giải nghiệm ưu tiên tối thượng trên các cuộc hội nghị vuông tròn hơn là các giải pháp chính trị, quân sự, kinh tế...

Trong bối cảnh chung của xã hội, của thế giới phẳng, Việt Nam chúng ta cũng bị biến động, xáo trộn với quy mô tiểu toàn cầu, mà, các giá trị văn hiến thiêng liêng tạo nên bản sắc văn hóa, nền tảng tâm linh ngàn đời duy trì sinh lực Việt cũng bị lung lay tận nền móng! Cái gọi là giá trị tâm linh ngàn đời duy trì sinh lực Việt ấy chính là hồn Việt, là minh triết Việt mà những bậc thức giả, trí giả đang thao thức kiếm tìm, thắp sáng để trở về với cội nguồn dân tộc!

Vậy, minh triết là gì? Việt Nam có minh triết không? Minh triết ấy có sẵn ở trong bản sắc đặc thù của văn hóa Việt - hay nó là sự tan hòa, trung hòa, cộng hưởng, hỗn dung từ hai dòng tư tưởng Khổng Mạnh, Lão Trang như ở Trung quốc? Và Phật giáo, vốn là dòng chảy song hành với dân tộc trong suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, cùng với thịnh suy, vui buồn... chung tình huống, chung cảnh ngộ... đã, đang và sẽ đóng góp được gì cho minh triết Việt? Đấy là đề cương khá phức tạp, là nội dung nhiều tham vọng của bài tiểu luận này!

Từ thuở bình minh của triết học phương Tây, minh triết (sophia, sagesse) được tôn vinh; và các triết gia cổ đại Hy Lạp đã xem “minh triết là của thần, là bất cập đối với con người; con người nhiều lắm chỉ có thể yêu mến, quý chuộng minh triết” Theo đó, “minh triết là trên - triết học và triết gia là người không bao giờ với tới minh triết, nhiều lắm chỉ có thể bày tỏ lòng yêu mến đối với minh triết - mà thôi”. [1]

Tuy nhiên, sau thời Aristote thì các triết gia bắt đầu rời xa trực giác, tư duy lý tính chiếm lĩnh, triết học được tôn vinh và minh triết bắt đầu mờ nhạt, thứ yếu, nếu không muốn nói là đã bị các triết gia quên lãng, coi khinh, xem thường! Một số ví dụ:

- Minh triết là người bà con nghèo của triết học!

- Tư duy triết học có những bay bổng mê hồn, thì những lời bàn của minh triết xem ra tẻ nhạt, ỉu xìu, ngán ngẩm, cùn mòn, không có góc cạnh!

- Minh triết là cái gì đó nguội lạnh và lẩn thẩn.

- Minh triết giống như tro xám, nguội lạnh phủ lên than hồng!

- Minh triết là tư duy của những ham muốn già nua!

- Minh triết là cái gì đó ở dưới triết học!...[2]

Như vậy là suốt hơn hai ngàn năm qua, phương Tây đã vắng bóng minh triết! Còn phương Đông? Ở phương Đông (khu biệt là Đông Á) cũng cùng thời cổ đại ấy, minh triết có mặt trong truyền thống tư tưởng Trung Hoa - mà người đại biểu, huân tụ nội lực, tạo nên dòng chảy minh triết ấy chính là Khổng Mạnh và Lão Trang.[3] Do ảnh hưởng chung từ một cội nguồn văn hóa, “minh triết phương Đông đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong nếp suy nghĩ, cách nhìn và cách ứng xử của người Việt” [4]

Tuy nhiên, cái tạo nên minh triết phương Đông không chỉ có Khổng Mạnh, Lão Trang mà còn có Phật Thiền và cả bản sắc văn hóa, tín ngưỡng dân gian, bối cảnh lịch sử, địa lý của từng quốc gia đồng văn nữa. Điều ấy thì ai cũng hiểu, nhưng tại sao Francois Jullien lại bỏ quên?! Minh triết Việt cũng chung dòng chảy minh triết phương Đông nhưng vẫn nội hàm đặc thù, dị biệt so với minh triết Trung Quốc. Nếu không, trong chiều dài lịch sử lệ thuộc, chúng ta hẳn đã bị nền văn minh Hoa Hạ đồng hóa. Vậy, khi nghiên cứu minh triết Việt, chúng ta cần để ý đến sự hỗn dung, tan hòa ấy; cụ thể là linh hồn của văn hiến, văn học, nghệ thuật, đạo lý sống, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng... kể cả các lễ hội dân gian, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, nhạc lễ, các ngành nghề thủ công, điêu khắc và cả ẩm thực nữa... Nó nhiều lắm! Nó nhiều, nhưng chỉ cần chú trọng cái nguồn lực, cái tạo nên hồn sống có được từ Tam giáo đồng nguyên và cái đặc thù của bản sắc dân tộc được cộng hưởng bởi 54 cư dân anh em, mà nổi trội nhất là văn hóa Việt Mường.

Khái quát như vậy để chúng ta thấy rõ được cái mênh mông của vấn đề. Dẫu mênh mông nhưng chúng ta cũng có thể tóm gọn trong hai từ triết mỹ, là cái đẹp, là cái tinh hoa của minh triết Việt. Và trong bối cảnh toàn diện ấy, Phật giáo đóng vai trò như thế nào?