III/- Ý NGHĨA DANH HIỆU
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Nếu xét theo nghĩa lý từng chữ chúng ta có thể hiểu rằng : - Đại Đạo là con đường lớn.
- Tam kỳ là lần thứ ba.
- Phổ độ là bày ra cứu chúng sanh.
1/- ÐẠIÐẠO:
Trước hết xin bàn về hai chữ Đại Đạo. Tính chất căn bản trong học thuyết Cao Đài là tổng hợp tinh hoa các giáo thuyết khác, cho nên nếu không chịu đứng trên căn bản nầy khi tìm hiểu về lý Đạo, chúng ta sẽ thấy trăm nghìn thắc mắc mâu thuẫn ngay trong lời dạy của Đức Chí Tôn mà nguyên do là tại nơi tâm sai biệt của chúng ta, tại lý trí phán xét lẩn quẩn trong vòng tương đối của nhị nguyên.
Trời là Trời, đất là đất, người là người, đâu ra đấy không thể lẫn lộn được. Đó là tính chất của nhị nguyên.
Trái lại Đức Chí Tôn có dạy : " Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy, các con là chư Phật, chư Phật là các con. Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật" Hoặc nói rõ hơn " Các con là Thầy, Thầy là các con."
Và đó là tính chất vượt lên trên cả nhất và nhị nguyên hay nói một cách khác vừa nhất nguyên vừa nhị nguyên gọi là Đạo trong Cao Đài giáo.
Với cái nhìn bao quát nầy chúng ta xét thấy chữ Đại trong hai tiếng Đại Đạo. Vấn đề được đặt ra cho tất cả các Vị Giáo Chủ là giải quyết cuộc đời. Giải pháp của từng Giáo Chủ xưa nay cũng được gọi là Đạo, nó bao hàm ý nghĩa một thái độ tích cực, một phương pháp hoạt động, một lối sống cho con người. Hiển nhiên với danh xưng Đại Đạo, Cao Đài tự cho mình là con đường lớn. Những người quen nhìn từ bên ngoài, từ hiện tượng đến tâm linh, vốn quen lý luận trong vòng nhị nguyên khi phê phán về học thuyết Cao Đài thường có chỗ hoài nghi về thái độ độc tôn trong danh hiệu Đại Đạo. Lớn là so sánh với cái gì nhỏ hơn như vậy các hình thức tôn giáo, triết học đã có, hiện có, đều nhỏ hết hay sao? Nếu trở lại tánh chất căn bản của học thuyết Cao Đài là chấp nhận sự đồng nguyên tôn giáo trong ý thức và sự dung hòa tư tưởng trong cách hành động thì điều dị nghị về một thái độ tự tôn hẳn không còn đất đứng. Chẳng phải vấn đề sai hay đúng tự căn bản, mà là vấn đề còn hiệu lực hay không của các giải pháp từ xưa được đặt ra. Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo mỗi chi đều có phương cách giải quyết vấn đề nhơn sinh theo học thuyết của mình, nay nhìn nhận tất cả đều hữu lý, hữu hiệu trong một hoàn cảnh nào đó, thời gian nào đó của các hình thức giáo thuyết vẫn là thái độ căn bản của Đạo Cao Đài hay cái linh đài cao nhứt của một Đại Đạo hay là một mối Đạo lớn. Chữ Đại vì vậy không mang một ý nghĩa nổi bật, vượt lên trên tất cả như một cá thể độc lập và ngạo nghễ mà trái lại chính là sự trãi rộng ra, bao gồm tất cả để xem mình là kẻ khác, kẻ khác là mình trong một danh thể chung. Những phần tử lẻ tẻ cấu tạo thành mình, nếu mất đi thì chính mình cũng mất và ngược lại nếu không có sự ràng buộc giữa các phần tử với nhau thì những gì lẻ tẻ vẫn còn lẻ tẻ. Chữ Đại là lớn tìm thấy trong ý hướng chấp nhận sự đồng nguyên với mối liên hệ với nhau giữa những phần tử cấu tạo qua trung gian của một nguồn gốc duy nhứt, nó từ chối sự giải thích hơn hay kém trong tinh thần hơn thua với một thái độ miệt thị và tôn trọng, nhưng nhận sự thẩm định về mức độ hữu hiệu của các giải pháp với tinh thần cần có nhiều giải pháp đóng góp vào một chương trình chung là giải quyết cuộc đời. Hiểu như vậy thì Đại Đạo là một mối Đạo cho tất cả, một giải pháp vừa chừng cho tất cả, một đường đi chứa đựng được tất cả, nó không phải là một con đường trong số những con đường mà là cái danh hiệu chung của tất cả các con đường ấy, nó không phải là lối giải quyết của một vị giáo chủ mà là lối giải quyết của tất cả những vì Giáo Chủ.
2/- TAM KỲ:
Với cái nhìn rộng rãi như vậy, chúng ta hãy lần qua đến chữ Tam Kỳ, nói nôm na là lần thứ ba. Học thuyết Cao Đài chia lịch trình tấn hóa của nhơn loại làm ba thời ký chính. Trong mỗi thời kỳ như vậy đều có một số hình thức tôn giáo nào đó phát sinh để hướng dẫn tinh thần sanh chúng. Mỗi lần khai sinh một hay nhiều tôn giáo như vậy gọi là " kỳ phổ độ". Tam kỳ hay lần phổ độ thứ ba được đánh dấu bằng sự xuất hiện của Đạo Cao Đài.
Lịch sử nhân loại theo suốt dòng thời gian là một cuộc tranh đấu để sinh tồn và tấn hóa. Ấy là cái lý tự nhiên, nhưng ngặt càng tranh đấu lắm lại càng ác liệt lắm, nên đã bao phen nhơn loại đứng bên bờ vực thẳm của một cuộc diệt vong rộng lớn. Trước nguy cơ diệt chủng ấy, nhiều vị giáo chủ xuất hiện đem lý thuyết Đạo giáo truyền bá trong dân gian mong kéo con người trở lại đời sống hiền hòa. Ảnh hưởng của các Đạo giáo phần nào đã giúp ổn định đời sống xã hội ít nữa trong một khoảng thời gian nào đó, trước khi ảnh hưởng ấy lu mờ dần để nhường chỗ cho những giáo thuyết mới phù hợp với trình độ dân trí hơn.
Song song với sự phát triển tinh thần nhơn loại theo hai xu hướng thiện và ác, nhiều vị giáo chủ giáng trần bày ra những lối huấn luyện thích hợp đưa con người trở về hợp nhứt với Thượng Đế mà ý niệm phát sinh càng ngày càng rõ rệt. Nơi đây không còn những con số niên lịch chính xác phân định những móc thời gian giữa các thời kỳ với nhau, vã lại cũng khó làm được như vậy vì sự tiến triển của nhơn tâm nói chung trên dòng tấn hóa là một sự tổng hợp của nhiều cá nhân xuất sắc và trì độn.
Người ta chỉ còn nhớ lại một cách mơ hồ vào thời kỳ thời tiền sử xa xăm có xuất hiện nhiều vị giáo chủ và những nhân vật lừng danh mà công nghiệp còn được truyền tụng và suy tôn như hàng Giáo Chủ. Cũng không có ai hình dung nổi hình dáng các vị nầy ra sao, hoạt động đích thực của các Ngài ra sao. Những lời thuật lại trong các truyền thuyết thật là khó mà tìm được như những sự kiện hiển nhiên của những con người bằng xương bằng thịt, nhưng ít nữa nó cũng tượng trưng cho những ý nghĩa có tính cách triết học nào đó.
Sang đến thời kỳ phổ độ thứ hai lịch sử còn ghi sự xuất hiện của : - Đức Thích Ca chấn hưng Phật Giáo.
- Đức Lão Tử chấn hưng Tiên Giáo.
- Đức Khổng Phu Tử chấn hưng Nho Giáo.
- Đức Jesus-Christ khai Gia Tô Giáo.
Và bây giờ chúng ta đang ở vào thời kỳ phổ độ thứ ba gọi là Tam Kỳ Phổ Độ. Lần thứ ba là để so sánh với lần thứ nhứt và thứ hai trước đây. Lần thứ ba nầy nói về ba Đạo giáo chính ơ ûĐông phương người ta không tìm thấy những nhơn vật trọng đại giáng trần chấn hưng các mối Đạo mà chỉ thấy sự tôn sùng các chơn linh. - Quan Thế Âm Bồ Tát.
- Lý Thái Bạch.
- Quan Thánh Đế Quân.
Như là những vị đặc trách trông coi sự chấn hưng của Phật Giáo, Tiên giáo và Nho giáo. Điều ấy tìm thấy trong ý thức hệ của tín đồ Cao Đài và cách phô diễn trong nghi lễ thờ phượng, còn những hoạt động của các chơn linh ấy thuộc phạm vi bán hữu hình nên khó lòng kiểm chứng được đối với những kẻ không tin.
Đây vừa kể sơ lược những nhân vật thường được nhắc đến nhiều nhứt trong học thuyết Cao Đài, thế còn những vị giáo chủ các tôn giáo khác trên khắp hoàn cầu thì sao? Xếp vào kỳ phổ độ nào? Bất kỳ tôn giáo nào, những hình thức tín ngưỡng dù ở phương trời góc biển nào cũng có những hiện thân của Thượng Đế làm đối tượng tôn sùng cho người tin theo, như vậy thì sự liệt kê danh hiệu các vì giáo chủ qua ba kỳ phổ độ như vừa nêu trên chỉ có giá trị tượng trưng cho khuynh hướng muốn bao gồm thống hợp tất cả.
Sự tượng trưng nào lại không chỉ là tương đối nên phải hiểu rằng đàng sau bảng kê khai hãy còn nhiều dấu chấm bỏ lửng hay là một dấu ngoặc chờ đón những sự điền vào tiếp nối khi trí óc tinh thần nhân loại phát triển đến mức có thể hồi tưởng lại hết tất cả những danh hiệu của các vị giáo chủ hoặc những người ở vào cái tư thế như vậy trong xã hội cổ kim.
Như vậy sự phân chia thành ba kỳ phổ độ không có tánh cách máy móc, toán học, nghĩa là cứ sau niên lịch nào đó thì tự động xếp các vì giáo chủ, các hình thức tín ngưỡng tôn giáo nhỏ lớn vào cùng một nhóm với nhau. Trái lại, sự phân chia nầy có tính cách rất tổng quát, mang ý nghĩa rằng lịch sử nhân loại là một cuộc tuần huờn hết thịnh đến suy, suy rồi lại thịnh. Cứ mỗi thời kỳ suy đồi, các Đạo giáo như những cố gắng làm phục sinh tinh thần cao thượng của con người hướng về nguồn gốc linh thiêng của mình.
Tam Kỳ phổ độ được đánh dấu bằng sự xuất hiện của Đạo Cao Đài khoảng đầu thế kỷ 20, nhưng triết lý tổng hợp nầy đã xuất hiện từ trước và nhiều nơi khác, như ở Đạo Bahai từ năm1863, phong trào nghiên cứu tôn giáo đối chiếu tại các quốc gia Âu Mỹ từ đầu thế kỷ 20 y như lời xác định của Đức Chí Tôn. " Thầy chưa giáng cơ lập Đạo tại nước Nam chớ chư Thần, Thánh, Tiên, Phật dùng huyền diệu nầy mà truyền Đạo cùng vạn quốc."
(TNHT. TG.12-11-1926).
3/-PHỔ ĐỘ :
Như vừa nói trên, chữ phổ độ có nghĩa bày ra để cứu chúng sanh. Hai chữ phổ độ làm chúng ta liên tưởng đến cả một sách lược tuyên truyền, kỹ thuật quảng bá để cho một ý thức hệ đi thẳng vào tim óc của dân gian, ngự trị trong tư tưởng quần chúng để rồi tư tưởng ấy điều khiển hành động của từng cá nhân và tập thể. Đó là thái độ vô cùng tích cực nhằm đoạt đến cái đích tối hậu là độ rỗi nhơn sanh thoát cái hiện tại bất toàn của họ. Thiết tưởng cần dẫn chứng điều quan hệ căn bản trong tư tưởng người đệ tử Cao Đài liên quan đến sự có mặt của họ tại thế gian nầy trước khi đi sâu vào nghĩa lý chữ Độ.
Một đoạn trong bài đầu tiên của quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển ( quyển thứ nhì ) có ghi như sau : " Cõi trần là chi? Khách trần là gì?
Sao gọi là khách?
Trần là cõi khổ để đọa bậc Thánh, Tiên có lầm lỗi, ấy là cảnh sầu để trả xong quả hoặc về ngôi cũ, hoặc trả không xong quả phải mất cả chơn linh là luân hồi, nên kẻ bị đọa trần gọi là khách trần."
Vậy thì quê hương thật sự của con người không phải chỉ ở địa cầu nầy, nơi đây chỉ là quán trọ để khách lữ hành dừng chân một thuở trên dòng tấn hóa, một nơi để các đẳng chơn linh đến học hỏi những kinh nghiệm sống trong cuộc sống trần tục bên trong thi thể của một phàm nhân. Vậy thì cái tư thế là của một người khách tạm ngụ chớ không phải là một chủ nhân ông vĩnh viễn. Vậy thì quyền tư hữu của con người đối với vật chất trên mặt địa cầu nầy là vô nghĩa, vì tính chất vô thường của những của cải vật chất ấy. Mọi giá trị của cuộc sống được xây dựng trên sự trải dài của cái trường cửu mà trường cửu lại chính là cái tổng hợp của nhiều giai đoạn. Nhầm lẫn giá trị của trường cửu với những giá trị đoản kỳ của các giai đoạn là xuyên tạc học thuyết Cao Đài... Chẳng hạn, lập luận bảo rằng cuộc đời của một người nào đó có nhiều đau khổ, vậy cứ đem giết phức y đi là xong chuyện. Đó cũng là một cách giải quyết vấn đề nhưng nó được xây dựng trên biện chứng, phản lại tinh thần trường cửu là sự sống của một cá nhân được tiếp nối qua nhiều thế hệ luân hồi hay ít ra sau khi chết cái phần linh diệu nơi một con người vẫn còn tồn tại và hoạt động. Sự độ rỗi cũng phải được xây dựng trên một lập trường như vậy, người sẽ phải vận dụng tất cả mọi khả năng để làm cho người tiến hóa đạt đến chân, thiện, mỹ trên sự trải dài của đời sống vĩnh cửu. Cái nhìn ấy khác với cái nhìn của người cho rằng hạnh phúc chỉ có trên đời nầy ngay trong đời sống hiện tại, và chỉ có trong kiếp sống của xác thân, có khuynh hướng qui tất cả mọi giá trị của cuộc sống vào mấy mươi năm xuất hiện trên mặt đất. Trường cửu sẽ trở thành ảo tưởng nếu nó không được xây dựng trên giai đoạn và giai đoạn sẽ có tánh cách cực đoan nếu nó không được xây dựng trên trường cửu nên mối tương quan mật thiết giữa hai ý thức về hữu hạn và tuyệt đối là thế quân bình trong sự quyết định cách thức hành động khi phổ độ chúng sanh. Nhà đạo giáo nếu không nắm được mối tương quan nầy hay là độ tiết chế lẫn nhau thường sẽ phải cuốn theo chiều gió một cách thảm thương và thay vì giữ được vị trí của một trọng tài làm quân bình đời sống nhơn sanh lại lấy sức mạnh của khối tín ngưỡng làm gia tốc những sự va chạm lẫn nhau giữa các khuynh hướng đối nghịch trong xã hội. Tinh thần hay là tư tưởng tuy chẳng có sức mạnh nào cụ thể như súng đạn nhưng khả năng hoán cải cuộc đời không phải là ít, vì vậy những cuộc xô xát ngày nay tuy mang cái vỏ cơ khí rầm rộ bên ngoài nhưng kỳ thật là những cuộc xung đột tư tưởng phát sinh từ các triết thuyết của tiền nhân. Muốn độ rỗi nhơn sanh phải nhắm vào cái gốc phát sinh những mối bất hòa trong xã hội nên phải giải quyết vấn đề tư tưởng như là căn bản của mọi giải pháp. Tư tưởng sẽ chẳng có giá trị gì nếu nó không biểu lộ ra ngoài một cách cụ thể bằng hành động. Độ rỗi vì vậy mang hai ý nghĩa : Thứ nhứt : Hoán cải tư tưởng.
Thứ hai : Ảnh hưởng đến hành động.
Tư tưởng xây dựng trên ý thức đời sống trường cửu, hành động bị trói buộc vào hoàn cảnh và giai đoạn. Nếu hai lãnh vực nầy hoàn toàn tách rời nhau, nghĩa là nhơn sanh vẫn ý thức được giá trị của con đường thiêng liêng hằng sống nhưng vẫn hành động theo thế tục, hoàn toàn trái ngược với tư tưởng trên đây thì kẻ có trách nhiệm trong Tam Kỳ đã không tròn câu phổ độ.
Phổ độ là bày ra, hẳn nhiên phải bày ra cái gì hữu hình, hữu tướng, cái lớp vỏ, cái áo ngoài tức là cái giả vậy. Kết quả cuộc phổ độ lại là vấn đề của thế giới nội tâm, nên người đi làm công việc truyền giáo mà không độ được chính mình thì chỉ nắm được cái vỏ chớ chưa hề biết được cái ruột. Nói rộng ra những gì hiện có tại thế gian nầy thấy được bằng nhục nhãn, nghe được bằng nhục nhĩ liên quan đến sách lược truyền bá giáo lý chỉ nằm trong phạm vi giả tạm, nó có tánh cách tùy thuộc vào môi trường và giai đoạn. Người phải xây dựng được đời sống trường cửu cho nhơn sanh thì mới đạt được kết quả sau cùng của việc phổ độ. Nếu như Tam Kỳ chỉ làm được việc truyền bá giáo lý mà không tạo được đời sống vĩnh cửu cho chúng sanh thì vấn đề đặt ra là giải quyết cuộc đời chưa đi đến đích.
Bookmarks